Đường dẫn truy cập

Thòng lọng siết chặt quanh các tội phạm chiến tranh ở Mỹ và các nơi khác


Nhân viên an ninh vây quanh nhà cựu độc tài Chad Hissene Habre bên trong tòa án tại Dakar, Senegal, ngày 20 tháng 7 năm 2015.
Nhân viên an ninh vây quanh nhà cựu độc tài Chad Hissene Habre bên trong tòa án tại Dakar, Senegal, ngày 20 tháng 7 năm 2015.

Những người phạm tội ác chiến tranh đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi họ tìm cách trốn tránh công lý. Theo tường thuật của thông tín tiên Jeffrey Young của đài VOA, các tổ chức cảnh sát công nghệ cao và các hệ thống pháp lý quốc tế chặt chẽ hơn đang giúp truy lùng và truy tố những kẻ bị nghi đã phạm tội ác chống lại nhân loại.

Ở nhiều nước, vấn đề thực thi công lý đang trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu. Trong các phòng xử án ở châu Phi, La Haye, Mỹ và các nơi khác, những kẻ bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh và giết người hàng loạt đang bị truy tố.

Ngày 30/5, cựu Tổng thống Chad Hissene Habre đã bị Tòa án châu Phi Đặc biệt ở Senegal kết án tù chung thân. Tòa án này do Liên hiệp châu Phi lập ra. Đây là lần đầu tiên một cựu lãnh đạo quốc gia bị tòa án của một nước khác truy tố và kết án vì những hành vi vi phạm nhân quyền.

Cao ủy trưởng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zied Ra'ad al-Hussein, nói việc kết án ông Habre đã đặt ra tiền lệ.

"Trong một thế giới có những dấu ấn đau đớn là những hành động tàn bạo liên tục xảy ra, bản án này có những hiệu ứng toàn cầu".

Nhưng cựu Tổng thống Chad lập luận rằng phán quyết của Tòa án châu Phi ở Senegal không hợp lệ. Ông Francois Serres, luật sư của ông Habre, giải thích quan điểm của ông với VOA trong một cuộc phỏng vấn độc quyền qua Skype:

"Ông Habre đã bị xử, vào năm 2000, tại Senegal. Vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi có quan điểm đây là vấn đề bất khả trùng tố. Ông ấy không thể bị xét xử lại vì cụ thể là nhờ một quyết định chính trị của Tổng thống Senegal, là một bên tham gia vào quyết định của Tòa án Tối cao của Senegal, nói rằng ông Habre không nên bị xử lại".

Phiên xét xử ông Habre diễn ra tại Senegal một phần vì các lãnh đạo châu Phi từ lâu đã phản đối Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye (ICC). Họ nói rằng ICC nhắm vào châu Phi một cách bất công.

Theo Giáo sư Luật Quốc tế Ralph Steinhardt thuộc Đại học George Washington, tuy Thượng viện Mỹ đã không phê chuẩn hiệp ước về thành lập ICC, song Washington rất ủng hộ những nỗ lực của tòa án này.

Ông Steinhardt nói: "Hiện đã có một số hoạt động hợp tác không chính thức giữa chính phủ Mỹ và các cơ quan chuyên giám sát sự phát triển và hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế".

Mỹ có những luật lệ riêng về vấn đề này, trong đó có Đạo luật về Bồi thường Người nước ngoài. Luật này trao cho tòa án liên bang thẩm quyền xét xử các vụ việc liên quan tới thiệt hại gây ra cho người nước ngoài và xảy ra ở nước ngoài.

Một luật khác liên quan cụ thể đến các nạn nhân bị tra tấn đang được áp dụng trong một vụ án liên bang ở vùng Washington để xét xử một cựu chỉ huy quân đội Somali đang sống tại Mỹ.

Yusuf Abdi Ali bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong thời gian Mohamed Siad Barre nắm quyền cai trị. Luật sư chính trong vụ xử này, Kathy Roberts thuộc Trung tâm Công lý và Trách nhiệm, nói với đài VOA qua Skype:

"Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật mang tên Luật Bảo vệ Nạn nhân của Tra tấn, trong đó nêu ra trình tự hành động cụ thể không chỉ đối với người nước ngoài, mà cả với công dân Mỹ, về tội tra tấn và hành quyết bừa bãi. Cáo buộc của chúng tôi trong trường hợp này về tội tra tấn và hành quyết bừa bãi, theo "Hồ sơ của Quốc hội", thì có nghĩa là rõ ràng áp dụng được ở hải ngoại, ở nước ngoài, ở các khu vực tài phán khác của nước ngoài.

Luật sư Roberts nói vụ án này có thể được đưa lên Tối cao Pháp viện Mỹ, và nó thể hiện một điều rõ ràng là những kẻ bị cáo buộc là thủ phạm có thể đi qua các biên giới, nhưng các nạn nhân của những tội ác mà bọn họ gây ra có quyền được hưởng công lý bất kể bọn họ đang ở đâu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG