Đường dẫn truy cập

The Education of a British-Protected Child (Việc Giáo Dục Một Đứa Trẻ Được Người Anh Bảo Trợ) - Chinua Achebe


The Education of a British-Protected Child (Việc Giáo Dục Một Đứa Trẻ Được Người Anh Bảo Trợ) - Chinua Achebe
The Education of a British-Protected Child (Việc Giáo Dục Một Đứa Trẻ Được Người Anh Bảo Trợ) - Chinua Achebe

Quyển luận văn-hồi ký The Education of a British-Protected Child/Việc Giáo Dục Một Đứa Trẻ Được Người Anh Bảo Trợ của Chinua Achebe là tập hợp 17 bài luận văn và thuyết trình bày tỏ quan điểm của nhà văn này về khá nhiều vấn đề của người da đen trên các mặt văn hóa, lịch sử, chính trị, và văn chương.

Có thể nói Chinua Achebe (phát âm:ˈtʃɪnwɑː əˈtʃɛbeɪ, theo chính tác giả) cùng với Wole Soyinka là hai nhà văn Nigeria được thế giới biết đến nhiều nhất, với Wole Soyinka được trao giải Nobel Văn Chương năm 1986 và Chinua Achebe giải Man Booker Prize International năm 2007. Quyển tiểu thuyết đầu tay Things Fall Apart/Mọi Thứ Xụp Đổ Hết xuất bản năm 1958 được coi là quyển tiểu thuyết đầu tiên của Châu Phi được thế giới biết tới, từ khi ra mắt cho đến ngày nay bán được trên 8 triệu bản, được dịch ra 45 thứ tiếng, và được giảng dạy tại hầu hết các trường trung học Mỹ.

Ông sinh năm 1930 ở làng Igbo thuộc tỉnh Ogidi phía đông nam nước Nigeria. Cha mẹ ông là những nhà truyền đạo thiên chúa. Là học sinh xuất sắc của các trường trung và tiểu học do người Anh quản trị, lên đại học được nhận học bổng vào Government College, đều là những trường giảng dạy bằng Anh ngữ. Tốt nghiệp cấp cử nhân xong, sau một thời gian ngắn đi dạy học, năm 1954 Chinua Achebe vào làm việc cho Đài Phát Thanh Nigeria ở Lagos. Chính trong thời gian làm ở đài phát thanh này ông thai nghén quyển tiểu thuyết đầu tay Things Fall Apart, viết bằng Anh văn.

Ban đầu quyển truyện bị nhiều nhà xuất bản từ chối in, nhưng sau nhờ sự hậu thuẫn của nữ giám đốc đài phát thanh nơi ông làm việc, quyển truyện được xuất bản, ngay sau đó được đón nhận nồng nhiệt, và tên tuổi Chinua Achebe được nhắt tới như một nhà văn đại diện của Phi Châu.

Sau thành công ban đầu ông tiếp tục cho ra mắt các tiểu thuyết No Longer at Ease (1960), Arrow of God (1964), A Man of the People (1966), và Anthills of the Savannah (1987). Năm 1967 khi vùng Biafra tuyên bố tách rời khỏi Nigeria, ông hết lòng ủng hộ nền độc lập của lãnh thổ này, được cử làm đại sứ đặc mệnh đi vận động các nước ở Âu châu và Mỹ châu viện trợ cho dân chúng tân quốc gia này.

Nhưng năm 1970 chính quyền Nigeria đánh bại chính quyền độc lập Biafra, Chinua Achebe ban đầu hợp tác với nhiều đảng phái chính trị nhưng sau đó thất vọng khi tận mắt chứng kiến những chính quyền kế tiếp tham nhũng thối nát và giai cấp trị nên rút lui khỏi chính trị, sang Mỹ sống lưu vong và nhận giảng dạy ở nhiều trường đại học danh tiếng. Năm 1991 trong một chuyến trở về thăm quê nhà, ông bị tai nạn xe hơi, sau đó phải ngồi xe lăn khi di chuyển. Quyển luận văn The Education of a British-Protected Child xuất bản đầu năm nay tập hợp 17 bài viết rải rác trong hơn 20 năm trở lại đây.

Đối với người theo dõi sát sáng tác của Chinua Achebe thì quyển sách này không phải là một tác phẩm mới. Sự tập hợp những bài hồi ký, luận văn, và thuyết trình đã được cho đăng tải trên các tạp chí trước đây có ưu điểm tạo được sự nhất quán về tư tưởng của tác giả và cho thấy rõ hơn diện mạo trí thức của Chinua Achebe nhà viết khảo luận.

Trong tựa sách hai chữ “British-Protected” tác giả dùng vì trong quá khứ, lần đầu được xuất cảnh sang Anh quốc, trên giấy tờ của ông người ta ghi căn cước của ông là “Một Người Được chính Quyền Anh Bảo Vệ” (British-Protected Person). Thuộc tính này nói lên sự đứt rời của cuộc đời Chinua Achebe khỏi quê hương, và kỷ niệm này đã gây cho ông sự mỉa mai, cay đắng và cũng thúc đẩy ông lên tiếng lên án chủ nghĩa thuộc địa. Nhưng về tư tưởng, ông không quá khích khi nói về chủ nghĩa thuộc địa của người da trắng, Chinua Achebe minh định giữ vững lập trường “trung dung” về văn hóa và chính trị cho nên giọng điệu trong những bài luận văn hay thuyết trình của ông rất điềm đạm, tuy sắc bén nhưng không quá đà. Rất nhiều lần ông cũng đã tỏ ra biết ơn những ông thày da trắng, và những tác giả tiểu thuyết nổi tiếng người Anh, nhất là tiếng Anh là ngôn ngữ ông đã sử dụng để viết văn mặc dù ông bị nhiều trí thức và nhà văn Phi châu chỉ trích không dùng tiếng mẹ đẻ.

Quyển sách mở đầu với bài hồi ký khoảng 20 trang mang tựa đề quyển sách Chinua Achebe viết “… Tôi sẽ chỉ đơn giản tuyên bố sự phản đối căn bản của tôi đối với nền cai trị thuộc địa. Trong cái nhìn của tôi, việc một người này áp chế, chiếm đất đai và lịch sử của người khác, và sau đó xí xóa sự việc bằng cách bảo rằng nạn nhân cần được giam giữ hay ít ra cần được bảo vệ tối thiểu thì đó là một trọng tội. Đó cũng còn là một sự thiếu thành thực nữa.”

Trong một bài hồi ký ngắn khác tựa đề “Cha Tôi và Tôi” ông vạch trần sự giả dối của sứ mệnh đem lại văn minh cho người Phi châu của những nhà truyền giáo cũng như của chủ nghịa thuộc địa. Ông viết: “Tôi tự hỏi, có mối liên hệ nào trong việc nhiều thế kỷ trước khi những tín đồ thiên chúa giáo Âu châu này dong thuyền tới chúng tôi để phát quyển Kinh Thánh cho chúng tôi và cứu chúng tôi ra khỏi sự tăm tối, thì tổ tiên của họ, cũng dong thuyền đến, cũng đã giao nộp cha ông chúng tôi cho dịch vụ buôn bán nô lệ liên-đại-dương khủng khiếp, và thả ngập bóng tối vào thế giới của chúng tôi.”

Dưới ngọn bút của Achebe, người đi truyền đạo và bọn thuộc địa chẳng có gì khác nhau, dịch vụ buôn bán nộ lệ xuyên đại dương là “một tội ác lớn lao nhất của con người chống lại nhân loại.” Ở địa vị một nhà văn và một trí thức da đen Chinua Achebe cố gắng tìm câu trả lời cho nan đề mối tương quan giữa Người Châu Phi và Người Mỹ (conumdrum of African-Americans) mà ông đặt cho cái tên là “Vấn Đề Da Đen” (Negro problem).

Theo ông nan đề này là một ác quỷ có hai đầu có thể được mô tả như sau: “Một: Chính những người Phi châu đã đem bán chúng tôi cho người Âu để lấy những món nữ trang rẻ tiền. Hai: Người Phi châu đã không tạo được thành tựu nào để chúng tôi có thể vì đó mà kiêu hãnh.” Những nhận định này của ông không những ám chỉ sự đồng lõa của người Phi châu trong việc buôn người qua đường chuyên chở qua biển Đại Tây Dương mà còn muốn đề cập tới sự chậm tiến của Phi châu. Chinua Achibe cũng gọi nan đề này giống như “một kịch bản trong đó nạn nhân bị kết án về chính tội ác gây ra.”

Để bênh vực cho quan điểm của mình, ông trưng dẫn bức thư của nhà vua Dom Afonso xứ Bukongo Phi châu viết cho Vua John Đệ Tam của Bồ Đào Nha năm 1526 than phiền về hành vi của người Bồ ở Congo nhưng bức thư này không được hồi âm. Bức thư này hiện còn được lưu giữ tại Văn Khố ở Amsterdam ghi rõ rằng “những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã bỏ rơi việc giảng đạo và trở thành những kẻ lùng kiếm nô lệ.” Điều này chứng tỏ thực ra người Phi châu không muốn can dự vào việc buôn bán nô lệ.

Nhưng Chinua Achebe không đưa ra một giải pháp nào cho nan đề này mà chỉ lưu ý người Phi châu phải chống lại sự cám dỗ vẽ đường cho người ngoài để họ nói về người Phi châu vì “Việc kể chuyện về người da đen trong thời đại chúng ta, và từ lâu trước đây, là một công việc tự mình trao trách nhiện cho người da trắng, và dĩ nhiên người da trắng phần lớn đã làm công việc này sao cho thích hợp với mục tiêu của họ… Hình ảnh tiêu cực về Phi châu chứa đựng quá nhiều yếu tố tâm lý, chính trị, và kinh tế người da trắng đã đặt vào.”

Trong bài “Viết Đúng Tên Chúng Ta” Chinua Achebe cũng lên án người Anh trong những thế kỷ trước đã đánh cắp những cổ vật nghệ thuật của Phi châu, đem về Anh cất vào viện bảo tàng hoặc giữ làm của riêng. Người da trắng cũng bị ông lên án đã phá hoại hệ thống giá trị của người dân Phi châu.

Trong bài “Giảng dạy quyển Things Fall Apart” Chinua Achebe cũng lột trần sự đạo đức giả được che đậy của người Tây phương. Ông cũng bảo lưu quan niệm nhân bản của mình dựa trên lời chỉ dạy của Bantu về sự bất khả phân của nhân loại trong câu nói “Một người chỉ là người vì người khác cũng là người.” Về sự khôn ngoan trong việc giải quyết tranh chấp của người Phi châu ông lấy thí dụ “Khi người Igbo đối diện với sự đối nghịch giữa người với người thì sự thúc đẩy trước hết của họ không là việc xem ai trái nhưng trước hết phải nhanh chóng lập lại sự hòa hảo,” và giải quyết bất đồng tranh chấp không đứng về một phía nào.

Là người đã đi nhiều nơi trên thế giới nên ông đã tận mắt chứng kiến thấy rất nhiều khi chỉ những sự việc rất đơn giản cũng đủ gây phiền phức cho người da đen. Ông cho rằng ngay cả bác sĩ Albert Schweitzer một tên tuổi vĩ đại đã hy sinh cả đời cho Phi châu nhưng lại thất bại khi không nhìn thấu được sự thực về Phi châu nên đã phát biểu rằng: “Người Phi châu là huynh đệ của tôi, nhưng chỉ là đệ/em (young brother) thôi.” Và Chinua Achebe đã tỏ ra khá ngạc nhiên là chưa ai chỉ ra sự báng bổ này của Albert Schweitzer.

Trong tập luận văn này ông cũng không quên lập lại phê phán nhà văn Joseph Conrad trong tác phẩm nổi tiếng Heart of the Darkness đã bôi nhọ người da đen bằng những câu chữ đầy nhục mạ. Để kết luận cho quyển sách Chinua Achebe đã hết lời tán tụng Bác sĩ Nnamdi Azikiwe của Nigeria thường được người dân xứ này gọi tên một cách đầy thương yêu kính trọng là Zik vì ông này đã có công biến đổi Nigeria trong một thời gian ngắn, kẻ đã đấu tranh thành công trong việc chống lại chế độ thuộc địa, giải phóng xứ sở. Sau cùng Chinua Achibe cũng ngợi ca Leopold Sédar Senghor của xứ Senegal như một nhà chính trị toàn phần và một thi sĩ lừng danh.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG