Đường dẫn truy cập

Chuyên gia kêu gọi Thái Lan cải thiện công tác quản lý nguồn nước


Thái Lan là nơi vẫn thường xảy ra lụt lội, ngay cả trong những năm không có hiện tượng La Nina
Thái Lan là nơi vẫn thường xảy ra lụt lội, ngay cả trong những năm không có hiện tượng La Nina

Những trận lụt hồi cuối năm ngoái đã tàn phá hàng ngàn cộng đồng dân cư ở Thái Lan và gây ra thiệt hại vật chất lên tới hàng triệu đô la. Theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về từ Bangkok, các nhà khoa học cho rằng vương quốc Thái Lan cần phải phát triển một kế hoạch dài hạn để quản lý nguồn nước, một trong những tài nguyên quan trọng nhất mà cũng có thể gây nguy hại nhiều nhất.

Cuối năm ngoái, những trận lụt dữ dội nhất trong vòng gần 50 năm đã gây tử vong cho hơn 230 người, làm ngập hàng vạn héct ta hoa màu và gây thiệt hại kinh tế lên tới 1.700 triệu đô la.

Những trận lụt, bắt đầu từ tháng 10, đã ảnh hưởng tới phân nửa trong số 76 tỉnh của Thái Lan. Mãi cho tới tháng Giêng dương lịch những tỉnh miền nam vẫn còn phải gánh chịu những trận lụt mới và những vụ đất chuồi.

Các chuyên gia thời tiết cho rằng những trận lụt này trở nên dữ dội hơn vì hiện tượng thời tiết La Nina, là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ của nước trên mặt biển thấp hơn bình thường và làm cho lượng mưa trên đất liền gia tăng.

Tuy nhiên, Thái Lan vốn là nơi vẫn thường xảy ra lụt lội, ngay cả trong những năm không có hiện tượng La Nina. Cũng giống như phần lớn các nước khác ở Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc, những cơn mưa mùa kéo tới vào tháng tư hoặc tháng 5 sau khi mùa khô chấm dứt và thường gây ra lụt lội.

Ông Danai Thaitukoo, giảng viên khoa kiến trúc của Đại học Chulalongkorn, nói rằng những trận lụt định kỳ nêu bật nhu cầu của Thái Lan là cần có những chính sách dài hạn và có hiệu quả để quản lý nước trên toàn quốc.

Ông Danai nói: "Chúng ta chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà không chuẩn bị cho những tình huống khác nhau trong dài hạn. Điều này cũng giống như chúng ta có giải pháp nhưng không thực sự thực thi giải pháp. Đất nước này cần phải xem vấn đề nước là một vấn đề an ninh quốc gia. Vì vậy chúng ta không nên chỉ chú ý tới an ninh lương thực mà còn phải chú ý tới an ninh nước. Nhưng ở cấp chính sách cao nhất, tất cả các bộ đều không có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề này."

Các nhà khoa học và những chuyên gia qui hoạch cộng đồng ở Thái Lan nói rằng những vấn đề liên quan tới mùa khô cũng cần phải được giải quyết, vì các cộng đồng cư dân thường bị thiếu nước trong những tháng mùa khô.

Một nhà khí tượng học của Đại học Chulalongkorn, ông Anond Snidvongs cho biết như sau về vấn đề này.

Ông Anond nói: "Chúng ta thường xem nước trong mùa mưa như một vật dư thừa, như một vật phế thải, như một vật không cần thiết và cần phải vất bỏ. Và khi tới mùa khô thì chúng ta lại than van và nói rằng chúng ta không có đủ nước. Tôi nghĩ rằng mọi người nên thay đổi thái độ đối với nước. Đừng xem đó là một thứ đồ phế thải mà phải xem đó là một loại tài sản."

Giáo sư Anond nói rằng cần có một nỗ lực để thỏa mãn nhu cầu nước trong mùa khô bằng cách xây dựng những hồ chứa nước — không phải là những đập nước thông thường, để tồn trữ lượng nước trong mùa mưa.

Vương quốc Thái Lan từng đạt được một số thành quả trong việc quản lý lưu lượng nước. Những dự án quan trọng được thực hiện trong thập niên qua đã giảm bớt mối nguy lụt lội ở thủ đô Bangkok. Thành phố này đã xây hơn 70 kilomét đê dọc theo sông Chao Phraya và một loạt những bức tường ngăn nước chạy dài ra khỏi thành phố.

Những trận lụt năm ngoái đã buộc chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đánh giá lại các hệ thống thủy lợi và chống lụt. Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, ông Panitan Wattanayagorn, cho biết chính phủ hy vọng rằng các chương trình quản lý nước sẽ được tập trung.

Ông Panitan nói: "Thủ tướng Abhisit đang yêu cầu tất cả các bộ có dính líu tới vấn đề quản lý nước phải phối hợp các kế hoạch của mình, với trung tâm là Văn phòng Thủ tướng. Kế hoạch chung để quản lý nước nông nghiệp giờ đây đang được điều hợp dưới một kế hoạch tổng thể mới. Và đây là lần đầu tiên chúng tôi có một nỗ lực đầu tư quan trọng để tập trung vào vấn đề này thay vì để cho các bộ khác nhau tự quản lý hệ thống nước của mình."

Các nhà lãnh đạo kinh doanh và nông nghiệp, cùng với các chuyên gia quản lý nước, cho biết quản lý nước có hiệu quả là một vấn đề sinh tử đối với Thái Lan, nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Họ nói rằng việc cải thiện các hệ thống quản lý nước sẽ góp phần làm gia tăng và đa dạng hóa sản lượng nông nghiệp, và người dân sẽ có mức thu nhập cao hơn nếu họ xem nước là một loại tài sản chứ không phải là một thứ đồ phế thải.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG