Đường dẫn truy cập

Thái Lan trấn át công nhân di trú Miến Ðiện


Một tổ chức nhân quyền ở Thái Lan nói rằng vụ trấn át của chính phủ nhắm vào các công nhân di trú không đăng ký, đa số là người Miến Điện, có thể khuyến khích các vụ vi phạm nhân quyền. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Quỹ Nhân quyền và Phát triển, còn gọi tắt là HRDF, nói rằng nhà chức trách Thái Lan đang nhắm mục tiêu bắt bớ các công nhân di trú không chịu tham gia vào một chương trình xác nhận quốc tịch của chính phủ.

Tổ chức HRDF cho biết trong tháng này chính phủ đã lập một trung tâm đặc biệt để quản lý vụ trấn át khoảng 300.000 công nhân di trú đã không tôn trọng kỳ hạn hồi tháng giêng quy định việc bắt đầu tiến trình xác nhận.

Tổ chức nhân quyền này nói hàng trăm dân di trú đã bị bắt và sẽ còn nhiều người nữa bị bắt.

Ông Somchai Homlaor là một luật sư về nhân quyền và là tổng thư ký của tổ chức HRDF. Ông nói vụ trấn át vừa kể và nhu cầu lớn về lao động di trú rẻ tiền sẽ chỉ khuyến khích hối lộ và các hoạt động tội phạm khác mà chương trình đăng ký có ý định ngăn chặn. Ông nói kỳ hạn nộp đơn xin xác nhận quốc tịch phải được gia hạn.

Ông Somchai nói: “Chính phủ Thái phải mở cửa để đăng ký những công nhân di trú bất hợp pháp này và cho phép họ trở thành công nhân làm việc ở Thái Lan một cách hợp pháp, để họ không trở thành mục tiêu bị khai thác và lợi dụng bởi những người có quyền thế.”

Chương trình xác nhận quốc tịch nằm trong khuôn khổ nỗ lực của chính phủ dành cho công nhân di trú những bảo vệ pháp lý và tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ công cộng.

Có hơn 2 triệu công nhân di trú ở Thái Lan, rất nhiều người ở trong tình trạng bất hợp pháp hay không có giấy tờ chứng minh. Hơn 80% xuất xứ từ Miến Điện.

Sự tiếp cận của họ với giáo dục và chăm sóc y tế rất hạn chế và họ thường bị lợi dụng bởi các chủ nhân lưu manh, mà không có mấy giải pháp hợp luật.

Chỉ có những di dân hợp pháp mới được phép tham gia vào tiến trình xác nhận. Khoảng 800.000 người từ Miến Điện đã nộp đơn trong khi có ước chừng 1 triệu người không đăng ký bị loại trừ và có thể bị bắt hay trục xuất.

Theo chương trình này, công nhân di trú được yêu cầu xác nhận quốc tịch với chính phủ nguyên quán trước khi được cấp giấy phép làm việc ở Thái Lan.

Nhưng ông Somchai nói rằng chính phủ quân nhân Miến Điện không thừa nhận một số nhóm sắc tộc, chẳng hạn như Rohingya, một khối thiểu số Hồi giáo, là công dân Miến Điện.

Ông Somchai cho biết: “Có nhiều, rất nhiều công nhân từ Miến Điện sẽ không qua được tiến trình xác nhận quốc tịch và họ sẽ không được chính quyền Miến Điện cấp hộ chiếu và cũng sẽ không được chính quyền Thái cấp giấy phép làm việc. Đây là một vấn đề lớn: Thái Lan sẽ làm gì đối với nhóm người vô quốc tịch này. Chúng tôi không có lời giải đáp rõ ràng của chính phủ Thái mặc dầu đã nêu ra vấn đề này cách đây ít lâu.”

Ông Somchai nói nhiều di dân từ Miến Điện cũng từ chối không chịu đăng ký vì sợ bị chính quyền Miến Điện ngược đãi.

Theo ông, những người khác thì không đủ khả năng nộp lệ phí cho những người làm trung gian giúp công nhân di trú qua được tiến trình đăng ký hoặc không biết về yêu cầu kiểm nhận.

Thái Lan lệ thuộc vào những người di trú này như một nguồn lao động tay chân rẻ tiền. Nhiều người làm việc ở các công trường xây dựng và đi đánh cá, hoặc làm người giúp việc trong nhà.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG