Đường dẫn truy cập

Thái Lan kêu gọi giải quyết khủng hoảng di trú


Những thuyền nhân Indonesia.
Những thuyền nhân Indonesia.

Tại Bangkok, một cuộc họp giữa các giới chức cấp cao trong chính phủ các nước khu vực kêu gọi hành động phối hợp hơn trong việc ứng phó với cuộc di trú bất thường ở vùng Ân Độ Dương.

Cuộc họp hôm nay của các chuyên gia và giới chức cấp cao về tình trạng di trú bất thường tiếp theo một cuộc họp tương tự hồi tháng 5 được triệu tập để đối phó với các vụ khủng hoảng nhân đạo về hàng ngàn thuyền nhân bị kẹt trên biển.

Đa số những người đang di dời đó là người Hồi giáo Rohingya, bỏ trốn các chính sách đàn áp ở miền tây Myanmar, và những người nghèo khó mang quốc tịch Bangladesh đi tìm công ăn việc làm ở Malaysia và Indonesia theo Hồi giáo.

Hôm nay, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai kêu gọi hành động dài hạn có phối hợp để giải quyết tình trạng di trú bất thường.

Ông Don nói: “Rõ ràng chúng ta cần có một cơ chế công khai và hữu hiệu để quản lý và kiểm soát các tác động tiêu cực của tình trạng di trú bất thường. Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng di trú bất thường có một bộ mặt con người – vì thế chúng ta phải làm tất cả những gì có thể được để ủng hộ những truyền thống nhân đạo và chính sự linh thiêng của mạng sống con người.”

Văn phòng Di trú Quốc tế của LHQ, còn gọi là IOM, trong bản phúc trình về tình trạng mới nhất nói rằng trong số hơn 5 ngàn 500 người ra đi từ Myanmar và Bangladesh từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 30 tháng 7, có hơn 1 ngàn 900 người ở lại trong các nơi tạm trú, và các trung tâm tạm giữ ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Myanmar. Hơn 2 ngàn 200 thuyền nhân Bangladesh đã trở về Bangladesh với sự trợ giúp của IOM.

Người Rohingya vẫn không có tổ quốc. Giới hữu trách Myanmar không thừa nhận họ là một trong các nhóm sắc tộc ở Myanmar. Nhà chức trách gọi là Bengali, với những luật lệ áp đặt những hạn chế chặt chẽ về đi lại và tuyển dụng.

Ngoại trưởng Thái Don nói vấn đề cần phải được giải quyết một cách toàn diện bởi tất cả những bên liên quan từ việc ngăn chặn cho đến ‘sửa chữa’ và bao gồm hỗ trợ phát triển kinh tế ở các khu vực để giảm thiểu ‘sự thúc đẩy’ dẫn tới việc người Rohingya và người Bangladesh theo đạo Hồi lên đường ra khơi.

Tại một cuộc họp báo sau đó, ngoại trưởng Thái Lan bày tỏ hy vọng rằng sẽ tìm ra được các giải pháp bền vững để tránh những vụ khủng hoảng trong tương lai.

Ông Don cho biết: “Hy vọng rằng – chúng tôi cảm thấy chúng tôi muốn việc đó, và thực sự trông đợi – giải pháp bền vững, nhưng có thể sẽ không có được từ cuộc họp thứ nhì này – chúng ta có hy vọng, hy vọng chân thành rằng tất cả những nỗ lực, sự tập trung phối hợp sẽ giúp họ đạt được mục tiêu này.”

Các nhà ngoại giao kỳ cựu nói với đài VOA rằng chính phủ Thái Lan muốn mở một cuộc đối thoại với Myanmar về một kế hoạch hành động để cả hai nước có thể ngăn tránh được tình trạng tê liệt đã diễn ra hội tháng 5 khi hàng ngàn di dân bất thường bị bỏ rơi ngoài biển khơi.

Các nhà ngoại giao nói mức độ nhanh chóng mà lãnh tụ đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc vừa đắc cử đáp lại những đề nghị sẽ mang tính trọng yếu một khi đảng của bà lên nắm quyền vào năm tới.

Tổng giám đốc IOM William Swing nói đối thoại thêm trong khu vực là điều cần thiết để đảm bảo các giải pháp dài hạn thành hình.

Ông William Swing nói: “Không hẳn là một vấn đề di trú phải giải quyết mà là một thực tế nhân loại cần phải xử trí. Mọi thứ nay phụ thuộc vào sự thường kỳ của các cuộc họp, có một cuộc đối thoại liên tục. Trong khi bàn luận về một số vấn đề vừa phức tạp vừa gay go này, là chúng ta giữ cho cuộc đối thoại tiếp tục.”

Bước kế tiếp sẽ là cuộc họp vào tháng 3 tới tại Indonesia giữa các vị ngoại trưởng của nhóm “Tiến trình Bali” gồm 45 quốc gia để giải quyết tình trạng di trú bất thường, và điều mà các nhà ngoại giao nói là dự kiến sẽ đem lại “sự xây dựng có sức mạnh” để hỗ trợ cho kết quả các cuộc họp ở Thái Lan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG