Đường dẫn truy cập

Quan hệ Mỹ-Trung không căng thẳng


A woman perform fashion show with slogans to promote respect for women's rights as groups of citizens, workers, and civil society representatives celebrate the 109th International Women Rights Day at Freedom Park in March 8, 2020. (Kann Vicheika/VOA Khmer)
A woman perform fashion show with slogans to promote respect for women's rights as groups of citizens, workers, and civil society representatives celebrate the 109th International Women Rights Day at Freedom Park in March 8, 2020. (Kann Vicheika/VOA Khmer)

Trong hai ngày 6 và 7/4/2017 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở miền nam Florida để thảo luận về quan hệ hai nước.

Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong bốn năm tới sẽ thay đổi ra sao thì vẫn còn là những phỏng đoán, vì Tổng thống Trump không xuất thân từ chính trường mà từ thương trường nên cách ông thương lượng với lãnh đạo thế giới thật khó tiên đoán.

Ông Trump đã nhiều lần phát biểu bày tỏ bất đồng với chính sách giao thương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được thi hành trước nay và đã thẳng thắn chỉ trích mối quan hệ mậu dịch hai nước như hiện nay là không có lợi cho nước Mỹ.

Trong lúc vận động tranh cử, nhiều lần ứng cử viên Donald Trump đã nói thẳng ra là Trung Quốc không chơi một cách bình đẳng với Mỹ trên thương trường.

Nhưng ông Trump không chỉ phàn nàn về mối quan hệ thương mại bất bình đẳng giữa Mỹ với Trung Quốc, mà còn nhắm đến một số nước khác trong đó có Nhật, Canada, Mexico, Việt Nam v.v… và nhận định rằng những nước này cũng đã lạm dụng Mỹ trong quan hệ thương mại.

Khi vừa nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Hợp tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) mà Hoa Kỳ và 11 nước ven Thái Bình Dương đã thương thảo trong nhiều năm mới đạt được.

Trong khi đó Trung Quốc cũng đang muốn thành hình một liên minh kinh tế qua hiệp định thương mại RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) gồm các nước trong khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ, Tân Tây Lan để hợp tác và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực châu Á.

Vì thế hội đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập là sự kiện rất quan trọng vì Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hiện nay cán cân thương mại Mỹ-Trung mỗi năm chênh lệch càng cao, đến vài trăm tỉ đôla và Hoa Kỳ luôn nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất khẩu. Năm ngoái mức chênh lệch giao thương hai nước lên đến hơn $350 tỉ.

Làm sao giảm số thặng dư nhập khẩu và đưa công việc trở lại Hoa Kỳ thì đó là một bài toán kinh tế phức tạp và khó khăn cho Tổng thống Trump.

Quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được mở ra từ thời Tổng thống Richard Nixon, sau chuyến đi Bắc Kinh vào tháng 2/1972. Kể từ đó bàn cờ khu vực được sắp xếp lại.

Cuộc chiến tranh Đông Dương gây căng thẳng cho quan hệ Mỹ-Trung từ thập niên 1950 được kết thúc vào năm 1975, đưa đến một nước Việt Nam thống nhất và toàn vùng Đông Dương dưới chế độ cộng sản.

Không còn muốn can thiệp quân sự vào Đông Á, Washington mở ra quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh năm 1979 và đặt trọng tâm phát triển thương mại với các quốc gia trong vùng.

Ổn định để buôn bán là định hướng cho chính sách ngoại giao Mỹ trong bốn thập niên qua.

Phát triển thương mại tăng nhanh nhất là từ thời Tổng thống Bill Clinton với chính sách kinh tế toàn cầu hóa, cắt giảm sản xuất nội địa, nhiều công ty Mỹ di chuyển qua Trung Quốc, Đông Nam Á. Với gần hai tỉ người, Trung Quốc và khối ASEAN đã trở thành trung tâm gia công cho các công ty Mỹ, từ may mặc, đồ gia dụng cho tới linh kiện, máy móc điện tử.

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã chằng chịt đến độ những mối tương quan khác đều trở thành thứ yếu. Quyền lợi của Hoa Kỳ trên đất Trung Quốc cũng chính là quyền lợi thương mại mà các công ti Mỹ đang được hưởng. Sản xuất nhanh với giá thành rẻ cho thị trường tiêu thụ của dân Mỹ và toàn cầu.

Từ ba thập niên qua, có những lúc quan hệ hai nước căng thẳng, nhưng được giải quyết ôn hòa và không làm suy giảm trao đổi thương mại.

Năm 1989, ngay sau khi xảy ra biến cố đàn áp sinh viên đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn khiến hàng nghìn người chết, dù Tổng thống George W.H. Bush (Cha) cho phép những sinh viên Trung Quốc du học được chính thức ở lại Mỹ tị nạn, cùng lúc ông Bush âm thầm gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scowcroft đến Bắc Kinh để bảo đảm với lãnh đạo Trung Quốc là quan hệ hai nước không thay đổi.

Năm 1996 căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung lên cao khi Đài Loan tổ chức bầu cử và vấn đề độc lập của đảo này được ứng cử viên Lý Đăng Huy ủng hộ. Trước ngày bầu cử, Bắc Kinh bắn hỏa tiễn về phía Đài Loan, một đồng minh không chính thức của Mỹ, như là một hành động cảnh báo người dân Đài Loan về những lựa chọn trong cuộc bầu cử. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc.

Trước hành động khiêu khích quân sự đó đối với Đài Loan, Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh đưa hàng không mẫu hạm vào vùng eo biển ngăn cách Trung Quốc với Đài Loan để cảnh cáo Bắc Kinh không nên phiêu lưu quân sự với bạn của Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng sau đó đã được giải quyết ôn hòa.

Tháng 4/2001, dưới thời Tổng thống George W. Bush (con) đã có sự cố máy bay trinh thám của Hải quân Mỹ va chạm với chiến đấu cơ Trung Quốc trên không phận gần đảo Hải Nam gây tử vong cho phi công Trung Quốc. Các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã ép buộc phi cơ Mỹ đáp xuống đảo và 24 lính Mỹ gồm phi hành đoàn cùng chuyên viên bị bắt và thẩm vấn.

Sự kiện này đã gây căng thẳng cho hai quốc gia, nhưng cũng được giải quyết ôn hòa sau khi những quân nhân Mỹ ký tên vào một thư xin lỗi và được thả. Bắc Kinh không cho máy bay trinh thám của Mỹ cất cánh trở về mà phải được tháo gỡ từng phần mới được đem vể.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, trước những ý đồ bành trướng ảnh hưởng trong khu vực Đông Á của Trung Quốc nên đã có chính sách xoay trục, sau đổi thành tái quân bình ảnh hưởng của Mỹ trong vùng, đặc biệt là khu vực biển Đông Á từ Nhật xuống đến Singapore.

Nhưng lãnh đạo Mỹ cũng chỉ đưa ra chính sách trung lập trong các tranh chấp giữa các nước trong khu vực liên quan đến chủ quyền biển đảo.

Trong khi Trung Quốc mở rộng tầm kiểm soát trong vùng biển Đông bằng cách cho bồi đắp những đảo đã chiếm được ở Hoàng Sa và Trường Sa, Hoa Kỳ chỉ lên tiếng cương quyết bảo vệ tự do không lưu và hải lưu trong khu vực theo luật pháp và thông lệ quốc tế đã có từ trước đến nay.

Với Tổng thống Donald Trump, sau khi đắc cử ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Sự kiện này làm Bắc Kinh tức giận vì điều đó vi phạm chính sách một nước Trung Hoa mà Hoa Kỳ đã thừa nhận. Sau đó Tổng thống Trump cũng đã phải xác nhận quan điểm của ông là đồng ý với chính sách của Hoa Kỳ về một nước Trung Hoa.

Với những căng thẳng giữa hai nước đã có trong quá khứ, và cách giải quyết để tránh làm tăng xung đột thì thật khó cho Mỹ và Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh phải đối đầu với nhau qua chiến tranh. Vì ngày nay nếu có chiến tranh giữa hai nước, dù chiến tranh kinh tế hay về mặt quân sự, thiệt hại sẽ rất nặng cho cả hai quốc gia.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG