Đường dẫn truy cập

Sinh viên Trung Quốc: Tự do ngôn luận tại Mỹ bị Trung Quốc làm ‘nguội lạnh’


Blogger viết kiến nghị gởi Tòa Bạch Ốc yêu cầu đóng cửa các Viện Khổng Tử.
Blogger viết kiến nghị gởi Tòa Bạch Ốc yêu cầu đóng cửa các Viện Khổng Tử.

Dù Bắc Kinh cách xa vạn dặm, nhưng một số sinh viên Trung Quốc và giáo sư giảng dạy ngành Trung Quốc học tại Mỹ nói họ e rằng Đảng Cộng sản đang xâm nhập vào tận lớp học của họ.

Được phỏng vấn tại gần nửa chục trường đại học tại Mỹ, sinh viên từ Trung Quốc cho biết họ phải tự kiểm duyệt trong lớp học về những đề tài mà đối với Đảng Cộng sản là nhạy cảm- như các cuộc biểu tình đông đảo tại Hong Kong và tình trạng Đài Loan.

“Tôi không cảm thấy an toàn khi nói công khai hay được ghi âm”, một sinh viên Trung Quốc đang theo cao học tại trường đại học Georgetown ở Washington nói.

Các sinh viên Trung Quốc nói họ e ngại bị các sinh viên đồng học Trung Quốc theo dõi. Một sinh viên nói anh lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình anh ở Trung Quốc, tương lai của anh và visa của anh.

“Đối với tôi, tôi sẽ trở về Trung Quốc và kiếm việc làm,” sinh viên này nói. “Có thể, tôi sẽ làm việc cho một công ty chính phủ. Do đó nếu tôi nói điều gì nhạy cảm về Hong Kong, tôi lo ngại là chính phủ Trung Quốc sẽ biết điều gì đó về quan điểm của tôi và việc này sẽ ảnh hưởng đến việc làm và tương lai của tôi ở Trung Quốc.”

Tòa đại sứ Trung Quốc ở Washington không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.

Sinh viên được phỏng vấn cho bài viết này nói họ sợ bị chính phủ Trung Quốc trả thù nếu họ bị nhận diện.

“Tại Trung Quốc, chúng tôi không muốn nói quá nhiều về chính phủ,” một sinh viên trường đại học Maryland nói. “Tôi gởi tin tức trên Twitter cho bạn tôi tại Trung Quốc , nhưng sau đó xóa thông tin trong điện thoại của tôi, vì tôi sợ khi tôi trở lại Trung Quốc, họ sẽ lục soát điện thoại của tôi.”

Sinh viên này cho biết là nghiên cứu sau đại học về khoa học chính trị của anh bị trở ngại vì anh không thoải mái khi nói về một vài đề tài trong lớp học như biểu tình đông đảo tại Hong Kong, tình trạng độc lập của Tây Tạng và việc công nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.

Trung tâm Wilson, một cơ quan nghiên cứu lưỡng đảng ở Washington, báo cáo vào năm 2017 là một cộng đồng nhỏ các sinh viên Trung Quốc và các nhà ngoại giao đã dùng chiến thuật đe dọa đi từ thu thập tình báo đến trả thù về tài chánh. “Một cuộc Nghiên cứu Sơ khởi về Ảnh hưởng Chính trị của Trung Quốc và Những Hoạt động Can thiệp vào Giáo dục Bậc cao Hoa Kỳ” xem xét ảnh hưởng của Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ cho biết.

Các giáo sư ở các đại học phương Tây nói họ cũng cảm thấy thu thập tình báo của Trung Quốc trong lớp học của họ.

“Có một đôi lúc một người lớn tuổi từ Trung Quốc xuất hiện trong lớp tôi không báo trước, và nói là họ đang thăm và muốn ngồi trong lớp của tôi,” giáo sư Crystal Chang-Cohen, dạy khoa học chính trị tại Trường đại học California-Berkeley nói. “Nhưng họ không xuất trình được giấy tờ nào cả nên tôi từ chối.”

Các giáo sư nghiên cứu về chính trị và lịch sử Trung Quốc nói họ nghi là bị nhân viên tình báo Trung Quốc theo dõi. Một giáo sư nói sinh viên Trung Quốc theo học lớp của ông lớn tuổi hơn các sinh viên khác được yêu cầu rời khỏi lớp nếu từ chối xuất trình thẻ sinh viên.

Một giáo sư lịch sử tại Trường đại học Maryland nói ông cũng thỉnh thoảng thấy các vị khách đến thăm lớp học nhưng ông không nhận ra ai cả. Ông nói ông nghi là những người này đang thu thập tình báo.

“Tôi nghĩ đáng quan ngại là chúng ta có những tổ chức trong trường đại học có những quan hệ đáng kể với chính phủ Trung Quốc, được dùng làm công cụ để theo dõi thái độ của các sinh viên Trung Quốc,” một giáo sư về chính phủ và chính trị tại Trường đại học Maryland nói. Những cuộc thảo luận trong lớp học “thường xoay quanh các vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc như lịch sử hay khoa học chính trị,” giáo sư này nói.

Hầu hết giáo sư đại học được VOA phỏng vấn đều yêu cầu ẩn danh vì sợ các trường đại học Mỹ sẽ không ủng hộ họ nếu chính phủ Trung Quốc phản đối những bình phẩm của họ.

Sinh viên Trung Quốc chiếm hơn 33% trong số 1.095.299 sinh viên quốc tế tại Mỹ. Họ thường trả đầy đủ các lệ phí mà các trường đại học Mỹ dựa vào như thu nhập của các trường này.

Trung Quốc chỉ trích các chương trình sinh lợi của trường đại học khi những chương trình này không phù hợp với chính sách của chính phủ Trung Quốc, Trung tâm Wilson cho biết. Trung Quốc trả thù trường đại học Maryland vào năm 2013 khi trường này tiếp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, dù có những cảnh báo của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Trung Quốc chiếm Tây Tạng trong hơn 60 năm.

Vào năm 2018, Phó Tổng thống Mike Pence mô tả việc Trung Quốc tài trợ cho chương trình trường đại học Maryland là “thình lình biến từ cơn lụt thành nhỏ giọt.”

Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) “báo động cho các tòa lãnh sự và tòa đại sứ Trung Quốc khi các sinh viên Trung Quốc, và các trường học Mỹ, đi chệch khỏi đường lối của Đảng Cộng sản ,” ông Pence nói trong một bài diễn văn tại Viện Hudson ở Washington.

Và sinh viên Trung Quốc Yang Shuping, đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp trường đại học Maryland năm 2017 về “không khí trong lành của tự do ngôn luận” tại Mỹ, đã bị khiển trách ngay lập tức tại quê nhà. China Daily, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản, đăng địa chỉ của cô tại Trung Quốc và gia đình cô bị quấy nhiễu trên mạng.

Cô Shuping sau đó phải xin lỗi.

Các giáo sư và sinh viên đề cập đến các Viện Khổng tử và các tổ chức CSSA là những tổ chức thu thập tình báo và ảnh hưởng chính trị. Chính phủ Trung Quốc, tài trợ cho các Viện Khổng Tử trên tòan thế giới, nói rằng những tổ chức này truyền bá thông tin về văn hóa và xã hội Trung Quốc chứ không phải giáo điều chính trị.

Trung tâm các Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ CIUS tự mô tả là hỗ trợ “dạy và học tiếng Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc tại Mỹ và giúp mọi người trao đổi với nhau, làm sâu đậm sự hiểu biết xuyên văn hóa và phát triển ngôn ngữ. Trung tâm quảng bá mạng lưới các Viện Khổng Tử trên toàn nước Mỹ thực hiện các chương trình giáo dục và văn hóa dạy tiếng Quan thoại, giúp gây dựng nhận thức về văn hóa Trung Quốc và tạo điều kiện dễ dàng cho việc trao đổi giáo dục.”

“Thế giới là một nơi rộng lớn, Trung tâm CIUS mang một ít Trung Quốc cho tất cả những gì chúng ta làm.”

Tuy nhiên một số trường đại học tại Australia, Anh, và Hoa Kỳ đã chấm dứt hợp đồng với các Trung tâm Khổng Tử sau khi lưỡng đảng kêu gọi điều tra nội bộ.

Ảnh hưởng Trung Quốc đã là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.

Giám đốc FBI Christopher Wray, trong phiên điều trần trước Quốc hội, nói cơ quan của ông “đang mở hàng ngàn cuộc điều tra, liên hệ đến việc đánh cắp sở hữu trí tuệ,” và hầu hết những trường hợp này liên hệ đến người Trung Quốc.

“Các Viện Khổng tử hoạt động như là một cánh tay của nhà nước Trung Quốc và được phép bất chấp tự do học thuật,” Hiệp hội các Giáo sư Đại học Mỹ” công bố vào năm 2014.

Tuy nhiên Hiệp hội các Trường Cao đẳng và Đại học Mỹ (AAC&U) không đồng ý.

“Chúng tôi ủng hộ những việc làm của Viện Khổng tử về mặt xây dựng thư viện, tài trợ các lớp học tiếng Trung Quốc và thúc đẩy trao đổi văn hóa,” chủ tịch Lynn Pasquerella của AAC&U, nói. “Kinh nghiệm của chúng tôi là không phát hiện được bất cứ bằng chứng nào về sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc hay cản trở tự do học thuật. Trung Quốc là nước hợp tác lớn nhất của chúng tôi về phương diện nghiên cứu khoa học, và việc theo dõi quá mức sẽ có ảnh hưởng tiêu cực về phát triển kiến thức.”

VOA tiếp xúc với 6 CSSA qua email và truyền thông xã hội nhưng không được hồi đáp.

Tuyên bố từ phái bộ CSSA của Đại học Georgetown tự mô tả rằng họ cam kết “cung cấp học thuật, thông tin về nghề nghiệp, xã hội và giải trí và dịch vụ cho các thành viên, quảng bá văn hóa Trung Quốc, lịch sử và ngôn ngữ, tăng tiến đối thoại với Hiệp hội và cộng đồng trường đại học Georgetown rộng lớn hơn.” Tuyên bố của phái bộ cũng tương tự như những trường đại học khác có hợp đồng với Viện Khổng tử.

Các CSSA “nhận chỉ đạo từ Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua các tòa đại sứ và lãnh sự…và tích cực trong việc thực hiện các công việc ở nước ngoài của Trung Quốc phù hợp với chiến lược Mặt trận Thống nhất của Bắc Kinh,” theo một phúc trình năm 2018 của Ủy ban Duyệt xét Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung. Ủy ban này theo dõi và điều tra các vấn đề quốc gia và thương mại, theo trang mạng của Ủy ban.

(BTV Gabrielle Resnick)

VOA Express

XS
SM
MD
LG