Đường dẫn truy cập

Seoul, Washington bất đồng về chi phí của quân đội Mỹ


Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung tại Hàn Quốc vào tháng 12/2015.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung tại Hàn Quốc vào tháng 12/2015.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ hôm 18/12 bất đồng về khoản đóng góp của Seoul cho việc đồn trú của khoảng 28.500 binh sĩ Hoa Kỳ. Nhưng sau hai ngày đàm phán, phía Mỹ ám chỉ rằng họ sẽ không khư khư đòi 5 tỷ đôla như yêu cầu ban đầu, theo Reuters.

Nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào ngày 31/12, tức thời điểm thỏa thuận hiện tại hết hạn, thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng lặp lại của năm ngoái, khi hai nước bỏ lỡ hạn chót cuối năm nhưng đạt được thỏa thuận sau đó trong năm mới. Lần gặp nhau tiếp theo của hai bên là vào tháng tới tại Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cáo buộc Hàn Quốc là một quốc gia giàu có nhưng đang trục lợi quân đội Hoa Kỳ, là lực lượng đóng quân tại nước này như một di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và tiếp tục có những mối đe dọa từ Triều Tiên.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc nói Washington đang đòi tới 5 tỷ đô la mỗi năm để hỗ trợ cho quân đội, gấp hơn 5 lần số tiền mà Seoul đồng ý trả trong năm nay.

Nhưng James DeHart, thương thuyết gia chính của Hoa Kỳ đã nói với các phóng viên sau cuộc họp hôm thứ Tư rằng, 5 tỷ đô la không phải là con số chúng tôi hiện đang tập trung vào trong các cuộc đàm phán... khi chúng tôi nhắm đạt được thỏa thuận, chúng tôi có nhiệm vụ giải thích về con số và cách chúng tôi tính ra con số đó”.

“Chúng tôi đã lắng nghe, chúng tôi đã điều chỉnh và chúng tôi đã thỏa hiệp, và chúng tôi biết rằng thỏa thuận... khi chúng tôi đạt được, thì con số sẽ khác với đề xuất ban đầu của chúng tôi và có lẽ khác với những gì chúng tôi đã nghe từ Phía Hàn Quốc cho đến nay”, Reuters dẫn lời ông James DeHart nói thêm.

Một số chuyên gia của Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho rằng không có thỏa thuận nào có thể khiến tương lai sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc bị lung lay.

Khi được hỏi liệu có thời hạn cho các cuộc thảo luận tiếp theo hay không, ông DeHart nói rằng ông chưa có một ngày cụ thể, nhưng thêm rằng “hai bên sẽ làm việc rất hăng hái trong năm mới và trong tháng 1 để cố gắng hoàn tất công việc”.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng nhóm đàm phán của họ do ông Jeong Eun-bo dẫn đầu nhấn mạnh đến sự cần thiết của một thỏa thuận “công bằng, hợp lý và có thể chấp nhận được với cả hai bên”, giúp củng cố cho liên minh.

Đây là tranh chấp cho thấy một dấu hiệu công khai hiếm hoi về sự bất hòa của liên minh đã hình thành và phát triển 70 năm qua để chống lại sự hung hăng của Triều Tiên.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc trong một thỏa thuận ngừng bắn nhưng không phải là một hiệp ước hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG