Đường dẫn truy cập

Ngập là tất nhiên, hết ngập mới lạ


Sài Gòn giờ tan tầm, giao thông càng trầm trọng hơn khi đường phố ngập lụt.
Sài Gòn giờ tan tầm, giao thông càng trầm trọng hơn khi đường phố ngập lụt.

Sài Gòn lại ngập. Sinh hoạt của đô thị lớn nhất Việt Nam lại bị đảo lộn chỉ vì trời đổ mưa.

Cuối tuần trước, tại một hội thảo do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tổ chức, thêm một lần nữa, những viên chức hữu trách trong chuyện chống ngập ở Sài Gòn thú nhận, Sài Gòn sẽ còn ngập sâu, ngập lâu.

Lý do khiến ngập lụt trở thành thảm trạng: Xảy ra khắp nơi, mực nước ngập càng ngày càng cao, thời gian ngập càng ngày càng dài, các loại thiệt hại do ngập, kể cả tổn thất nhân mạng càng ngày càng lớn… được giải thích là do bề mặt của Sài Gòn đang lún, nước biển dâng cao, biến đổi khí hậu khiến mưa nhiều, vũ lượng lớn, hệ thống thoát nước đã nhỏ lại còn thiếu,…

Thế nhưng xét cho đến cùng, tất cả những lý do ấy đều không thỏa đáng!

***

Theo một thống kê được công bố vào năm 2015 thì từ 2004 đến 2014, chính quyền thành phố Sài Gòn đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, mỗi năm, công khố phải chi 4.250 tỉ để trả vừa vốn, vừa lãi cho những khoản tiền khổng lồ đã vay để chống ngập.

Tuy nhiên tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn mỗi ngày một tồi tệ hơn.

Năm 2016, chính quyền thành phố Sài Gòn loan báo đem ba khu đất ở quận 7 và quận 9 (một có diện tích 5.500 mét vuông, một có diện tích 31.414 mét vuông và một có diện tích 42.000 mét vuông) để “đổi” các dự án chống ngập mới.

Theo chính quyền thành phố Sài Gòn, nếu cải tạo 3.407 cây số cống thoát nước, nạo vét khoảng năm cây số kênh rạch, làm 10 cống ngăn thủy triều, xây khoảng 150 cây số đê, 100 hồ điều tiết nước và 12 nhà máy xử lý nước thải,... thì Sài Gòn sẽ đỡ ngập.

Song đến giờ, nếu thủy triều lên, Sài Gòn không mưa cũng ngập. Còn mưa thì… khỏi bàn!

***

Nhiều chuyên gia từng khẳng định, sở dĩ ngập lụt trở thành một thảm trạng ở Sài Gòn là vì quản lý tồi.

Quy hoạch vô tội vạ đã bê tông hóa bề mặt Sài Gòn trên diện rộng trong một thời gian ngắn nên nước mưa không thể thẩm thấu vào lòng đất mà chảy tràn trên mặt với tốc độ cao, ào ạt dồn về chỗ trũng. Khi lập – duyệt các quy hoạch, viên chức hữu trách không nghĩ tới ngập. Khi xảy ra ngập lụt thì chỉ nghĩ tới làm cống trong khi khó có hệ thống cống nào đủ khả năng tiêu thoát một lượng lớn nước trong thời gian ngắn để tránh ngập…

Cho dù việc thoát nước ở Sài Gòn vốn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng chính quyền thành phố Sài Gòn đã ra lệnh lấp khỏang 30% diện tích sông và kênh, rạch. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thì trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4.000 héc ta bị lấp và bị lấn chiếm.

Tháng 4 năm 2015, chính quyền thành phố Sài Gòn loan báo đã quyết định chi 200 tỉ để… khôi phục lại kênh Hàng Bàng mà lãnh đạo tiền nhiệm đã ra lệnh lấp vào năm 2000. Chuyện khôi phục kênh Hàng Bàng dài 1.830 mét, bắt đầu từ điểm giáp với kênh Tàu Hũ (quận 5) đến kênh Lò Gốm (quận 6) được xem là giải pháp cần phải thực hiện sớm để giảm một phần tình trạng ngập lụt càng ngày càng trầm trọng ở Sài Gòn. Chi phí lấp và chi phí khôi phục tất nhiên là dân… chịu.

Cuối năm 2015, khi được mời góp ý để tìm giải pháp, giải quyết thảm trạng ngập lụt ở Sài Gòn, một số chuyên gia về thủy lợi, khí tượng - thủy văn, tài nguyên - môi trường đã từng khẳng định, Sài Gòn khó mà hết ngập bởi các dự án chống ngập đã lạc hậu với thực tế. Họ chứng minh, việc chống ngập cho Sài Gòn vẫn tiếp tục đi theo hai hướng ngược nhau. Các nghiên cứu sâu nhằm làm nền cho tính khả thi của các dự án chống ngập vẫn rất mỏng manh nhưng quy mô các dự án chống ngập luôn rất lớn. Những dự án thực hiện theo các quy hoạch chống ngập đã được duyệt đều thiếu nghiên cứu sâu trong khi lẽ ra phải làm ngược lại.

Đáng nói là các viên chức hữu trách vẫn xem chuyên gia như rác. Năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng – lúc đó là Thủ tướng Việt Nam vẫn cho phép vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất,… để tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã được cảnh báo là không khả thi nhằm chống ngập ở Sài Gòn.

Chưa kể không hiểu tại sao ông Dũng lại gật đầu với đề nghị đem công thổ “đổi” các dự án chống ngập dù chính quyền thành phố Sài Gòn không cho biết ba khu công thổ ấy được định giá là bao nhiêu (?). Phương thức hoán đổi là phía nhận đất sẽ phải hoàn tất toàn bộ các dự án chống ngập cho Sài Gòn hay chỉ thực hiện một phần những dự án có tổng giá trị lên tới 68.000 tỉ đồng (?).

Thảm trạng ngập lụt tại Sài Gòn tất nhiên không giảm và tiếp tục leo thang, từ chỗ chưa từng có này lên chỗ chưa từng có khác.

***

Ngày 15 tháng 5, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức trọng thể lễ trao “Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng” cho ông Lê Thanh Hải. Cũng ngày 15 tháng 5, thông qua hệ thống truyền thông, Trung tâm Chống ngập ở TP.HCM hoan hỉ loan báo, mùa mưa năm nay, lần đầu tiên, dân chúng Sài Gòn sẽ nhận được cảnh báo về mưa và ngập qua… radio và điện thoại. Cơ quan này đang ráo riết hoàn tất một ứng dụng để dân chúng Sài Gòn có thể dùng điện thoại tìm những con đường không bị ngập hoặc ngập ít để về nhà sau khi trời mưa.

Lúc trao “Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng” cho ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là Bí thư Thành ủy TP.HCM bảo rằng: “Sự phát triển của TP.HCM hôm nay có phần đóng góp công sức rất lớn của đồng chí Lê Thanh Hải”. Ông Hải thì chia sẻ rằng ông “rất tự hào và xúc động được đón nhận huy hiệu cao quý” như “Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng”.

Ông Hải làm Chủ tịch TP.HCM, rồi làm Bí thư Thành ủy TP.HCM từ 2001 đến 2016. Dù ngập lụt trở thành thảm trạng ở Sài Gòn, hàng trăm ngàn tỉ chống ngập trôi theo cống thì ông Hải cũng chỉ có công mà không có tội. Truy cứu trách nhiệm của ông Hải khó vì đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Lúc đó, ngay cả những người như ông Nhân (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM) cũng sẽ chung số phận. Ông Nhân từng là Phó Chủ tịch TP.HCM, Ủy viên Ban Thường vụ TP.HCM từ 2001 đến 2006.

Rất dễ hiểu vì sao, đến nay, không có bất kỳ viên chức nào từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố Sài Gòn trở xuống đứng ra nhận trách nhiệm về chuyện đã tốn quá nhiều tiền chống ngập song mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngập lụt năm sau lại cao hơn năm trước!

***

Chẳng phải chỉ có Sài Gòn, ngập lụt đã và đang trở thành thảm nạn của tất cả các đô thị tại Việt Nam: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ,…

Tại sao vậy? Tại vì ngăn ngừa – giải quyết các thảm nạn như ngập lụt đã, đang cũng như sẽ còn nằm trong tay các “cán bộ cấp chiến lược” do Đảng CSVN lựa chọn, sắp đặt.

Nhiều quốc gia mà ¼ lãnh thổ thấp hơn mực nước biển như Hà Lan vẫn có thể ngăn chặn ngập lụt để phát triển bởi may mắn thiếu đội ngũ “cán bộ cấp chiến lược”, chỉ tốt nghiệp Học viện Chính trị Hồ Chí Minh mà vẫn giành, giữ quyền chỉ đạo toàn diện.

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG