Đường dẫn truy cập

Repsol nhượng cổ phần vì bị Trung Quốc ép, Việt Nam càng quyết tâm kiện?


Repsol được cho là đã chuyển nhượng lại cổ phần của ba lô thăm dò dầu khí trên Biển Đông cho tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam trước sức ép của Trung Quốc.
Repsol được cho là đã chuyển nhượng lại cổ phần của ba lô thăm dò dầu khí trên Biển Đông cho tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam trước sức ép của Trung Quốc.

Công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol vừa quyết định chuyển nhượng lại cổ phần ba lô dầu khí vốn không hoạt động được trong những năm qua cho PetroVietnam do sức ép của Trung Quốc và các chuyên gia cho rằng động thái này là hệ quả tất yếu nhưng có thể làm Hà Nội quyết tâm hơn trong việc kiện Bắc Kinh ra toà quốc tế vì những tranh chấp trên Biển Đông.

Theo ghi nhận của trang Archyde hôm 13/6, Repsol đã ký một thoả thuận với tập đoàn dầu khí nhà nước PetroVietnam để chuyển nhượng các cổ phần của công ty này tại châu Á. Trong số ba lô dầu khí mà công ty Tây Ban Nha nhượng lại cổ phần cho PetroVietnam có mỏ Cá Rồng Đỏ, một dự án mà chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Repsol ngừng khai thác từ năm 2017 vì sức ép của Trung Quốc.

Công ty dầu khí Tây Ban Nha sẽ chuyển nhượng 51,57% số cổ phần ở lô 07/03 PSC và 40% số cổ phần ở lô 135-136/03 PSC cho công ty dầu khí Việt Nam, theo Archyde.

Repsol không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin trên.

Hồi tháng 5/2018, Reuters cho biết rằng Repsol đã tiến hành thương lượng với PetroVietnam và các quan chức chính phủ về việc đền bù cho những tác động từ việc ngừng hoạt động dự án Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính mà Trung Quốc nhiều lần đưa tàu vào nhằm gây sức ép đối với hoạt động khai thác gần đường “lưỡi bò” 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố.

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, người thường bình luận về các vấn đề Biển Đông, cho rằng quyết định của Repsol trả lại các lô thăm dò dầu khí là hệ quả bởi vì trong hai năm qua công ty này đã không thể tiến hành các hoạt động thương mại liên quan.

“Có thể lập luận rằng Trung Quốc đã doạ nạt Việt Nam một cách thành công từ ba năm trước,” GS Thayer nói khi trích dẫn thông tin chuyển nhượng của Repsol từ Archyde trong phần đăng tải về việc Repsol trả lại cổ phần cho PetroVietnam trên Thayer Consultancy Brackground Brief hôm 18/6.

Theo bình luận của Archyde, động thái này của Repsol được cho là đã hóa giải được cuộc xung đột với PetroVietnam liên quan đến tình trạng của các lô thăm dò dầu khí này cũng như làm giảm sự hiện diện của họ ở Việt Nam, "một quốc gia được coi là rủi ro, bởi trong những năm gần đây, các hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi xung đột lãnh thổ trên Biển Đông.”

Chính quyền Việt Nam hồi tháng 7/2017 đã phải yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam nói thuộc “vùng chủ quyền không tranh cãi” của mình. Chưa đầy một năm sau đó, Repsol lại một lần nữa phải dừng hoạt động tại mỏ dầu khí này, mà theo các nguồn tin của Reuters và các chuyên gia quốc tế về Biển Đông, vẫn do sức ép từ Trung Quốc.

Sau vụ Cá Rồng Đỏ bị ép ngừng khai thác lần 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới Việt Nam trong chuyến thăm chính thức vào tháng 4/2018 để đề xuất “cùng hợp tác để khai thác” trong vùng Biển Đông tranh chấp.

Nhận định về quyết định mới nhất của Repsol, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore cho rằng Repsol bị Trung Quốc ép phải rời khỏi Việt Nam nhờ có quyền ảnh hưởng thông qua việc nắm giữ cổ phần ở Repsol Brazil. Theo Reuters, tập đoàn Sinopec của Trung Quốc chi 7,1 tỷ USD mua 40% cổ phần của Repsol chi nhánh Brazil hồi năm 2010.

Hồi tháng 5/2018, Repsol được cho là đã bắt đầu các cuộc thương thảo với PetroVienam về việc đền bù sau khi chính phủ Hà Nội yêu cầu công ty Tây Ban Nha ngừng thăm dò dầu khí do sức ép của Bắc Kinh. Có thông tin từ giới chuyên gia dầu khí lúc đó cho rằng PetroVietnam phải bồi thường khoảng 400 triệu USD cho Repsol.

Theo GS Thayer, bất cứ việc ngừng thăm dò dầu khí nào cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam và sẽ thêm gánh nặng do tách động của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế nói riêng của Việt Nam và trên toàn cầu nói chung.

Theo cả GS Thayer và TS Hợp, PetroVietnam sẽ không có đủ nguồn lực để tự mình phát triển các lô dầu khí mà Repsol vừa trả lại và sẽ phải tìm các đối tác nước ngoài để cùng hợp tác và khai thác.

Những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vùng biển Đông đặc biệt tăng cao trong những năm gần đây đã khiến Hà Nội lần đầu tiên gửi công hàm phản đối Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 3 vừa qua để phản bác các lập luận của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Theo TS Hợp, Việt Nam đang chuẩn bị kiện Trung Quốc về Biển Đông và sẽ càng quyết tâm làm việc này sau động thái rút lui của Repsol.

“Nó sẽ thúc đẩy việc Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra toà quốc tế vì hiện hay Trung Quốc đang gây hấn ở Biển Đông chứ không phải Việt Nam. Nó có ảnh hưởng tốt vì thúc đẩy Việt Nam sớm đưa Trung Quốc ra một toà án nào đó,” TS Hợp nói.

Thạc sỹ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu luật biển và hải đảo ở Việt Nam, trước đó trong tháng này cũng nhận định với VOA rằng “sớm muộn gì Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc” vì “Trung Quốc sẽ không dừng các tham vọng của họ trên khu vực Biển Đông” và “tới một mức nào đó thì Việt Nam không chịu nổi, buộc phải đưa Trung Quốc ra toà.”

Hồi đầu tháng này, cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, Bonnie Glaser, nói với VOA rằng Việt Nam đã trong “tư thế sẵng sàng” và chỉ cần “một quyết tâm chính trị” là sẽ kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông.

Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng về việc liệu có kiện Trung Quốc hay không nhưng hôm 12/6, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia của Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn, khẳng định rằng nếu chọn con đường kiện tụng, Hà Nội sẽ chứng kiến quan hệ Việt-Trung bị thụt lùi và “trả giá đắt” cho những biện pháp đáp trả từ phía Bắc Kinh, bao gồm cả hành động vây hãm, cắt đường tiếp vận của Việt Nam đến các đảo ở Trường Sa, cũng như Trung Quốc có thể khởi sự thăm dò dầu khí ngay trong Bãi Tư Chính.

VOA Express

XS
SM
MD
LG