Đường dẫn truy cập

Phó TT Pence: LHQ không hiệu quả với tiền cứu trợ của Mỹ


Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại cuộc họp của tổ chức Bảo vệ Kitô hữu, 25/10/2017.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại cuộc họp của tổ chức Bảo vệ Kitô hữu, 25/10/2017.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói Bộ Ngoại giao sẽ không còn tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ “không hiệu quả” của LHQ dành cho "những nhóm tôn giáo và thiểu số bị ngược đãi ở Trung Đông", thay vào đó bộ sẽ cấp ngân quỹ trực tiếp cho họ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.

Ông Pence công bố động thái này trong bài diễn văn tối 25/10 tại bữa tối với tổ chức có tên Bảo vệ Kitô hữu, vốn hoạt động để "nâng cao nhận thức về nỗi thống khổ của Kitô hữu ở Trung Đông".

Ông Pence nói: "Chúng tôi sẽ không còn dựa vào Liên Hiệp Quốc để trợ giúp các Kitô hữu và người thiểu số bị bức hại sau các vụ diệt chủng và các hành vi tàn bạo của các nhóm khủng bố. Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ ngay từ bây giờ với các nhóm có gắn với đức tin và các tổ chức tư nhân để giúp đỡ những người bị bức hại vì đức tin của họ".

Phó Tổng thống cho biết LHQ đã thất bại trong việc giúp đỡ các nhóm thiểu số tôn giáo, bỏ mặc họ phải "đau khổ và đấu tranh vô ích".

Ông Pence không nói cụ thể về những quốc gia nào liên quan, thời điểm thay đổi hoặc số tiền đóng góp mà Hoa Kỳ sẽ chuyển khỏi Liên Hợp Quốc.

Ông nói rằng Kitô giáo đang "bị tấn công chưa từng thấy ở những vùng đất cổ xưa nơi tôn giáo này ban đầu đã hình thành, phát triển", và ông nêu ra các dẫn chiếu cụ thể đến Iraq, Syria, Ai Cập và Li Băng.

Theo Liên Hợp Quốc, họ có 4 cơ quan cứu trợ chính là Chương trình Phát triển (UNDP), Cao ủy về Người tị nạn (UNHCR), Quỹ Nhi đồng (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Số liệu mới nhất từ bốn cơ quan này cho thấy Hoa Kỳ cung cấp tổng cộng khoảng 4,5 tỷ đôla mỗi năm là nhà tài trợ hàng đầu cho tất cả cơ quan, ngoại trừ UNDP.

Chưa có thông tin rõ thêm từ chính quyền của ông Trump, nên không thể biết được các chương trình này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

VOA Express

XS
SM
MD
LG