Đường dẫn truy cập

Nhu cầu làm chủ bản thân


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Nước Mỹ đang bị chia rẽ trầm trọng nhất kể từ cuộc nội chiến đến nay.

Tình trạng chia rẽ đã hiện hữu trước khi Donald Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm 2016. Nhng cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, người từng làm việc trực tiếp với Trump, biện luận rằng Trump là người gây phân hóa sâu sắc hơn cho nước Mỹ, mà thành phần hưởng lợi không ai khác là kẻ thù của Mỹ.

Sự rạn nứt, chia rẽ, hay phân cực có thể xảy ra cho bất cứ ai. Nó có thể trong gia đình, trong một tổ chức, trong một cộng đồng, hay một đất nước.

Tuy chưa có số thống kê, nhưng nhìn chung thì người Việt cũng bị nạn chia rẽ một cách mãn tính. Có thể nói hiếm có một tổ chức Việt Nam nào, từ chính trị, thương mại đến văn hóa, trên thế giới mà không bị chia năm xẻ bảy.

Trong trường hợp bầu cử Mỹ vừa qua, vô số gia đình mà cha hay/và mẹ thì ủng hộ cho ông Trump, còn con cái, nhất là thế hệ sinh trưởng ở hải ngoại, thì cho ông Biden. Có, nhưng hiếm hơn, đối với trường hợp ngược lại.

Nếu mà những người Việt Nam này là công dân Mỹ hay ở Mỹ thì không nói gì. Còn đây là trường hợp xảy ra cho người Việt trên khắp thế giới, kể cả Úc đây, và Việt Nam. Thành phần này hoàn toàn không có quyền bầu cử, nhưng vẫn xem như cuộc bầu cử mang tính quyết định cho tương lai của họ, hay cho tương lai của Việt Nam vậy.

Đây là một hiện tượng khá lạ, mà cần phải suy xét và phân tích để thấu hiểu về sau.

Khi bị phân hóa trầm trọng, người ta dễ bị phân tâm, phân trí. Sẽ rất khó để những người trong cuộc có thể tập trung vào những việc mình muốn làm, dù mình biết những việc đó quan trọng và cấp bách.

Vậy thì trong tình huống này, chúng ta nên làm gì?

Có lẽ trước hết, nên lùi một bước để nhìn lại vấn đề. Những cảm xúc mạnh, và cảm thấy phải lên tiếng liền lúc đó, thường không có hữu ích lắm. Người trong cuộc dễ đưa ra những lời nói gây tổn thương cho phía bên kia. Kết quả chỉ gây thêm rạn nứt.

Sau đó, nên tìm hiểu nguyên do vì sao chúng ta tức giận người bên kia. Trong trường hợp mẹ tôi, chẳng hạn, tôi hiểu được rằng bà đã xem các Video trên Youtube quá nhiều trong suốt 5 năm qua. Tôi không sống bên cạnh mẹ, nhưng hiểu mẹ. Những quan tâm và tình thương của mẹ dành cho con người và đất nước Việt Nam đã làm cho mẹ tôi nóng lòng, và bà trông chờ vào những ai có thể cứu giúp được Việt Nam vào lúc này. Các anh chị tôi thì biết rằng đa số những gì mẹ xem đều giả dối, nhưng không dám khuyên mẹ. Sợ mẹ buồn lòng. Đến khi thấy mẹ không còn phân biệt được thật giả nữa thì nó đã muộn màn. Sự thiệt hại về mặt tinh thần thật là lớn. Đây là bài học cho tất cả anh chị em chúng tôi. Thương mẹ mà không giúp mẹ tìm hiểu về sự thật thì chỉ hại mẹ mà thôi.

Kế đến, sau khi nhận ra được nguồn gốc vấn đề là gì, chúng ta cần dành thời gian để trao đổi và hàn gắn. Với người ngoài thì có thể chúng ta không có đủ kiên nhẫn. Nhưng phải cố gắng với người mình thương yêu. Họ đều là nạn nhân. Phần lớn thế hệ cha anh chúng ta không được giáo dục bằng tư duy phản biện, không được khuyến khích, và lắm trường hợp không được quyền, để đặt câu hỏi cho mọi vấn đề. Sự tiếp nhận thông tin một cách thụ động đã ăn sâu vào tâm thức. Tiếp thu lâu ngày một cách liên tục và không gạn lọc như thế, đầu óc chúng ta toàn là những thứ thông tin được nhào nặn, uốn nắn, định hình, và kể cả tạo dựng ra. Cho nên cần phải có một thời gian dài để trở lại lúc xưa, tức Undo những gì mình tiếp nhận, nếu mình nhận ra được rằng mình cần thay đổi. Sự thay đổi chỉ có thể bắt đầu bằng sự nhận thức và tỉnh thức.

Sau cùng, tất cả chúng ta cần nhận ra rằng ai cũng có thể lầm lỗi. Nhưng ai cũng có cơ hội để học hỏi và phát triển. Nếu đã bị lầm lỗi, mà còn bị sỉ nhục, bị dồn vào thế chân tường, thì có lẽ không ai muốn công nhận lỗi lầm của mình. Do đó sự khoan dung là tinh thần cần thiết để cùng hàn gắn và vượt qua vết thương.

Chính kiến từ xưa đến nay có hai mặt: một, mang những người cùng quan điểm đến với nhau; hai, gây chia rẽ và thù nghịch với những người khác chính kiến.

Chính kiến có thể gây phân hóa đến độ không thể có sự hoà giải hòa hợp gì với nhau, như đã thấy trong lịch sử.

Khi bị phân hóa trầm trọng, ai nấy đều cảm thấy bị tổn thương. Năng lượng tiêu cực lan tỏa nhanh mạnh.

Trong tình huống này, những bậc anh minh, trí tuệ khuyên chúng ta điều gì?

Bao dung và chấp nhận, theo quan niệm Nhà Phật?

Tình thương và tha thứ, theo quan niệm Thiên Chúa?

Đơn giản, kiên nhẫn, lòng trắc ẩn, theo quan niệm Lão Tử?

Hay là cái chúng ta cần nhất lúc này là thời gian. Thời gian sẽ nguôi ngoa? Nhưng tự nó có thể hàn gắn không?

Hay chính chúng ta phải là người biết mình muốn gì, biết mình nên làm gì, nói hay không nói điều gì, vào lúc này?

Chúng ta có muốn mình nên là người trước hết đưa tay ra bắt tay người kia? Là người trước hết ý thức sử dụng truyền thông hòa bình (peaceful/non-violent communication)? Là người trước hết không bị rơi vào cái bẫy của vòng luẩn quẩn thắng thua, đúng sai v.v…?

Từ ngàn xưa, Lão Tử đã nhìn con người như sau:

Biết người khác là sự thông minh.
Biết mình là trí tuệ đích thực.
Thành thạo người khác là sức mạnh;
Làm chủ được bản thân mới là sức mạnh thực sự.

Ý thức (self-awareness) để làm chủ chính mình, vì thế, là một trong các điều căn bản nhất của trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence). Nó là nền tảng của văn minh và phát triển của con người hôm nay.

Một khi đã làm chủ được chính mình, chúng ta không dễ gì bị lôi vào các vòng tranh chấp quyền lực, không bị cuốn vào vòng xoáy của cơn địa lốc chính trị, và không bị để cho các phường buôn bán quyền lực quyền lợi của chính mình và đất nước của mình. Khi tự chủ, không ai chia rẽ được mình, trừ phi tâm mình đã bị giao động; trừ phi mình đã không còn là mình nữa.

Có lẽ đây là nhu cầu canh tân thiết yếu cho con người và đất nước Việt Nam hôm nay, và mãi mãi.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG