Đường dẫn truy cập

Nỗ lực phục hồi sau bão Matthew


Cảnh sát Liên Hiệp Quốc phân phát nước uống cho cư dân làng Sous-Roche, Haiti, 11/10/2016.
Cảnh sát Liên Hiệp Quốc phân phát nước uống cho cư dân làng Sous-Roche, Haiti, 11/10/2016.

Khoảng 350.000 người dân Haiti cần được cứu trợ khẩn cấp sau khi bão Matthew quét qua đảo quốc này.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, ngày hôm qua, lụt lội do cơn bão Matthew gây ra vẫn tiếp tục đe dọa nhiều khu vực miền đông.

Số tử vong tiếp tục tăng cao tại vùng Caribe. Haiti, quốc gia bị tàn phá nặng nề nhất tuyên bố 3 ngày quốc tang kết thúc hôm thứ Ba 11/10. Các con số tử vong được báo cáo cách biệt nhau xa, từ 400 ca cho tới hơn 1.000 ca. Nhiều khu vực của nước này vẫn khó có thể tiếp cận.

Cho tới sáng ngày hôm qua, số tử vong do bão gây ra ở Hoa Kỳ là 27 ca. Hàng trăm nghìn người vẫn bị mất điện và tình huống này có thể tồi tệ hơn khi mực nước trên các dòng sông lên đến đỉnh điểm.

Ở bang North Carolina, Thống đốc Pat McCrony cho biết máy bay trực thăng và tàu cứu hộ đã đưa người tới nơi an toàn sau khi một đê bị vỡ gần thị trấn Lumberton.

Trong 27 ca tử vong, có 15 ca xảy ra ở North Carolina. Trong tất cả các trường hợp tử vong ở bang này, chỉ có một là không có liên quan tới xe hơi.

Hàng chục dòng sông và các cuộc kiểm tra mực nước cho thấy lụt lội vẫn diễn ra trên khắp 2 tiểu bang North và South Carolina cũng như tại Virginia. Tại North Carolina có tới 5 địa điểm nơi mực nước dâng tới mức cao nhất từ trước tới nay, theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia của Mỹ.

Sau khi gặp ông Craig Fugate, Chủ tịch Cơ quan Liên bang Ứng phó với các Tình huống Khẩn cấp và bà Lisa Monaco, Cố vấn của Bộ An ninh Nội địa, Tổng thống Barack Obama tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở North Carolina hôm thứ 2. Tuyên bố này sẽ giúp các nạn nhân của bão tại 10 quận nơi bão hoành hành được nhận hỗ trợ tài chính từ liên bang.

Bão Matthew đã tan sau khi rời bờ biển Đại Tây Dương. Đây là cơn bão mạnh nhất đã ập vào bờ đông nước Mỹ trong gần 1 thập kỷ, và cũng là một trong những cơn bão lớn kéo dài lâu nhất được ghi nhận.

Uớc tính mức thiệt hại ở Mỹ lên tới hàng tỷ đô la.

Nhưng sự tàn phá ở Haiti đã được nâng lên một nấc thang mới. Trên đảo quốc này, hàng nghìn nhà cửa bị san bằng, hoa màu bị phá hủy và nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu bị phá tan tành.

Một quan chức LHQ ở Haiti đã đi thị sát khu vực bị tàn phá trên diện rộng, nơi hoa màu bị phá hủy và là nơi chịu nhiều thương vong. Ông mô tả quang cảnh này “trông giống như sau một vụ nổ bom hạt nhân”.

Ông Paul Hasse, Giám đốc toàn quốc của tổ chức cứu trợ nhân đạo World Vision ở Port-au-Prince, nói với đài VOA rằng hầu như không có thứ gì ở vùng tây nam Haiti, mà không bị bão tàn phá.

Hội Chữ Thập Đỏ kêu gọi quyên góp khẩn cấp 6,9 tỷ đô la để cứu trợ Haiti, quốc gia nghèo nhất ở tây bán cầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG