Đường dẫn truy cập

Nhu cầu của Phi Châu về tài nguyên thiên nhiên đang trên đà gia tăng


Trẻ em đi bộ gần Cơ sở Phục hồi rừng ở Kasese, Núi Rwenzori, Uganda
Trẻ em đi bộ gần Cơ sở Phục hồi rừng ở Kasese, Núi Rwenzori, Uganda
Dấu chân môi sinh của Phi Châu đang mỗi ngày một lớn hơn trước. Khối dân ngày càng nhiều của châu lục này làm gia tăng nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên. Một bản phúc trình mới kêu gọi các quốc gia Phi Châu theo đuổi một đường lối phát triển có tính chất bền vững để bảo đảm cho sự tăng trưởng dài hạn. Mời vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên VOA Joe de Capua.

Phúc trình về Dấu chân Môi sinh của Phi Châu là một nỗ lực chung của Ngân hàng Phát triển Phi Châu và Quỹ Thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund for Nature). Phúc trình này được công bố trước Hộïi nghị Thượng đỉnh Rio + 20 - cuộc họp có tên chính thức là Hộïi nghị Liên hiệp quốc về Phát triển Bền vững.

Ông Simon Mizhari, Giám đốc chương trình Bảo đảm Phẩm chất và Kết quả của Ngân hàng Phát triển Phi Châu, cho biết như sau về dấu chân môi sinh của Phi Châu.

Ông Mizhari nói: "Dấu chân của Phi Châu rất nhỏ so với những phần còn lại của thế giới, nhưng chắc chắn là nhu cầu về tài nguyên mà chúng tôi đặt ra cho những tài nguyên này ở Phi Châu vượt khỏi khả năng tái cung cấp của han2h tinh này. Vì vậy tôi nghĩ rằng đó là một sự việc quan trọng mà chúng tôi cần phải nói rõ."

Phúc trình này xem xét tới sự lành mạnh của các hệ thống sinh thái ở Phi Châu. Ông Mizhari nói rằng mục đích là nâng cao nhận thức về phát triển sạch trong lúc mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên đang gia tăng.

Ông Mizhari nói tiếp: "Điều này phản ánh hai việc. Thứ nhất là dân số Phi Châu đang gia tăng đáng kể và thứ nhì, là một tin vui, là số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Phi Châu đang gia tăng và sức tiêu thụ của họ trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy các mô thức tiêu thụ và mức độ tiêu thụ đang thay đổi một cách đáng kể trên khắp Phi Châu."

Ông Mizhari cho biết phát triển xanh sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng ông nói thêm rằng cần phải ra sức thuyết phục để người dân ở Phi Châu tin tưởng vào điều này.

Ông Mizhari nói thêm: "Nhiều nước ở Phi Châu và nhiều người ở Phi Châu nghĩ rằng việc chuyển tiếp sang một nền kinh tế xanh sẽ làm chậm lại tiến trình thịnh vượng của Phi Châu. Và họ quan tâm như vậy là đúng. Nhưng tôi nghĩ rằng điều mà chúng tôi muốn nêu ra là vấn đề không hẳn là như vậy. Điều mà chúng tôi có thể làm là giúp cho các nền kinh tế Phi Châu đối phó với nạn biến đổi khí hậu, giúp họ sử dụng những phương pháp khác để ứng phó với những hậu quả của áp lực ngày càng tăng đối với khả năng sinh học của Phi Châu."

Bản phúc trình cho biết dấu chân môi sinh của Phi Châu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040 nếu không có hành động nào được thực hiện để ngăn chận. Nhưng ông Mizhari cho rằng châu lục này có nhiều sự chọn lựa.

Ông Mizhari nhận xét rằng: "Có những cách thức khôn khéo hơn để sản xuất năng lượng thay vì ỷ lại vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là ở Phi Châu, nơi có tiềm năng to lớn để sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời và các nhà máy thủy điện. Điều mà Ngân hàng Phát triển Phi Châu chúng tôi đang làm là cung cấp các giải pháp cho các nước Phi Châu để họ có thể, nếu họ muốn, theo đuổi một đường hướng phát triển khôn khéo hơn, một con đường phát triển thông minh hơn."

Một cơ hội khác để Phi Châu phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường là xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm cầu đường, xe lửa và viễn thông.

Ông Mizhari nói: "Trong lãnh vực điện thoại di động, Phi Châu có cơ hội để tiến thẳng tới các công nghệ thông minh hơn, những cách thức khôn khéo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế."

Ông Mizhari nói thêm rằng các nước phát triển sẽ có lợi qua việc giúp các nước Phi Châu đạt được những mục tiêu này vì phát triển xanh mang lại lợi ích cho cả trái đất.

Sự gia tăng nhanh chóng của mức tiêu dùng của giới tiêu thụ không phải là “xu thế đáng báo động” duy nhất mà phúc trình này đề cập tới. Phúc trình cũng cảnh báo về sự sút giảm 40% của của sự đa dạng sinh học ở Phi Châu trong 40 năm qua. Các số liệu của Quỹ Thiên nhiên Thế giới cho thấy một sự liên hệ tuy mỏng manh nhưng rất quan trọng giữa sinh vật hoang dã với nền kinh tế.

Ông Mizhari cho biết: "Điều trước tiên là tất cả các loại sinh vật hoang dã đều tạo ra nguồn thu cho các nền kinh tế Phi Châu. Và một trong những con số được trích dẫn trong bản phúc trình này mà tôi cảm thấy rất thú vị là nếu chúng ta nhìn vào những con đười ươi núi, mỗi một con đười ươi núi, không phải toàn bộ số đười ươi mà là mỗi một con đười ươi núi, mỗi năm tạo ra một triệu đô la trong nguồn thu du lịch cho nền kinh tế của Uganda."

Tuy nhiên, các loại động thực vật hoang dã đang gặp nguy cơ bị hủy diệt. Vài tháng trước đây, những kẻ săn bắt lậu đã giết chết khoảng 300 con voi ở Cameroon và Cộng hòa Trung Phi. Những con tê giác cũng bị giết hại.

Ông Mizhari nói: "Nạn săn lậu tê giác ở Nam Phi đã tăng 3.000 phần trăm từ năm 2001 đến năm 2007. Điều này cần được xem là những mạng lưới tội phạm có tổ chức, những mạng lưới đe dọa tới sinh vật hoang dã của nhiều quốc gia chứ không riêng gì Nam Phi."

Giới chức của Ngân hàng Phát triển Phi Châu này nói rằng Hộïi nghị Thượng đỉnh Rio + 20 có thể góp phần hình thành điều mà ông gọi là “cơ sở hạ tầng xanh cho sự an toàn môi sinh của Phi Châu.”

Ông Mizhari cho biết thêm như sau: "Tôi nghĩ rằng mọi người, kể cả Ngân hàng Phát triển Phi Châu, sẽ vô cùng thất vọng nếu chúng ta không nắm bắt cơ hội to lớn này để có được những giải pháp cụ thể. Chúng tôi hy vọng hộïi nghị Rio sẽ thành công mỹ mãn."

Hội nghị Thượng đỉnh Rio + 20 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 6 tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG