Đường dẫn truy cập

Nhận thức mới về vấn đề phụ nữ sau vụ cưỡng hiếp tàn bạo ở Ấn Ðộ


Sinh viên Ấn Độ biểu tình phản đối vụ cưỡng hiếp tàn bạo một phụ nữ ở New Delhi.
Sinh viên Ấn Độ biểu tình phản đối vụ cưỡng hiếp tàn bạo một phụ nữ ở New Delhi.
Một tháng sau khi vụ cưỡng hiếp tập thể dã man mà nạn nhân là một phụ nữ 23 tuổi ở New Delhi, đã có một nhận thức mới về bạo lực tính dục nhắm vào phụ nữ ở Ấn Ðộ và một cuộc tranh luận ngày càng nhiều về nữ quyền. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ thủ đô New Delhi, các cuộc biểu tình lan rộng của giới trẻ Ấn Ðộ đã rọi ánh sáng vào tình trạng phân biệt đối xử mà phụ nữ phải chịu đựng tại nước này.

Khi các cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày ở New Delhi sau vụ một sinh viên ngành vật lý trị liệu bị cưỡng hiếp tập thể một cách dã man hồi tháng trước, nhiều người đã cảm thấy ngạc nhiên trước sự bày tỏ phẫn nộ một cách sôi nổi của công chúng.

Người Ấn trẻ tuối ở thành thị, có trình độ học thức và thuộc giới trung lưu đòi hỏi chẳng những chỉ đòi trừng phạt thẳng tay những kẻ phạm tội, mà họ còn đòi một sự thay đổi về cách thức đối xử với phụ nữ ở Ấn Ðộ. Và họ đã làm cho mọi người biết tới một vấn đề thường ít khi được báo chí nhắc tới: đó là bạo lực tính dục đối với phụ nữ.
Bà Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội ở New Delhi, nói sự phẫn nộ mà giới trẻ bầy tỏ là điều chưa từng thấy từ trước đến nay.

Bà Kumari nói: “Trước đây, khi những vụ khủng hoảng như thế này xảy ra, chúng tôi chưa từng thấy những người khác trong xã hội đứng lên, và quả thật là cho đến nay chỉ có các đoàn thể và tổ chức phụ nữ mới lớn tiếng kêu gào để đòi hỏi công lý và kêu gọi mọi người hãy làm một điều đó. Ngày nay, lời kêu gào cho công lý đã đến với tất cả mọi người, mọi người ai nấy đều xúc động, họ được động viên, và tôi hy vọng hình thức bày tỏ sự phẫn nộ của xã hội này sẽ tiếp tục. Do đó, tôi lạc quan hy vọng là cây gậy chỉ huy đã được chuyển giao cho giới trẻ.”

Bạo lực tính dục là một vấn đề ở mọi nơi ở Ấn Ðộ, từ thành thị cho tới nông thôn. Những vụ cưỡng hiếp ít khi được báo cáo tại các làng xã bởi vì thành kiến xã hội về hình thức bạo lực này. Thậm chí ở những thành phố tương đối tân tiến, người dân vẫn giữ nguyên các thái độ cổ hủ. Nhiều người cho rằng nạn sách nhiễu tình dục là hậu quả của sự kiện nền văn hóa cổ truyền Ấn Ðộ bị “Tây phương hóa.” Do đó, ở Ấn độ thường xuyên có những người kêu gọi phụ nữ ăn mặc cho kín đáo hay không đi khuya để tránh trở thành nạn nhân của các tội ác như cưỡng hiếp.

Vụ cưỡng hiếp tập thể hồi tháng trước có thể làm cho các thái độ cổ hủ đó trở nên kiên cố hơn. Nhiều hội đồng làng xã đã cấm các thiếu nữ dùng điện thoại di động hay khiêu vũ tại các tiệc cưới. Tại Delhi, cảnh sát đã khuyến cáo phụ nữ đi thẳng về nhà sau khi đi học. Lời khuyên đó đã gặp phải sự đả kích mạnh mẽ của dân chúng khắp nơi.
Nhưng một tầng lớp trung lưu có trình độ học thức ở thành thị đang dẫn đầu phong trào đòi thay đổi thái độ đối với phụ nữ và sự an toàn của họ.

Một thiếu nữ than phiền như sau: “Bất cứ khi nào bạn đi ngoài đường mà bạn mặc một cái váy ngắn, quần Short, hay váy dài tới đầu gối, nếu họ đang đứng ở đó, thì trong số 50 người, sẽ có 45 người nhìn chằm chằm vào bạn.”

Một thiếu nữ khác nói rằng cô không cảm thấy an toàn:

"Tôi không cảm thấy an toàn chút nào ở Delhi. Họ chỉ nghĩ rằng thiếu nữ là lý do chính yếu đằng sau các vụ cưỡng hiếp tập thể. Họ cho rằng nếu các thiếu nữ mặc quần áo ngắn, bọn đàn ông con trai sẽ bị khêu gợi.”

Một thanh niên tán đồng quan điểm cho rằng nam giới phải thay đổi.

“Những người đàn ông cần phải thay đổi. Ðó là cội rễ. Họ có ý nghĩ cổ điển rằng nam giới có ưu thế đối với phụ nữ.”

Một thiếu nữ khác nói rằng sự thay đổi sẽ diễn ra một cách chậm chạp.

“Dứt khoát là cần phải thay đổi lề lối suy nghĩ. Nhưng sẽ phải mất nhiều năm.”

Bạo lực tính dục không phải là mối quan tâm duy nhất ở Ấn độ hiện nay. Nạn phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn lan tràn trong xã hội. Các cô gái trẻ thường được cho ăn ít hơn và không được đi học nhiều như các cậu con trai. Tập tục trọng nam khinh nữ đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính rất nghiêm trọng bởi vì nhiều thai nhi nữ bị nạo phá.

Bà Ranjana Kumari nói bạo lực nhắm vào phụ nữ là một vấn đề vì các thái độ xã hội vẫn còn cổ hủ ở nhiều nơi trong nước.

Bà Kumari nói: “Có rất nhiều trường hợp bạo lực trong gia đình. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 người báo cáo về nạn bạo lực, dựa theo cuộc thăm dò về Sức Khỏe Gia đình Ấn Ðộ. Chúng ta có tâm lý bằng cách này hay cách khác tìm cách kiềm chế phụ nữ, nhắm mục tiêu vào phụ nữ. Sự sửa đổi phải bắt đầu từ gia đình và xã hội. Phụ nữ phải được tôn trọng và phẩm cách của họ phải được kính nể và đó là cách duy nhất chúng ta có thể kiểm soát tội ác qua việc thay đổi quan niệm xã hội.”

Các nhà tâm lý xã hội nói các vụ biểu tình xuống đường mới đây không phải chỉ là vấn đề cưỡng hiếp tập thể tàn bạo. Họ nói biểu tình còn phản ánh sự bất mãn và phẫn nộ ngày càng nhiều trong một nước mà một tầng lớp trung lưu có trình độ học thức đã nổi lên, nhưng quản trị còn yếu kém, cảnh sát thiếu tế nhị và một hệ thống pháp lý thường làm cho việc thực thi công lý bị trễ nãi.

Nhà xã hội học Dipankar Gupta ở New Delhi nói vụ cưỡng hiếp là một sự kiện có tính chất bước ngoặt.

Ông Gupta: “Vụ cưỡng hiếp có tác động như một điểm làm lệch cán cân. Nó nằm trên nhiều sự bất mãn đã tích lũy trong nhiều năm. Theo quan điểm của tôi, điều xảy ra vào cái đêm định mệnh ấy chỉ thúc đẩy cho mọi chuyện diễn ra nhanh hơn. Có một tình trạng xa rời đã trở nên kiên cố hơn giữa những người được gọi là thuộc tầng lớp chính trị và phần còn lại. Chúng ta không có một phong trào có tổ chức. Điều mà chúng ta thực sự đang có hiện nay là tiếng kêu gào của những người không biết đi theo con đường nào.”

Ngay lúc này, tiếng kêu đó tập trung vào vấn đề cưỡng hiếp và bạo lực giới tính. Khắp nước, những vụ thường ít khi được đưa lên trang nhất của các tờ báo đang được chú ý nhiều hơn. Nhưng giới hoạt động cảnh báo có một con đường dài trước mặt cần phải đi trước khi có được sự thay đổi thực sự trong thái độ đối với phụ nữ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG