Đường dẫn truy cập

Nhà ngoại giao Mỹ: Hợp tác quốc tế là thiết yếu cho việc chế tài Bắc Triều Tiên


Bà Wendy Sherman - Cựu thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách các vấn đề chính trị.
Bà Wendy Sherman - Cựu thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách các vấn đề chính trị.

Một nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ nói tranh thủ được sự hợp tác quốc tế là thiết yếu cho các nỗ lực chế tài Bắc Triều Tiên do hành động hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng.

Mới đây Bình Nhưỡng đã thực hiện một loạt hành động khiêu khích bất chấp các biện pháp chế tài quốc tế. Tiếp theo vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng trước, Bình Nhưỡng lại phóng một phi đạn tầm xa hôm Chủ nhật vừa qua, khiến cả thế giới lên án.

Bà Wendy Sherman là một nhà cựu ngoại giao với chức vụ gần đây nhất là Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách các vấn đề chính trị. Hôm 11/2, bà Sherman nói với đài VOA rằng Washington cần phải “quốc tế hóa” các biện pháp chế tài mà Hoa Kỳ nhắm vào Bình Nhưỡng.

Cần có nỗ lực quốc tế

Đề cập đến những biện pháp chế tài mới vừa được Thượng viện thông qua hôm thứ Tư, bà Sherman nói: “Một mình Hoa Kỳ không thể tạo ra tất cả tác động cần thiết”.

Dự luật của Thượng viện nhắm mục đích hạn chế việc phát triển phi đạn và hạt nhân của Bình Nhưỡng và nhắm mục tiêu vào các giao dịch tài chính hỗ trợ cho nỗ lực đó. Hạ viện đã chấp thuận dự luật về chế tài Bắc Triều Tiên hồi tháng trước.

Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thuyết phục Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng.

Bà nói:

“Chắc chắn Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất đối với Bắc Triều Tiên, và Trung Quốc vẫn do dự trước việc sử dụng toàn bộ ảnh hưởng đó”.

Trong khi Quốc hội Hoa Kỳ tìm cách siết chặt việc chế tài đối với Bắc Triều Tiên, chính quyền Obama đang thúc đẩy các biện pháp mạnh tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, giới phê bình lập luận rằng chế tài quốc tế sẽ không gây thiệt hại bao nhiêu cho Bình Nhưỡng trong bối cảnh nước này chỉ giao tiếp rất hạn chế với cộng đồng quốc tế.

Chưa rõ tác động chế tài

Bà Sherman nói “phản ứng quyết liệt” của Liên Hiệp Quốc trước hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng là cần thiết, và bà nói thêm rằng liệu phản ứng đó có làm thay đổi cách hành xử của Bình Nhưỡng hay không vẫn là điều chưa rõ.

Trước mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng ngày càng tăng, chính quyền Obama đang đối mặt với những chỉ trích cho rằng chính sách kiềm chế “kiên nhẫn sách lược” đang gây trở ngại cho các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.

Bà Sherman bác bỏ lời chỉ trích này. Bà nói:

“Washington vẫn luôn sẵn sàng nối lại đàm phán nếu chủ đề là phi hạt nhân hóa và Bắc Triều Tiên đến bàn hội nghị với thái độ nghiêm túc”.

Không có thiện chí đàm phán

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có nên nhắm mục tiêu vào một thỏa thuận với Bắc Triều Tiên tương tự như thỏa thuận hạt nhân mới đây với Iran hay không, bà Sherman tỏ ý hoài nghi về khái niệm này.

Là người từng giao dịch rất nhiều về các vấn đề hạt nhân của cả Bắc Triều Tiên lẫn Iran, bà Sherman đáp: “Đây là một tình hình hoàn toàn khác với Iran. Chính phủ Iran quyết định đến bàn đàm phán với sự nghiêm túc và có mục đích. Bắc Triều Tiên chưa có quyết định đến bàn thương nghị.

Bắc Triều Tiên đã không đồng ý với cộng đồng quốc tế về vấn đề phát triển hạt nhân của họ từ đầu thập niên 1990. Các cuộc đàm phán đa quốc với sự tham dự của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và hai nước Triều Tiên vẫn còn bị đình trệ từ cuối năm 2008.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG