Đường dẫn truy cập

Liệu ông Nên có… ‘nên’?


Tẩy trùng giữa mùa dịch covid tại Sài Gòn, 1 tháng Sáu, 2021. Hình minh họa.
Tẩy trùng giữa mùa dịch covid tại Sài Gòn, 1 tháng Sáu, 2021. Hình minh họa.

Chính quyền TP.HCM vừa mời tám chuyên gia của một số lĩnh vực: Pháp luật (Trần Hoàng Hải), Tài chính – Ngân hàng (Hoàng Công Gia Khánh), Công nghệ thông tin (Nguyễn Ngọc Nhả Nam), Dịch tễ - Y tế cộng đồng (Đỗ Văn Dũng), Hoạch định chính sách – quản trị (Vũ Thành Tự Anh, Trương Minh Huy Vũ, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Xuân Thành) tham gia Tổ Tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP HCM.

Theo quyết định thành lập đã được loan tải rộng rãi thì Tổ Tư vấn vừa kể sẽ chủ động nghiên cứu, đề nghị các giải pháp, biện pháp cụ thể cho Chủ tịch TP HCM lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống dịch, phục hồi sản xuất (1).

Có vài điểm đáng chú ý khi nhìn vào danh sách các chuyên gia được mời: Thứ nhất, những cá nhân trước nay vốn đã nổi lên như các chuyên gia nghiên cứu về hoạch định chính sách và quản trị tại Việt Nam chiếm đa số.

Thứ hai, ¾ chuyên gia về hoạch định chính sách và quản trị đang làm việc tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam (Vũ Thành Tự Anh, Nguyễn Xuân Thành, Phạm Duy Nghĩa).

Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thuộc Đại học Fulbright Việt Nam vốn là một hình thức viện trợ thông qua giáo dục mà Tổ chức Fulbright của Mỹ dành cho Việt Nam từ 1995. Tiền thân của trường này là Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) – sản phẩm hợp tác giữa Trường Quản lý Nhà nước Kennedy của Đại học Harvard và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Sau nhiều năm được giới hữu trách Việt Nam nâng lên đặt xuống, đến 2016 Đại học Fulbright Việt Nam mới chào đời!

Ba năm sau, Fulbright Vietnam trở thành trường đại học đầu tiên ở Đông Nam Á được Tổ chức Kiểm định quốc tế về các chương trình đào tạo sau đại học trong lĩnh vực chính sách công, hành chính công, quản lý công(NASPAA), xác nhận đạt tiêu chuẩn NASPAA.

FETP rồi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thuộc Đại học Fulbright Việt Nam vừa nghiên cứu, vừa đào tạo những cá nhân có khả năng ứng dụng lý thuyết kinh tế vào việc hoạch định chính sách, quản trị - điều hành. Giờ, giữa sự hỗn loạn do đại dịch COVID-19 và tương lai ảm đạm của kinh tế - xã hội ở TP.HCM nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung, dường như đã đến lúc phải dùng những cá nhân chưa tốt nghiệp… Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh!

Về danh nghĩa, Tổ Tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP HCM sẽ giúp đỡ ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM. Đây là nhiệm kỳ thứ hai ông Phong đảm đương vai trò Chủ tịch TP.HCM. Nhiệm kỳ trước, ông Phong không cần tám chuyên gia này. Nhiệm kỳ này, ông Phong thỉnh họ sau khi ông Nguyễn Văn Nên thỉnh một số chuyên gia mời họ hiến kế và nhấn mạnh, đại ý: Ông không tự đưa ra các giải pháp mà phải lắng nghe và tuân thủ ý kiến chỉ đạo của chính phủ nhưng ông cảm thấy cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia để bàn vì phải rất cân nhắc bởi bất kỳ quyết định nào cũng liên quan đến cuộc sống dân chúng và nhiều vấn đề kinh tế - xã hội (2)!

Trung tuần tháng này, ông Nên khẳng định: Chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước. Gần đây, ít nhất qua mạng xã hội, thiên hạ thấy ông Nên không nói suông. Hôm 27 tháng 7, bác sĩ Võ Xuân Sơn – một trong vài bác sĩ mạnh dạn chỉ trích gay gắt những điểm bất cập trong chiến lược phòng, chống dịch tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng – cho biết, ông Nên đã gọi điện thoại cho bác sĩ Sơn, cám ơn những đề nghị bác sĩ Sơn đã gửi. Ông Nên đã đọc, đã chuyển cho các bộ phận hữu trách nghiên cứu và sẽ trả lời bác sĩ Sơn khi có kết quả. Ông Nên nói thêm, nếu bác sĩ Sơn còn đề nghị nào khác thì cứ nhắn vào điện thoại hoặc gởi email trực tiếp cho ông(3)…

***

Còn quá sớm và rõ ràng chừng ấy chưa đủ để có thể bảo rằng đó là những tín hiệu tích cực, cho phép hy vọng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM sẽ điều chỉnh phương thức quản trị, điều hành để có thể tổ chức ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn, giúp kinh tế - xã hội có thể hồi phục tốt hơn. Dù sao ông Nên cũng là… Ủy viên Bộ Chính trị, không thể loại trừ khả năng ông sử dụng… các động tác kỹ thuật nhằm… thu phục nhân tâm!

Tuy nhiên cũng cần ghi nhận, ông Nên mới… xin lượng thứ vì nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được (4). Ít nhất ông không nhân danh dân chúng khẳng định: Cả nước đang hân hoan, phấn khởi (5) - bất kể thực trạng dịch bệnh thế nào, đồng bào điêu đứng, khốn khổ ra sao! Liệu nhân vât đầu tiên là Ủy viên Bộ Chính trị, không theo… truyền thống, từ chối giành một ghế trong Quốc hội vì muốn dành toàn bộ thời gian, tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM để phát triển kinh tế xã hội (6) có làm nên chuyện gì không? Chưa biết và không dễ để đoán vì ngay cả ông Nên thật sự rất muốn thì chắc gì các hệ thống hiện tồn để cho ông thực hiện mà vẫn tồn tại…

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/chinh-tri/thanh-lap-to-tu-van-quy-tu-chuyen-gia-hang-dau-tu-van-cho-ong-nguyen-thanh-phong-20210727132834917.htm

(2) https://tuoitre.vn/bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-gap-go-cac-chuyen-gia-nha-khoa-hoc-cung-ban-cach-chong-dich-covid-19-20210710120636333.htm

(3) https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2086313878192394

(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bi-thu-tp-hcm-nhieu-viec-chua-lam-duoc-xin-nhan-dan-luong-thu-759538.html

(5) https://baodantoc.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-1626751773986.htm

(6) https://tienphong.vn/lanh-dao-tphcm-noi-ly-do-bi-thu-thanh-uy-nguyen-van-nen-khong-ung-cu-quoc-hoi-post1321621.tpo

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG