Đường dẫn truy cập

Chuyện các tướng!


Phó Đô Đốc Thomas Moore trao quyết định thăng quân hàm cho Đại tá Nguyễn Từ Huấn. Photo US Navy.
Phó Đô Đốc Thomas Moore trao quyết định thăng quân hàm cho Đại tá Nguyễn Từ Huấn. Photo US Navy.

Trân Văn


Ông Nguyễn Từ Huấn, 60 tuổi, vừa tuyên thệ và là người Việt đầu tiên trở thành tướng (Phó Đề đốc – Chuẩn tướng) của Hải quân Mỹ (1) là một trong những sự kiện đáng chú ý trên mạng xã hội Việt ngữ tuần này.

Thêm một lần nữa, cuộc đời và binh nghiệp của ông Huấn - một người Việt nhưng là công dân Mỹ, nay là tướng của Hải quân Mỹ - nhắc người ta nhớ và ngẫm thêm về bi kịch do cuộc chiến “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” tạo ra.

Trong cuộc chiến ấy, nhiều triệu người Việt như mẹ, anh, chị, em của ông Huấn bị thảm sát, bị đạp xuống đáy chỉ vì có chồng, cha là “ngụy quân” hay “ngụy quyền”. Ông Huấn may mắn thoát chết nhờ “quân giải phóng” tin rằng đứa trẻ chín tuổi ấy cũng sẽ chết vì trọng thương.

Sau cuộc chiến ấy, những thiếu niên như Nguyễn Từ Huấn thành nhân và thành đạt là nhờ… bỏ xứ tha hương, do vậy có thể dùng tư chất, nghị lực, khả năng để tự khẳng định và báo đền xứ sở nhân ái hơn quê cha, đất tổ nên cưu mang họ! Dù vô tình hay cố ý, những cá nhân như ông Huấn đã chứng minh họ không phải là “cặn bã của giống nòi”!

***

Nhân sự kiện ông Huấn trở thành tướng của Hải quân Mỹ, trên mạng xã hội, một số facebooker như Mạnh Kim đã phác họa cách thức quân đội Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung chọn tướng cho họ (2).

Chỉ có khoảng 2% trung tá được phong đại tá và cho dù tỉ lệ đại tá được chọn làm tướng phụ thuộc vào quân chủng (Lục quân, Không quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Phòng vệ duyên hải) nhưng nhìn chung, tỉ lệ này chỉ dao động trong phạm vi từ 1% - 2%.

Dựa vào những bằng chứng cụ thể về tư cách, khả năng, các quân chủng sẽ chọn - đề cử một số đại tá. Dựa trên các tiêu chí cụ thể, kể cả bằng cấp, kết quả các kỳ thi thể lực,… những người có trách nhiệm sẽ xác định điểm của từng đại tá được đề cử và giới thiệu những đại tá có tổng điểm cao nhất với Quốc hội. Quốc hội xem xét – phê duyệt…

Giống như nhiều người khác, sự kiện ông Huấn trở thành người Việt đầu tiên mang lon tướng của Hải quân Mỹ khiến Mạnh Kim liên tưởng tới các ông tướng Việt, tuy “nhung nhúc” nhưng “chủ quyền quốc gia chưa bao giờ nguy cấp” và bị thách thức “nghiêm trọng” như lúc này.

Cảm giác “khó tả” của Mạnh Kim trước hiện trạng Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn “học tập và làm theo” những lý thuyết không liên quan đến hiệu quả bảo vệ tổ quốc, vẫn bình thản khi kẻ thù đã ở ngay trước cửa và chỉ xem “thế lực thù địch” với đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN là trọng tâm… được nhiều người chia sẻ.

Hung Trinh nhận định, tướng Việt “nhung nhúc” bởi không phong tướng thì anh em… “tâm tư”. Đảng sợ quân đội và công an “tâm tư” nguy hại cho tham vọng “muôn năm trường trị” của mình nên Nguyen Vanhien mới phân chia, tướng Mỹ là “tướng của dân” còn tướng Việt là “tướng của đảng”.

Nguyễn Thanh Trúc than, nhìn mặt “tướng của đảng” không thấy trí tuệ. Hoa Mai Hai khen đểu: Tướng Việt “bóng lồng lộng”. Chinh Phan lưu ý một thực tế, bụng tướng Việt nào cũng như “trống chầu”. Xuan Vinh Tôn xem đó là khác biệt có tính tất nhiên để phân định giữa “tướng Mỹ gốc Việt” và “tướng Việt gốc… tiền”.

Sự kiện ông Huấn thành tướng và tóm lược binh nghiệp – minh họa cho khả năng, nỗ lực cá nhân của ông lại tiếp tục khuấy động dư luận về “bí mật” mà Thiếu tướng Lê Mã Lương tiết lộ tuần trước: Quân đội nhân dân Việt Nam hiện có những ông tướng không biết “đọc”… bản đồ quân sự!

“Bí mật” vừa kể khiến một số facebooker là thân hữu Mạnh Kim trấn an những facebooker khác: Yên tâm, dù sao các tướng Việt cũng biết “đọc”… bản đồ quy hoạch đất đai! Thực trạng hàng loạt tướng Việt cả của công an lẫn quân đội vào tù vì tham nhũng, chia chác được Chi Trung Nguyen khái quát: Tướng Việt là… tướng cướp!

Đó cũng là lý do Tran Minh gọi tướng Việt là “đám chó ăn trên đầu, trên cổ lính lác”. Là lý do Nguyễn Thành Nhân không đồng tình với việc so sánh tướng Mỹ và tướng Việt vì “không thể đem cóc ghẻ so với phượng hoàng được”. Tương tự, Ưng Hải bảo không nên đem “đại bàng so với bọn chim sẻ”.

***

Tại sao trong mắt người Việt, tướng Việt lại bị khinh rẻ đến mức như vậy? Tại sao tướng Việt nhiều đến mức có người so với chó con, có người như Vũ Đại so với “gà… chạy đầy đường” (3)? Tại sao ai cũng tin cuộc đời một người như ông Huấn sẽ “tàn trong ngõ hẹp” nếu ông không thoát khỏi Việt Nam?

Cũng tham gia bình luận về tướng Mỹ và tướng Việt nhân sự kiện thêm một người Việt mang sao trên cầu vai khi mặc quân phục, Toàn Nasa nhận định, tướng Việt không giống tướng Mỹ, khác xa tướng Mỹ vì tướng Việt “biết làm kinh tế, chính trị” (4) – hai lĩnh vực mà cả quân đội Mỹ lẫn quân đội nhiều quốc gia khác nghiêm cấm!

Khi thực tế chỉ ra, tướng Việt là sản phẩm của chủ trương quân đội chỉ “trung với đảng” (tham gia chính trị) và những biệt đãi khi “làm kinh tế” nhằm khuyến khích, duy trì sự trung thành đó, liệu “đảng ta” có nhận sai, sửa sai, lui lại, chuyển vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc lên hàng đầu?

Chú thích

(1) https://www.voatiengviet.com/a/pho-de-doc-nguyen-tu-huan/5119101.html

(2) https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10158542415429796

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2131347873836518&id=100008839788456

(4) https://www.facebook.com/quangtoan.ngo.581525/posts/196211768047201

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG