Đường dẫn truy cập

Ông Trọng đến Mỹ để tăng cường hợp tác chiến lược?


Ông Trọng tiếp ông Trump tại Hà Nội ngày 27 tháng Hai, 2019.
Ông Trọng tiếp ông Trump tại Hà Nội ngày 27 tháng Hai, 2019.

Nguyễn Quốc Khải


Nhân dịp họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Triều Tiên vào tháng 2. 2019 tại Hà Nội, Tổng Thống Donald Trump đã mời Tổng Bí Thư Đảng CSVN kiêm Chủ Tịch Cộng Hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ trong năm nay.

Hơn một tháng sau, Việt Nam đã thực hiện hai chuyến đi của hai nhân vật cao cấp có thể để chuẩn bị cho chuyến đi của ông Trọng. Một do ông Tô Lâm, Bộ Trưởng Công An, hướng dẫn vào tháng 4/2019. Tiếp theo là chuyến công du của ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao, vào tháng 5/2019. Chuyến đi của ông Trọng dường như đã được dự trù vào mùa hè, nhưng xem ra không thực hiện được vì lý do sức khỏe của ông Trọng.

Nay ông Trọng đang bình phục trở lại. Một nguồn tin từ chuyên gia chính trị Việt Nam Carl Thayer cho Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hay rằng có nhiều khả năng chuyến đi của ông Trọng có thể đến Hoa Kỳ vào tháng 10 sắp tới trong bối cảnh Trung Quốc đang vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền lãnh hải của Việt Nam qua việc cho tầu khảo sát Hải Dương 8 thăm dò vùng Bãi Tư Chính trong đăc khu kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC SONG PHƯƠNG

Trong gần hơn một năm qua, Hoa Kỳ đã từng công khai kêu gọi Việt Nam tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, từ hợp tác toàn diện đôi bên đã ký kết vào 2013 chuyển qua đối tác chiến lược.

Tại Hội Nghị Hợp Tác Chiến Lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) tại Washington-DC vào đầu mùa xuân năm nay Trợ Lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Randall G. Schriver nhận đình rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam là một đối tác được quý trọng. Ông Schriver nói “Quan hệ quốc phòng của chúng ta mạnh mẽ và là một trong những cột trụ vững chắc nhất trong mối quan hệ song phương và đa diện. Hoa Kỳ đang tìm cách cải thiện quan hệ quốc phòng với Việt Nam ... Điều mà chúng ta mong muôn với Việt Nam là một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, không phải là cái gì khác.”

Ông Shriver cũng đề cập tới mối đe dọa của Trung Quốc “Toàn vùng ngày càng phải đương đầu với một Trung Quốc xâm lăng và liều lĩnh, sẵn sàng chấp nhận xung đột để theo đuổi quyền lợi của họ.”

Tại Hội Nghị Quốc Tế Hàng Năm về Biển Đông vào tháng 7 vừa qua cũng tại Washington-DC, Đô Đốc về hưu Scott H. Swiff, cựu Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, một diễn giả tại hội nghị này đồng ý rằng Hải Quân Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò tích cực bảo vệ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia trong vùng Biển Đông trong trường hợp chủ quyền đã được xác định rõ ràng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng “Chúng ta vẫn phải có những quyết định hành động từ Tổng Tư Lệnh Quân Đội và phải có sự ủy nhiệm chiến lược rõ ràng.”

Do đó, một trong những mục tiêu của chuyến đi sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là việc nâng cấp hợp tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trước tình hình căng thẳng ỡ Biển Đông.

HỢP TÁC KHAI THÁC DẦU KHÍ

Ngay sau khi Trung Quốc đe dọa tấn công mỏ dầu khi Cá Rồng Đỏ do liên doanh Tâp Đoàn Dầu Khí Việt Nam và công ty dầu khí REPSOL của Tây Ban Nha khai thác, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đã vội vã bay qua Hoa Kỳ vào tháng 7, 2017 và hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã đến viếng thăm hải cảng Đà Nẵng vào tháng 3, 2018.

Công ty ExxonMobil của Hoa Kỳ có dự án khai thác dầu khí với Tập Đoàn Dầu Khi Việt Nam ở lô Cá Voi Xanh, ngoài khơi Quảng Nam - Quảng Ngãi từ 2017 trong vùng đặc khu kinh tế 200 hải lý. Sau khi tạm ngưng xúc tiến một thời gian nhưng không nói rõ lý do, nay đã tiến hành trở lại vào cuối năm 2018 sau khi Cố Vấn An Ninh Hoa Kỳ John Bolton tuyên bố vào tháng 10, 2018 rằng “Hoa Kỳ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không” cùng lúc với cuộc viếng thăm của Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis.

Một khi ExxonMobil hoạt động lại, việc Repsol của Tây Ban Nha quay trở về mỏ Cá Rồng Đỏ là một điều có thể mặc dù cho tới nay chưa có một tín hiệu chính thức nào từ chính phủ Việt Nam hay Repsol. Việt Nam đã phải bồi thường cho công ty dầu khí này khoảng 400 triệu Mỹ kim khi Việt Nam buộc phải cắt đứt hợp đồng trước sự đe dọa của Trung Quốc vào giữa năm 2017.

Việc khai thác dầu khí là một việc tối cần thiết để kiếm ngoại tệ và thiếu hụt ngân sách trong nhiều năm qua. Thiếu hụt ngân sách vào cuối năm 2018 ước độ khoảng 266 ngàn tỉ đồng hay 4.8% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Thu nhập từ việc sản xuất dầu khí suy giảm đáng kể, từ 120 ngàn tỉ đồng vào năm 2013 xuống còn khoảng 36 ngàn tỉ đồng vào 2018.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, nợ nước ngoài của Việt Nam là 104,079.3 triệu Mỹ kim vào năm 2017, bao gồm 81,735.7 triêu Mỹ kim nợ dài hạn, 21,895.3 triệu Mỹ kim nợ ngắn hạn và 448.3 triệu Mỹ kim nợ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Tổng số nợ này chiếm khoảng 58.25% của tổng sản phẩm nội địa. Số nợ ngắn hạn tuy chỉ bằng 26.8% của nợ dài hạn nhưng đáng lo ngại vì Việt Nam phải sớm tìm nguồn ngoại tệ để trả nợ. Riêng tiền lời phải trả trong năm 2017 đã là 2,307.1 triệu Mỹ kim. Tỉ lệ nợ nước ngoài so với trị giá xuất khẩu là 45.7% cho thấy khả năng trả nợ của Việt Nam thấp. Đấy là chưa kể đầu tư trực tiếp nước ngoài là 14,100 triệu Mỹ kim.

Nhà nước đã và đang phải bán một số những công ty quốc doanh và liên tục tăng thuế. Theo Ngân Hàng Thế Giới, tỉ lệ thuế, phí so với GDP của Việt Nam cao nhất trong khu vực. Sự kiện ngân sách thiếu hụt liên tục qua nhiều năm đã làm cho Việt Nam gặp khó khăn trong việc mua vũ khí cần thiết.

Do đó, vấn đề hợp tác khai thác dầu khí giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cùng với sự bảo vệ của Hải Quân của hai nước cũng có thể sẽ là một đề tài thảo luận giữa hai ông Nguyễn Phú Trọng và Donald Trump.

HỢP TÁC QUỐC PHÒNG

Một khi tham dự tích cực vào công tác bảo vệ việc khai thác dầu khí ở Biển Đông, Hải Quân Hoa Kỳ cần có căn cứ tiếp liệu, sửa chữa và nghỉ ngơi. Hai hải cảng Đà Nẵng và Cam Ranh có thể sẽ là những nơi được cứu xét. Điều này dẫn đến một hợp tác quốc phòng.

Việt Nam có chính sách quốc phòng ba không từ 1998: (1) Không tham gia các liên minh quân sự; (2) Không dựa vào nước này để chống nước kia; và (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam. Chính sách này chỉ một cam kết đơn phương, hiên nay không còn thích hợp nữa. Trên thực tế chính Việt Nam đã âm thầm áp dụng uyển chuyển cho phù hợp với tình thế mới trước sự xâm lăng trắng trợn của Trung Quốc mà 20 năm trước đây đã không thể dự đoán được.

Trong phạm vi hợp tác quốc phòng, Việt Nam đã nhận được ngân khoản trợ giúp quân sự 65 triệu Mỹ kim trong tài khóa 2013-2018. Qua chương trình này Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam một tuần dương hạm (Coast Guard cutter) USCGC Morgenthau và 12 tầu tuần duyên nhỏ (fast patrol boat). Hoa Kỳ hi vọng sẽ chuyển giao thêm cho Việt Nam một tuần dương hạm tương tự và thêm 12 tầu tuần duyên nhỏ nữa.

Việt Nam cũng đã nhận được một ngân khoản 26.25 triệu Mỹ kim trong tài khóa 2015-2018 và một ngân khoản 16 triệu Mỹ kim trong tài khóa 2017-2018 để tăng cường khả năng hàng hải. Hải Quân Việt Nam đã gửi quan sát viên tham dự thao diễn hải quân Rim of the Pacific lần đầu tiên vào 2018. Gần đây nhất Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được một chương trình hành động trong ba năm 2018-2020.

Do đó hợp tác quốc phòng chắc chắn sẽ là một đề tài quan trọng nằm trong chương trình nghị sự của đôi bên khi ông Trọng viếng thăm Mỹ lần thứ hai đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

HỢP TÁC KINH TẾ

Sau cùng là đề tài kinh tế. Chính quyền Trump quan tâm đến tình trạng xuất siêu hàng hóa của Việt Nam đối với Hoa Kỳ và đã từng kêu gọi Việt Nam mua thêm hàng của Hoa Kỳ. Kể từ khi hai nước bình thường hóa ngoại giao vào 1995, trừ hai năm đầu Việt Nam ở tình trạng nhập siêu, xuất siêu của Việt Nam tăng liên tục từ 102 triệu Mỹ kim vào 1997 lên đến 39,498 triệu Mỹ kim vào 2018. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam.

Trong lần gặp ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua, ông Donald Trump đã kêu gọi Việt Nam mua hàng hóa và võ khí của Hoa Kỳ để cân bằng phần nào cán cân thương mại. Trong dịp này, hãng hàng không Bamboo Airways đã ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner trị giá khỏang 3 tỷ Mỹ kim. Hãng hàng không Vietjet cũng thỏa thuận mua 100 phi cơ Boeing 737 Max trị giá 12.7 tỷ Mỹ kim. Vietjet cũng đã ký một hợp đồng trị giá 5.3 Mỹ kim với công ty General Electric về bảo trị các động cơ máy bay.

Cựu Tổng Thống Obama đã bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí cho Việt Nam vào 2016. Hoa Kỳ cũng có thể sẽ nêu việc bán võ khí cần thiết cho Việt Nam để bảo vệ lãnh hải khi ông Trọng tới Washington.

Hoa Kỳ cũng sẽ lưu ý Việt Nam về việc hàng Trung Quốc tuồn sang Việt Nam, thay đổi bao bì xuất xứ để tránh thuế nhập cảng của Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi vì chiến tranh thương mại đang diễn ra khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mặc dù chưa có con số thống kê, nhưng theo tường thuật của báo chí, một số công ty đã chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam.

Trong 12 năm qua kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO), tại hầu hết các cuộc họp cao cấp nào với Hoa Kỳ liên quan đến kinh tế và thương mại, Việt Nam đều nhắc đến vấn đề thừa nhận quy chế kinh tế thị trường (market economy). Do đó, vấn đề này sẽ được bàn thảo khi ông Trọng tới Hoa Kỳ trong khoảng cuối năm nay.

Việt Nam muốn Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường thay vì kinh tế phi thị trường (non-market economy) như hiện nay. Nếu đạt được quy chế mới, hàng Việt Nam sẽ không bị trả thêm những lệ phí như chống bán phá giá (anti-dumping duty) và chống bao cấp (countervailing duty). Những lệ phí này có hậu quả như thuế nhập cảng. Việt Nam đã thỏa mãn điều kiện 12 năm của WTO nhưng vẫn chưa được Hoa Kỳ công nhận là theo đúng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về kinh tế thị trường.

Việt Nam đã cho phép phát triển khu vực tư và tạo sự cạnh tranh thị trường đối với hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên Hoa Kỳ nhận định rằng chính phủ Việt Nam vẫn còn duy trì một số cơ chế chính thức và bán chính thức để kiểm soát và điều khiển nền kinh tế. Công nhân chưa có công đoàn độc lập.

Tại hội nghị về hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế tại Washington-DC vào tháng 4 vừa qua, Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã kêu gọi Hoa Kỳ trở lại Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) mà nay gọi là Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership – CPTPP). Sự trở lại cũa Hoa Kỳ, một nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tăng tầm quan trọng của khối hợp tác kinh tế này và Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nữa. Do đó ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington có thể thúc đẩy Hoa Kỳ tham gia CP-CPP.

HỢP TÁC ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC

Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, cản trở việc khai thác dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc khu kinh tế, và dò tìm dầu khí cũng ngay trong vùng đặc khu kinh tế bất chấp Việt Nam phản đối và Hoa Kỳ lên tiếng bênh vực Việt Nam một cách mạnh mẽ. Trước tình trạng này đã đến lúc Việt Nam cần kiện Trung Quốc tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) như Phi Luật Tân đã làm sáu năm trước đây. Chắc chắn Việt Nam sẽ thắng.

Bà Bonie Glaser, Giám Đốc Chương Trình Sức Mạnh của Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, trong một cuộc phỏng vấn của Tiếng Nói Hoa Kỳ, đã nhận định rằng “Khởi kiện Trung Quốc là một bước đi rất hay … Tôi nghĩ rằng Việt Nam hoàn toàn có thể thắng kiện. Đó là điều mà tôi nghe từ các luật sư về hàng hải.”

Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng, đôi bên có thể thảo luận về việc kiện Trung Quốc ra PCA. Việt Nam chắc chắn nhận được sự ủng hô của Hoa Kỳ để tiến hành thủ tục này và chuẩn bị dư luận quốc tế.

KẾT LUẬN

Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng mang tính cách đặc biệt quan trọng không những đối với hợp tác song phương giữa Washington và Hà Nội mà còn có ảnh hưởng đến toàn vùng Đông Nam Á về phương diện an ninh quốc phòng, khai thác dầu khí, kinh tế và thương mại.

Chính sách quốc phòng ba không của Việt Nam tuyệt đối không có một ý nghĩa thiết thực nào nữa. Đã tới lúc Việt Nam phải tự giải thoát ra khỏi cõi u mê ám chướng này. Phương châm “16 chữ vàng và 4 tốt” của Trung Quốc bắt nguồn từ Hội Nghị Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, chỉ để ru ngủ và lừa bịp Việt Nam.

Trong bầu không khí kỷ niệm 25 năm nối lại bang giao giữa hai quốc gia và tình hình cực kỳ bất ổn ở Biển Đông ảnh hưởng đến cả hai nước và các thành viên ASEAN, người ta hi vọng chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng sắp tới sẽ thành công. Vấn đề còn lại là hai nước biết chuẩn bị nắm bắt cơ hội tốt đẹp.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG