Đường dẫn truy cập

Ngày Vận động Cho Việt Nam 2019


Các nhà hoạt động từ Việt Nam tham dự một buổi họi với Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ở Washington, ngày 9 tháng 7, 2019.
Các nhà hoạt động từ Việt Nam tham dự một buổi họi với Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ở Washington, ngày 9 tháng 7, 2019.

Các nhà lập pháp trong Quốc hội Hoa Kỳ sẽ trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của các nhà hoạt động người Việt đến từ khắp nơi trên nước Mỹ và cả từ Việt Nam trong một nỗ lực phối hợp nhằm đánh động sự chú ý về tình hình tự do và nhân quyền ở Việt Nam cũng như những trường hợp đang bị Hà Nội giam cầm vì bất đồng chính kiến.

Sự kiện thường niên “Ngày Vận Động Cho Việt Nam 2019,” diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng 7 tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, sẽ bao gồm các cuộc tiếp xúc của cử tri gốc Việt với các nghị sĩ ở cả Hạ viện và Thượng viện, cùng các phần trình bày của giới lập pháp Mỹ, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà lãnh đạo cộng đồng, cùng những nhà hoạt động khác đến từ Việt Nam.

Ủy ban Cứu Người vượt biển (BPSOS), tổ chức vận động cho nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở bang Virginia, cho biết mục tiêu của sự kiện này là “ủng hộ những người bảo vệ nhân quyền dũng cảm ở Việt Nam và cũng ủng hộ những lời kêu gọi thay đổi dân chủ của các giáo hội bị áp bức,” theo website của tổ chức.

Một đại diện của BPSOS nói với VOA Việt ngữ cuộc vận động năm nay có một “điểm nhấn” là một số nhân chứng đã bay từ Việt Nam sang để trình bày với các nhà lập pháp Mỹ về thực trạng nhân quyền trong nước và hiện đã có gần 40 cuộc họp được lên kế hoạch với các nghị sĩ Hoa Kỳ cho ngày vận động 10 tháng 7.

“Số lượng năm nay nhiều hơn số lượng năm ngoái,” bà Mã Tiểu Linh nói về những nghị sĩ nhận lời mời gặp gỡ các nhà hoạt động gốc Việt. “Những dân biểu này là những người rất coi trọng về nhân quyền và tự do tôn giáo. Họ là những người viết thỉnh nguyện thư yêu cầu Tổng thống Donald Trump quan tâm hơn đến vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam.”

Bà Linh cho biết một vấn đề chính mà các nhà hoạt động sẽ tập trung nêu bật là việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm mà hiện tại bà nói là đã lên đến 276 người, trong số này có những người được xem là tranh đấu cho tự do tôn giáo.

Trong một báo cáo công bố vào ngày 21 tháng 6, Bộ Ngoại Giao Mỹ nhận xét tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm việc các lãnh đạo tôn giáo thuộc các nhóm không được nhà nước công nhận báo cáo về nhiều hình thức sách nhiễu từ chính quyền.

Việt Nam tuần trước bác bỏ báo cáo này, nói rằng “không khách quan dựa trên những thông tin sai lệch” và bày tỏ mong muốn đối thoại với Mỹ để “thu hẹp khác biệt,” một quan điểm mà Hà Nội lâu nay đã lặp lại nhiều lần.

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, một trong những người từ Việt Nam tham gia trình bày trong sự kiện vận động tại Quốc hội Mỹ năm nay, chia sẻ với VOA Việt ngữ rằng mặc dù ở Việt Nam có nhiều nhà thờ và chùa chiền nhưng hoạt động của những cơ sở tôn giáo này chịu sự “kiểm soát chặt chẽ” của nhà chức trách.

“Tăng ni và Phật tử Việt Nam chưa có quyền chọn người lãnh đạo của mình mà là do nhà nước kiểm soát chặt chẽ,” nhà sư này nói. “Những vị đó chỉ thừa hành mệnh lệnh của nhà nước cộng sản Việt Nam.”

Vị thượng tọa, thành viên của Tăng đoàn Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được Việt Nam công nhận, dẫn ra ví dụ rằng chùa Phước Bửu của ông đã xây dựng hơn 30 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận chủ quyền.

“Điều mà chúng tôi muốn nói là phải có tự do tôn giáo như một quyền căn bản mà một người công dân ở Hoa Kỳ, một đất nước tự do dân chủ, có được,” ông cho biết về nội dung mà ông sẽ trình bày trong cuộc vận động tại Quốc hội Mỹ.

Một số nhà lập pháp Mỹ trong thời gian gần đây đã giới thiệu các luật nhắm mục tiêu vào tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Dự luật chế tài của Thượng nghị sĩ John Cornyn vào tháng 5 có nội dung kêu gọi tái định danh Việt Nam là “nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo,” trong khi Dân biểu Chris Smith hồi tháng 4 năm 2018 giới thiệu luật buộc các quan chức Việt Nam chịu trách nhiệm về sự đối đãi của họ đối với các nhóm tôn giáo và sắc dân thiểu số.

Trong một diễn biến có liên quan, phái đoàn Việt Nam vận động tại Quốc hội cũng sẽ tham dự trong tư cách nhân chứng tại Hội nghị cấp Bộ trưởng để Thăng tiến Tự do Tôn giáo tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do Ngoại trưởng Mike Pompeo chủ trì, “để bàn về những thách thức đối với tự do tôn giáo,” theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao.

VOA Express

XS
SM
MD
LG