Đường dẫn truy cập

Ngày Nảy, Ngày Nay (Tức Trịnh Hội v. Công An – Tập 8)


Trịnh Hội trong phim 14 ngày phép
Trịnh Hội trong phim 14 ngày phép

Tôi cho là tôi chỉ làm việc…bán chính thức với Bộ Công an trong suốt 6 tháng ở Việt Nam vì từ đầu cho đến cuối chương trình, tôi hoàn toàn không nhận được một lá thư nào mời tôi về đồn công an làm việc. Hay nay đã điều tra xong, quyết định đuổi tôi đi. Ngày đầu tiên khi tôi đến trình diện ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh nằm ngay trên đường Nguyễn Trãi gần Ngã Sáu Phù Đổng Thiên Vương ở Quận 1, tôi có cảm giác như mình chỉ là một trong rất nhiều người phải đến đó để chạy chọt xin giấy tờ đi lại.

Phòng ốc thì nhỏ nhưng đã có hàng trăm người đang đứng đợi từ trong ra đến tận lề đường bên ngoài để làm hồ sơ, xin passport, gia hạn visa, v.v… Thật ra thì ngay từ lúc mới trở về tôi đã phải xin visa loại “business” có hiệu lực trong vòng 1 năm (và nó chỉ cần gia hạn mỗi năm một lần) nhưng việc ấy đã có công ty lo cho nên 6 tháng sau tôi mới có dịp tự mình đi đến nơi mà bất cứ ai ở Sài Gòn cũng đều phải bước qua trước khi được phép xuất cảnh.

Ngồi chờ ở căn phòng nhỏ hẹp ấy, nghe bao tiếng cười nói, phân trần, khi lên giọng, lúc xuống nước năn nỉ, khi ấy tôi mới thấy được cái khổ cực của người dân Việt Nam lúc họ đi làm giấy tờ. Không như ở ngoại quốc việc đâu ra đấy có trình tự đàng hoàng, ở Việt Nam hình như họ không theo một thể thức nào cả. Có người than với tôi ngồi đợi cả tiếng vẫn không thấy được gọi tên. Trong khi đó có người vừa mới bước vào trên tay cầm cả tá hồ sơ vẫn được tiếp nhận như thể anh ta là VIP đang cầm trên tay vé ngồi hạng nhất.

Nhưng mà thôi đấy là chuyện của người. Chuyện mình lo còn chưa xong mắc mớ gì lại…cắc cớ, có phải không?

Tôi vẫn còn đang mãi theo dõi cách làm việc và ứng xử của người dân tại phòng này khi anh bạn công an đã từng làm việc với tôi từ những ngày trước từ bên trong bước ra mời tôi vào phòng họp nằm khuất hẳn phía bên trong. Thì ra khu đất này to thật. Phòng này sát với phòng kia. Bên phải, bên trái và tận ở phía sau đều là phòng ốc xây kiểu xưa từ thời Pháp. Nó nhìn tuy cũ kỷ nhưng rất kiên cố. Và tương đối sạch sẽ cũng như hoàn toàn không có vẻ gì ồn ào, bát nháo như ở phía bên ngoài.

Đó là cảm giác đầu tiên của tôi.

Và cảm giác thứ hai của tôi là dễ chịu. Vì may thay tôi được anh bạn công an mời ngay vào một phòng có máy lạnh và ghế nệm sa lông đàng hoàng. Trước khi đi báo cho sếp của anh là tôi đã có mặt, anh còn hỏi tôi có thích uống gì không, nước hay trà, báo hại lúc anh đi rồi tôi cứ thầm nghĩ trong đầu: chả lẽ bây giờ họ lại văn minh đến thế à? Ngày xửa, ngày xưa không những mình bị giam 5 ngày vì một lý do rất là “stupid” mà mình còn phải trả tiền giam cho chính mình. Còn ngày nảy, ngày nay, sau 10 năm vật đổi sao dời, chẳng lẽ họ đã thay đổi?

Chưa kịp tìm được câu trả lời cho chính mình thì tôi thấy từ bên ngoài bước vào một…. cô công an tuổi độ trên 40 mặc bộ đồ công an trông rất oai vệ cùng với một thái độ trông cũng rất ư là… chính thức (ý tôi muốn nói ở đây là “official”). Official từ gương mặt cho đến hành động. Cũng có thể vì tôi từ nhỏ đã bị dị ứng với bộ đồ xanh màu lá cây này của công an nên chỉ cần thoáng nhìn qua màu này là tôi đã thấy oải.

Đã vậy khi cô cất giọng tôi lại nghe được giọng Bắc chính cống sau 75 của cô. Cái giọng mà 10 năm sau tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một vì nó rất… khác với giọng Nam của tôi. Hay giọng Bắc 54 của những người Bắc mà tôi đã từng… quen biết!

Nghĩ lại mới thấy mình đúng là thằng kỳ thị. Chưa quen biết gì, chưa nói năng gì mà tôi đã thấy hình như mình không có cảm tình gì mấy đối với người đàn bà đang ngồi trước mặt mình. Mặc dù người này xem ra cũng có khá nhiều quyền uy và hoàn toàn có thể làm khó mình bất cứ lúc nào.

Và đúng như cảm nhận, câu nói đầu tiên của cô không phải là lời chào hỏi, xã giao thông thường mà cô đi thẳng vào lý do cô cần gặp tôi:

”Hôm nay tôi muốn làm việc với anh về việc anh xin phép đóng phim và làm văn nghệ ở Việt Nam”.

“Dạ vâng”. Tôi chẳng biết phải trả lời thế nào cho phải phép nên chỉ có thể thốt ra hai tiếng cụt ngủn như thế.

“Tôi muốn cho anh biết là bên Cục Điện ảnh đã có công văn thông báo cho nhà sản xuất và chúng tôi biết là anh được phép tham gia vào bộ phim 14 Ngày Phép với điều kiện là anh phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam”.

“OK”. Lại một lần nữa tôi chẳng biết phải trả lời thế nào cho đúng thủ tục ngoại trừ tiếng “OK”.

“Tôi muốn nói thẳng với anh là chúng tôi rất hoan nghênh việc các nghệ sĩ từ hải ngoại trở về để phục vụ bà con, nhân dân trong nước nhưng ở đâu cũng có luật lệ và quy định rõ ràng. Vì vậy tôi muốn anh hôm nay viết vào bản cam kết này là anh sẽ không tham gia vào bất cứ hoạt động nào nằm chống phá nhà nước Việt Nam”.

“OK!” Tôi cũng chỉ có thể trả lời đến từng ấy.Vì suy cho cùng đối với tôi điều kiện này thật ra cũng không có gì quá đáng. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ cho những điều tôi làm là chống phá Việt Nam. Lần này tôi quyết định về lại Việt Nam cũng không phải là để chống phá nhà nước. Và làm văn nghệ, đóng phim càng không phải là nơi để tôi… chống phá.

Thế là chỉ trong vòng 5 phút tôi đã thực hiện được yêu cầu của cô công an ngồi trước mặt tôi với gương mặt nay đã có phần dịu lại. Có lẽ vì cô thấy tôi cũng không có vẻ gì… chống phá cho lắm. Tôi lại không tỏ ý phản đối hay chất vấn ngược lại cô. Hoặc có lời nói, hành động gì có thể cho là phách lối (vì xin thú thật có một số người từ hải ngoại về phách lối thật!).

Có lẽ cũng vì vậy mà sau khi đóng tập hồ sơ lại để sang một bên, cô đã bắt đầu hỏi thăm tôi về những chuyện bên lề như ca sĩ nào đang lên, đi show ở hải ngoại được bao nhiêu tiền mỗi lần, và vì sao tôi quyết định về lại Việt Nam, v.v… Tôi nghĩ chắc phải gần một tiếng sau cô mới chịu cho tôi về sau khi tôi đã trả lời tất cả những câu hỏi, công cũng như tư, mà cô đưa ra.

Lúc tôi bước ra cổng, trời đã ngả chiều. Đứng đợi taxi, tôi để ý thấy từng hàng, từng lớp công an, già có, trẻ có, sắp hàng nối đuôi nhau dắt xe ra cổng để hối hả về nhà. Để lại sau lưng việc làm, các nguyên tắc, thủ tục và những bộ đồ đồng phục phản cảm, tôi có cảm giác như họ cũng như tất cả mọi người trong xã hội Việt Nam đang cố hòa nhập vào dòng người để vươn lên, bươn chải trong cuộc sống. Đằng sau những gương mặt lạnh lùng, ở dưới những bộ đồng phục công an đáng ghét đó là những con người Việt Nam rất bình thường với những cảm xúc thật, những nỗi niềm ẩn khuất thật mà có lẽ họ sẽ không thể nào chia sẻ với những người như chúng ta luôn có được sự tự do trong tư tưởng cũng như trong công việc. Chúng ta có thể thành thật với chính mình. Và những người chung quanh mình. Nhưng họ thì không.

Tôi cảm nhận được điều này sau ngày làm việc đầu tiên với Bộ Công an Việt Nam. Đó là họ cũng là người và không đáng sợ như chúng ta tưởng. Họ cũng không tàn nhẫn, kém văn minh như tôi từng được nghe qua. Hay đã từng phải trải qua 10 năm về trước.

Nhưng đó mới chỉ là ngày đâu thôi mà, có phải không? Đi đêm có ngày gặp ma. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Để rồi xem tôi có còn đủ sự nhẫn nại để khỏi…đổ lệ hay không!

Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG