Đường dẫn truy cập

Nga chiếm nhà máy hạt nhân Ukraine, gây lo ngại về việc giám sát phóng xạ


Camera an ninh ghi lại cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine cháy khi quân Nga tấn công, 4/3.
Camera an ninh ghi lại cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine cháy khi quân Nga tấn công, 4/3.

Các chuyên gia nguyên tử nói rằng việc Nga chiếm một nhà máy điện hạt nhân của Ukraine làm dấy lên lo ngại về khả năng tiếp cận dữ liệu bức xạ, mặc dù họ nhấn mạnh rằng họ không thấy có những nguy cơ phóng xạ tức thời và một cơ quan giám sát của Liên Hiệp Quốc nói rằng các lò phản ứng của nhà máy không bị hư hại.

Quân Nga đã chiếm được nhà máy Zaporizhzhia - nhà máy lớn nhất châu Âu - sau khi tấn công vào sáng sớm thứ Sáu 4/3, gây ra hỏa hoạn ở một cơ sở huấn luyện cao 5 tầng liền kề, chính quyền Ukraine cho biết.

Trái lại, phía Nga đổ lỗi về vụ tấn công nhà máy này cho “những kẻ phá hoại Ukraine”, theo cách dùng từ của Nga.

Trong một cuộc họp báo hôm 4/3, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho hay các lò phản ứng của Zaporozhzhia không bị hư hại và các nhân viên Ukraine vẫn tiếp tục vận hành các cơ sở hạt nhân trong khi quân Nga kiểm soát khu vực này.

Hệ thống giám sát bức xạ tại địa điểm này vẫn hoạt động bình thường và không xảy ra tình trạng phát tán chất phóng xạ, ông Grossi cho biết.

Park Jong-woon, giáo sư tại khoa năng lượng và kỹ thuật điện của Đại học Dongguk, nói ông nghĩ rằng việc chiếm giữ nhà máy không gây ra mối nguy phóng xạ ngay lúc này, nhưng ông nói thêm rằng Nga có thể ngăn cản việc truy cập công khai vào dữ liệu bức xạ, từ đó gây ra nhiễu loạn thông tin.

Ông Park, người từng làm việc tại các hãng điện quốc doanh từ năm 1996 đến 2009, và cũng tư vấn về việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân, nói tiếp: “Họ có thể khiến mọi người thắc mắc, khiến người ta hoang mang và gieo rắc nỗi sợ hãi”.

Vụ hỏa hoạn tại cơ sở Zaporizhzhia đã được dập tắt nhưng nó đã làm dấy lên "mối lo ngại rất hiện hữu" về khả năng xảy ra thảm họa, Edwin Lyman, giám đốc an toàn điện hạt nhân thuộc Hội Liên hiệp các Nhà khoa học Hữu trách ở thủ đô Washington của Mỹ, nói.

Ông Lyman nói cụ thể hơn: “Ví dụ, giả định rằng đám cháy lan rộng, mặc dù trường này có vẻ không phải như vậy, nó có thể vô hiệu hóa hệ thống điện của nhà máy và dẫn đến một sự kiện rất giống như vụ Fukushima nếu hệ thống làm mát không được khôi phục kịp thời”.

Trên bình diện rộng hơn, các chuyên gia bày tỏ lo lắng về khả năng tiếp cận dữ liệu thời gian thực cần thiết để đánh giá tình hình bức xạ trên mặt đất.

Trang web chính thức đăng các kết quả đo phóng xạ tại địa điểm Zaporizhzhia không thể truy cập được ngay trong buổi chiều 4/3, ông Lyman cho hay.

Theo Kenji Nanba, người đứng đầu Viện phóng xạ môi trường của Đại học Fukushima và từng tham gia một dự án nghiên cứu chung với các nhà khoa học Ukraine, kể từ khi quân Nga chiếm quyền kiểm soát Chernobyl vào tuần trước - là nơi đã xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới và hiện là nhà máy điện không còn hoạt động - việc giám sát mức độ phóng xạ ở đó đã trở nên khó khăn hơn.

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG