Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam


Công nhân tại một nhà máy ở Việt Nam.
Công nhân tại một nhà máy ở Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới công bố bản cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trong đó hạ mức tăng trưởng của Việt Nam vì tác động của COVID-19.

Tổ chức tài chính quốc tế này nói rằng đợt cách ly xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế thời gian qua “đã gây thiệt hại đáng kể” đến GDP trong quý III/2021”, khiến GDP “suy giảm 6,2% (so cùng kỳ năm trước), ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố dữ liệu GDP theo quý”.

World Bank cho biết, ngành dịch vụ “bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội”, giảm đến 9,3% (so cùng kỳ năm trước), đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP và ngành công nghiệp “cũng bị ảnh hưởng trầm trọng”, giảm 5,0% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan.

“Với GDP giảm sâu trong quý III/2021, và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV/2021 khi mà cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang gỡ bỏ dần các hạn chế, GDP năm 2021 hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà chúng tôi đưa ra hồi tháng 8/2021” Ngân hàng Thế giới viết trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) hôm 29/9 công bố dữ liệu mới nhất, cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm nay ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước và nói rằng đây là mức giảm “sâu nhất” kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Theo GSO, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do “dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh”.

Tổng cục Thống kê viết rằng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản “đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch”, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.

GSO cũng cho biết rằng dịch COVID-19 “diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ” và rằng “tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG