Đường dẫn truy cập

Năm 2023 khép lại với dự báo không lành cho kinh tế Việt Nam


Báo Nhân dân cho rằng năm 2023, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát được kiểm soát… Hình minh hoạ.
Báo Nhân dân cho rằng năm 2023, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát được kiểm soát… Hình minh hoạ.

Để đạt được một sự tăng trưởng thực chất và bền vững thì năng lực nội sinh là quan trọng nhất và đổi mới môi trường chính trị là bước đi đầu tiên cần có.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước tăng 5,05% so với năm trước và quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD. Bình quân thu nhập đầu người ước đạt 4.284 USD, tức khoảng 100 triệu đồng/người/năm.

Báo Nhân dân cho rằng năm 2023, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát được kiểm soát…

Trích lời của bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, nhiều cơ quan báo chí đều cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới.

Tờ Hà Nội mới đầy tự hào khi đưa tin rằng Việt Nam đứng trước viễn cảnh 15 năm tới rất khả quan và sẽ “vượt qua được hầu hết các quốc gia lớn trong Asean như Singpore, Thái Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 trên thế giới vào năm 2038”.

Điều đó là không sai nhưng chúng ta không thể lạc quan tếu hoặc sử dụng uyển ngữ tuyên tuyền kiểu cho rằng chúng ta đã xuất sắc “về nhì” còn đối phương thì lẹt đẹt “áp chót” trong một cuộc chạy đua chỉ có 2 người.

Tăng trưởng từ đâu ra?

Thực chất tăng trưởng 5,05% trong giai đoạn này là thấp, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với dự báo ban đầu của ADB chứ không phải là một “điểm sáng”.

Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu mà cụ thể là vào một số doanh nghiệp nước ngoài. Theo Vietnam Report thì Samsung Electronics là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2022, Bốn nhà máy tại Việt Nam đã mang về cho Samsung Electronic gần 71 tỷ USD, bỏ xa vị trí thứ 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với doanh thu gần 40 tỷ USD.

Các số liệu về doanh thu và lợi nhuận của cả năm chỉ có được một cách chính thức vào cuối quý 1 năm 2024, nhưng dự kiến 2023 vẫn là một năm thắng lợi lớn của Samsung khi hết quý 3/2023 tập đoàn này cho biết các nhà máy ở Việt Nam đạt tổng lợi nhuận khoảng 4,21 tỷ USD. Trong khi đó Tập đoàn Dầu khí là tập đoàn lớn nhất của đất nước chúng ta, khai thác tài nguyên quan trọng số 1 của quốc gia lên bán thì dự kiến lợi nhuận trước thuế cho 9 tháng chỉ là 1,6 tỷ USD.

Ngược lại nhiều tập đoàn và tổng công ty Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt như EVN, Vietnam Airlines đã không trở thành động lực chính, giữ vai trò “chủ đạo” như Điều 51, Hiến pháp 2013 quy định mà đang trở thành sức ì cho các thành phần kinh tế khác.

Điều tồi tệ của nền kinh tế là ở chỗ dư nợ tín dụng quá cao. Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ dư nợ tín dụng của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục là 13,5 triệu tỷ đồng. Trong đó tăng lên khoảng 1,5 triệu tỷ đồng so với năm ngoái. Năm 2024 này Ngân hàng dự kiến tiếp tục bơm vào nền kinh tế 2 triệu tỷ đồng nữa.

Trước đó bà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu là các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam có tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức rất cao, theo thang chấm điểm của Ngân hàng Thế giới WB thì Việt Nam là nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp.

Như vậy tăng trưởng thực sự của nền kinh tế Việt Nam chỉ là mức tăng cơ bản do lực lượng lao động mới tham gia vào nền kinh tế và sự cải thiện đương nhiên của sức lao động mà không phải là một động lực rõ ràng và có thực chất.

Bắt đầu giảm tốc và lùn đi

Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới và xác lập mô hình tăng trưởng theo cơ chế thị trường từ năm 1986, đến nay đã được gần 40 năm. Mặc dù mức độ tăng trưởng đã được ghi nhận là cao và khoảng cách thu nhập với các nước đã thu hẹp, nhưng quãng đường trước mắt mới thực sự khó khăn.

Vấn đề càng trầm trọng nếu năm 2024 tiền vẫn tiếp tục được bơm vào nền kinh tế. Khi đó tỷ lệ dư nợ tín dụng/DGP của Việt Nam tiếp tục được đẩy lên cao và lập một kỷ lục mới. Chúng ta đã thấy trong 1 thời gian ngắn khủng khiếp, chỉ 4 tuần cuối của tháng 12/20233, nền kinh tế đang lờ đờ cũng đã hấp thụ 520 ngàn tỷ . Nhưng việc “giải cứu” này lại là nguyên nhân xô đẩy đến nợ xấu và tạo sức ì cho nền kinh tế trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục cho vay để đảo nợ, rồi nới rộng “room”, tiền sẽ lại tìm cách len lỏi vào các hoạt động đầu cơ và sẽ làm cho bảng cân đối kế toán của nền kinh tế tồn dư những con số đáng lo ngại. Và đây chính là dự báo không lành. Chỉ cần một biến động lớn về tài chính tiền tệ trong nước hoặc quốc tế, toàn bộ nền kinh tế có thể mất ổn định và lâm vào khủng hoảng.

Ngay cả việc kinh tế toàn cầu, giảm sút 7% đúng như IMF đã ước tính trong thời gian tới và nền kinh tế Mỹ giảm tăng trưởng thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn vì độ mở cao và sự phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu, đặc biệt sang Hoa Kỳ.

Nói chung, giai đoạn này là đang là thanh niên, dân số trẻ nhưng chúng ta đã rất khó khăn trong việc bứt tốc để lên dốc. Tuy vẫn chạy nhanh nhưng để đạt lên được một bình nguyên cao hơn là rất khó khăn vì tuổi già đang đến, những áp lực xã hội đang dâng cao.

Trong một đoàn cùng chạy đua lên dốc, chúng ta có nguy cơ vẫn cứ loay hoay ở giữa con dốc và chậm hơn so với các đối thủ.

Giải pháp cải thiện tình trạng còi cọc

Nói theo kiểu Báo nhân dân thì đáng mừng vì Việt Nam vẫn là điểm sáng và tăng trưởng vẫn cao hơn nhiều nước trên thế giới. Nhưng cách tư duy đó là nguy hiểm, vì nhiều nước đã đạt được mức tăng trưởng rất lớn và liên tục trong suốt thời gian dài thì mới chậm dần đều.

Ví dụ Singapore trung bình tăng trưởng 9,4%/năm; Đài Loan 8,8%, Hàn Quốc và Trung Quốc là 8,7%.. liên tục trong suốt gần 30 năm. Trong khi đó Việt Nam mới bứt tốc từ 1990 thì đã bắt đầu chậm dần đều từ năm 2000. Cụ thể từ 1990-1999 là 7,4%, sau đó từ năm 2011-2019 thì xuống 6,6% và từ 2019-2023 chỉ ở mức 5,2%.

Nền kinh tế Việt Nam dù vẫn tăng nhưng đã bắt đầu “lùn” lại từ những năm 2010 tức là lúc GDP/đầu người chỉ mới là 1,684 đô la Mỹ, cỗ máy kinh tế đã tỏ ra mệt mỏi rất sớm. Chúng ta chưa chạy vượt tốc độ qua cơn dốc để nâng mình lên một vùng cao mới với GDP trên 10,000/người thì đã mất sức và giảm dần tốc độ.

Theo logic đó và mức tăng trưởng như hiện tại, chúng ta có thể chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và không bao giờ đạt được một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 1945 như Nghị quyết của đảng đã đề ra.

Theo cách xếp hạng của ngân hàng thế giới thì một nước có thu nhập cao là tối thiểu phải trên 12.536$/người/năm và trong 20 năm tới Việt Nam khó có thể tăng trưởng cao liên tục để đạt được mức thu nhập đầu người gấp 3 lần hiện nay vì quả càng trên cao thì càng khó hái.

Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể đạt được mức thu nhập cao hơn nếu như tiến hành có cải cách thể chế toàn diện, cải tổ doanh nghiệp nhà nước để trở thành nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn toàn, nâng cao năng suất lao động và thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều.

Nhìn một nền kinh tế chỉ có 430 tỷ USD, trong đó có công ty Samsung Electronics với lượng đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam đã tạo ra doanh thu hơn 71 tỷ đô thì ta ngậm ngùi tiếc nuối Công ty Intel đã rời đi để đầu tư đến 25 tỷ đô ở Israel.

Lý do rời đi là vì chiếc “tổ đại bàng” còn quá bé, chỉ là một hình đồng dạng chính trị và xã hội thu nhỏ của Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị, nơi mà có những con “Đại bàng” cũng còn cảm thấy không đủ lớn.

Giải pháp quan trọng nhất chính là xây dựng lại môi trường kinh doanh, thay vì bơm thêm tiền thì mạnh dạn cắt bỏ tất cả các khối u thuộc doanh nghiệp Nhà nước, tiến hành thanh lý và cho phá sản toàn bộ các doanh nghiệp mà giá trị tài sản thấp hơn vốn chủ sở hữu và nợ cộng lại, minh bạch thông tin đất đai và đánh thuế tài sản.

Nhưng để đạt được một sự tăng trưởng thực chất và bền vững thì năng lực nội sinh là quan trọng nhất và đổi mới môi trường chính trị là bước đi đầu tiên cần có.

  • 16x9 Image

    Lê Quốc Quân

    Lê Quốc Quân là một luật sư Nhân quyền.

    Được đào tạo chính quy về Luật pháp và từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông có tham gia tư vấn cho nhiều dự án phát triển tại Việt Nam được tài trợ bởi World Bank, ADB và UNDP.

    Ông viết Blog và tự nhận mình là một con “Ruồi trâu đốt vào mông đít xã hội để nó nhảy lên phía trước” nhưng hậu quả là ông bị tước giấy phép hành nghề luật và ngồi tù 3 lần.

    Ra tù ông vẫn tha thiết với việc nước và lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền con người. Ông tham gia viết về nhiều đề tài nhưng tập trung vào Chính trị và Luật pháp của Việt Nam.

    Các bài viết của Luật sư Quân là Blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG