Đường dẫn truy cập

Nông dân Mỹ muốn thương mại, không muốn cứu trợ


Nông dân Mỹ trên cánh đồng bắp ở Illinois
Nông dân Mỹ trên cánh đồng bắp ở Illinois

Nhiều nông dân Mỹ bất bình với các biện pháp thuế quan của ông Trump và thiệt hại mà nó gây ra cho giá cả hàng hóa và thị trường nhưng họ bày tỏ sự đánh giá cao đối với kế hoạch của chính quyền Trump là trợ cấp cho họ một số tiền để bù vào khoản lỗ mà họ phải gánh chịu.

Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa loan báo một kế hoạch cứu trợ trị giá 12 tỷ đô la gồm ba bước để lấy tiền từ Ngân khố ra chu cấp các nhà nông sản xuất đậu nành, cao lương, bắp, lúa mì, bông vải, sữa và thịt lợn.

Bộ Nông nghiệp cũng sẽ mua lại từ nông dân lượng sản phẩm dư thừa của họ vốn lẽ ra phải được xuất khẩu sang các nước và sẽ phân phối cho các ngân hàng thực phẩm và các chương trình dinh dưỡng khác. Các sản phẩm được hỗ trợ bao gồm trái cây, gạo, các loại quả hạch, các loại đậu, thịt bò, thịt lợn, và sữa.

Bước thứ ba của kế hoạch này là giúp các nông dân tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

“Đây là giải pháp tình thế để giúp Tổng thống Trump có thêm thời gian để thương thảo các thỏa thuận thương mại dài hạn để làm lợi cho ngành nông nghiệp và toàn bộ kinh tế Mỹ,” Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue được hãng tin AP dẫn lời nói.

Số tiền trợ cấp này được lấy ra từ Liên đoàn Tín dụng Hàng hóa (Commodity Credit Corporation) – một cơ quan của Bộ Nông nghiệp được thành lập vào thời kỳ Đại suy thoái ở thế kỷ trước. Cơ quan này được quyền mượn tối đa 30 tỷ đô la từ Ngân khố Nhà nước vào bất cứ lúc nào để ‘bình ổn, hỗ trợ và bảo vệ thu nhập nông dân và giá cả nông sản’.

Tuy nhiên, các nông dân Mỹ được hỗ trợ nói rằng họ chẳng thà muốn Mỹ giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc, Mexico, Canada và châu Âu và được giao thương tự do như trước còn hơn là nhận tiền hỗ trợ.

“Băng dán không thể trị thương, nhưng nó có thể làm giảm đau được một lát,” ông Dave Struthers, một nông dân trồng bắp và đậu nành ở một nông trại có diện tích 1.100 mẫu ở gần Collins, bang Iowa, cách Des Moines, thủ phủ bang, 48 km về phía đông bắc, nói. Ông cũng xuất chuồng khoảng 6.000 con lợn mỗi năm.

Các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ của khiến giá đậu nành giảm khoảng 18% và giá bắp và thịt hẹo giảm khoảng 15% kể từ thời điểm ông Trump bắt đầu thảo luận các biện pháp áp thuế hồi đầu năm.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đậu nành lớn nhất của Mỹ và cũng là một trong những nước nhập khẩu thịt lợn của Mỹ nhiều nhất.

Các nông dân Mỹ dự kiến sẽ thu hoạch 14,2 tỷ giạ bắp và 4,3 tỷ giạ đậu nành trong năm nay. Tính đến ngày 1/6, họ cũng nuôi 73,5 triệu con lợn – số lượng cao nhất kể từ khi có số liệu vào năm 1964.

“Kinh nghiệm cho thấy chiến tranh thương mại và tất cả biện pháp trả đũa qua lại này sẽ là tai họa đối với nền nông nghiệp và đẩy giá đi xuống,” ông Richard Schlosser, nông dân trồng đậu nành, bắp và lúc mì ở Edgeley, tây nam bang North Dakota, nói. Ông gọi các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump là ‘sự can thiệp tệ hại nhất của chính phủ’.

Chương trình cứu trợ tạm thời có thể xem là sự thừa nhận của Tổng thống Trump về ‘tác động to lớn’ của chiến tranh thương mại đối với các nông dân, ông Mark Watne, chủ tịch Liên hiệp Nông dân North Dakota với trên 45.000 thành viên, nói.

“Tôi không thể cho rằng họ đang giúp đỡ chúng tôi nhưng chuyện này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?” ông Watne nói. “Họ có đang thật sự tìm kiếm một giải pháp để khiến cho mọi việc tốt hơn không?”

Một số nông dân thì tỏ vẻ hoài nghi với chương trình cứu trợ này của chính quyền. Họ tin rằng chính quyền ông Trump làm việc này với mục đích là hướng đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 hơn là quan tâm đến nông dân.

“Đó là một thủ đoạn bầu cử. Và những người nông dân chúng tôi sẽ bị mắc lừa lần nữa trong toàn bộ quá trình này,” nông dân Michael Slattery ở bang Wisconsin nhận định.

Ông Slattery cho biết ông không bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Một số nông dân bày tỏ quan ngại việc chương trình hỗ trợ này không rõ ràng. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết họ sẽ công bố chi tiết vào khoảng thời gian Ngày Lễ Lao động và sẽ bắt đầu chi trả cho nông dân sau vụ thu hoạch mùa thu.

“Tôi không muốn được nhận tiền biếu không. Tôi không muốn cứu trợ. Tôi muốn được mua bán. Thương mại là cách làm đúng,” bà Wanda Patsche, một nông dân trồng bắp, đậu nành và nuôi lơn ở nam Minnesota, nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG