Đường dẫn truy cập

Mỹ thay đổi lập trường về cuộc điều tra nhân quyền ở Sri Lanka


Ngoại trưởng Sri Lanka Mangala Samaraweera (trái) và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Nisha Biswal tại Colombo, Sri Lanka, ngày 25/8/2015.
Ngoại trưởng Sri Lanka Mangala Samaraweera (trái) và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Nisha Biswal tại Colombo, Sri Lanka, ngày 25/8/2015.

Những nỗ lực của Sri Lanka nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc của chính phủ trước đã nhận được một sự thúc đẩy lớn qua việc chính phủ Mỹ quyết định hậu thuẫn cho một cuộc điều tra do Sri Lanka thực hiện về những tố cáo tội ác chiến tranh trong cuộc nội chiến ở nước này. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha tại trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA ở New Dehli, Washington từng dẫn đầu cuộc vận động đòi thực hiện một cuộc điều tra quốc tế về những vụ vi phạm nhân quyền ở Sri Lanka.

Một cảm giác hài lòng đang lan tỏa ở các hành lang quyền lực tại Colombo, sau khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Nisha Biswal hôm thứ Tư loan báo Washington sẽ bảo trợ một nghị quyết vào tháng sau tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để ủng hộ cho việc Sri Lanka tự tiến hành cuộc điều tra về những vụ vi phạm nhân quyền có thể đã xảy ra trong chiến dịch quân sự nhằm dẹp tan phe nổi dậy Hổ Tamil.

Bà Biswal đến thăm Colombo một tuần sau khi tân chính phủ nước này giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội và xóa tan hy vọng phục hồi quyền lực của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa.

Mỹ thay đổi lập trường

Bà Biswal cho rằng một cuộc điều tra quốc nội sẽ dẫn tới một kết quả mà bà gọi là “bền bỉ hơn”. Tuyên bố này đánh dấu một sự thay đổi lập trường của chính phủ Mỹ vì Washington từng bảo trợ cho các nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc đòi thực hiện một cuộc điều tra quốc tế về tội ác chiến tranh ở Sri Lanka.

Ông Jehan Perrera của Hội đồng Hòa bình Quốc gia ở Colombo cho biết áp lực do Mỹ dẫn đầu về một cuộc điều tra quốc tế đã gây căng thẳng cho mối quan hệ của Sri Lanka với Washington dưới thời Tổng thống Rajapaksa.

"Chính phủ trước, vì họ cảm thấy cộng đồng quốc tế, nhất là các nước Tây phương, tìm cách thúc đẩy cho một cuộc điều tra quốc tế để đưa ra những kết luận chống lại họ, cho nên họ đã nghiêng về phía Trung Quốc và Nga để hai nước này bảo vệ họ trong một cuộc điều tra quốc tế như vậy. Bây giờ thì cuộc điều tra sẽ nằm trong tay của chính phủ Sri Lanka, cho nên việc nghiêng về Trung Quốc và Nga và nương tựa vào hai nước này sẽ trở nên ít cần thiết hơn".

Nhiều người ở Sri Lanka chống đối việc tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về cuộc nội chiến mà sự kết thúc của nó nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng người Singha thuộc khối dân đa số. Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 40.000 người sắc tộc Tamil, thuộc khối dân thiểu số, đã thiệt mạng trong những tháng chót của chiến dịch tiêu diệt phiến quân Tamil.

Giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

Các nhà phân tích cho rằng lập trường mềm mỏng hơn của Washington đối với cuộc điều tra nhân quyền sẽ làm mạnh thêm những nỗ lực mới đây của tân chính phủ nhằm xây dựng lại các mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Nhà phân tích chính trị Victor Ivan ở Colombo cho rằng Sri Lanka cần có những mối quan hệ thân thiện hơn với những nước cấu thành thị trường xuất khẩu quan trọng của mình.

"Chúng tôi sản xuất mọi thứ hàng hóa cho Âu châu và Hoa Kỳ. Và do đó chúng tôi phải có một mối quan hệ tốt đẹp với Âu châu và Hoa Kỳ. Thực tế là như vậy".

Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc, chính phủ Sri Lanka đã xem xét lại những dự án qui mô lớn do Bắc Kinh thực hiện và đang tìm kiếm những nguồn tài trợ với phí tổn thấp hơn từ những nước như Nhật Bản để thay bớt một phần của khoản tiền 5 tỉ đô la mà Sri Lanka còn thiếu nợ các ngân hàng Trung Quốc.

Ông Perera cho rằng trong lúc ra sức cải thiện quan hệ với Tây phương, Sri Lanka vẫn phải tiếp tục duy trì những mối quan hệ với Trung Quốc.

"Sri Lanka khó rút ra được vì họ nợ nần quá nhiều, nợ Trung Quốc quá nhiều và Trung Quốc cũng có thể gây áp lực kinh tế lên Sri Lanka. Cho nên chính phủ cần phải rất thận trọng về cách thức để tiến tới".

Tuy là một đảo quốc nhỏ bé, Sri Lanka là nơi mà các đại cường như Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ra sức tranh giành ảnh hưởng vì vị thế chiến lược của nước này ở Ấn Độ Dương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG