Đường dẫn truy cập

Dọa kiện Bộ Tài Nguyên - Môi Trường về 'giấy phép đổ bùn'


Bộ Tài nguyên-Môi trường chấp thuận cho Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển Bình Thuận.
Bộ Tài nguyên-Môi trường chấp thuận cho Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển Bình Thuận.

Một trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội mới đây đòi Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) hủy giấy phép cho đổ bùn, cát ở biển Bình Thuận, nếu không họ sẽ kiện bộ.

Trong một thông cáo báo chí, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững nêu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hủy quyết định cho một công ty điện lực đổ phế thải nạo vét xuống biển.

Trung tâm nói nếu bộ không hủy, họ sẽ khởi kiện hành chính về quyết định cấp phép của bộ. Giám đốc trung tâm, ông Đặng Đình Bách, đã xác nhận với VOA về thông tin này hôm 26/7.

Trung tâm của ông Bách bắt đầu hoạt động từ năm 2007, nhằm bảo vệ những lợi ích hợp pháp cho những người bị xâm phạm trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa diễn ra ở Việt Nam.

Luật sư Trần Vũ Hải nói với VOA về căn cứ pháp lý để khởi kiện:

“Với tư cách công dân, và nếu họ cho rằng việc nhấn chìm ảnh hưởng đến môi trường, hoặc là với tư cách ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc môi trường bị xấu đi như vậy thì, họ có quyền khởi kiện đối với cái giấy phép nhấn chìm này, yêu cầu đình chỉ hiệu lực của giấy phép này, hoặc hủy bỏ”.

Hồi cuối tháng 6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy phép chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn điện lực Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” gần 1 triệu mét khối bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Các bên liên quan nói đây là bùn, cát lấy lên từ quá trình nạo vét luồng lạch, bến tàu phục vụ việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Nơi đổ phế thải được xác định cách đất liền hơn 12 kilomet và chỉ cách vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển Hòn Cau chưa đầy 2 kilomet. Tổng diện tích nơi đổ là 30 hectare mặt nước biển, nơi này có độ sâu không quá 30 m.

Giấy phép kể trên đã vấp phải nhiều phản đối từ các chuyên gia môi trường và công chúng, vì họ lo ngại việc đổ bùn, cát nạo vét sẽ làm hại cả môi trường lẫn nguồn lợi hải sản.

Vài ngày trước kiến nghị của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững, hôm 21/7, Hội nghề cá Việt Nam cho biết cũng đã kiến nghị chính phủ và một số bộ “khẩn cấp” tạm dừng thực hiện giấy phép về đổ phế thải nạo vét.

Luật sư Trần Vũ Hải nói nếu đi đến khởi kiện, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững có thể phải thực hiện một số bước chuẩn bị “tốn kém”:

“Thứ nhất là họ chứng minh Bộ TN-MT thực sự chưa khảo sát, dự án tác động môi trường chưa có. Tức là họ đề nghị Bộ TN-MT mở hồ sơ về khu vực đấy, khu sinh thái đấy, nếu có. Hai là họ tự đi khảo sát. Theo tôi, tự đi khảo sát có thể là vấn đề tốn tiền. Và nếu ngư dân nói rằng đấy là khu vực đánh cá của họ, thì họ sẽ nói họ bị ảnh hưởng và đưa chứng minh bằng những nghiên cứu thế giới là khi đổ như thế thì bị ảnh hưởng như thế nào”.

Trong một cuộc họp báo hôm 25/7 được báo chí trong nước tường thuật lại, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, nói kể từ khi các nhà khoa học phản đối dự án đổ phế thải nạo vét kể trên, chính quyền Bình Thuận đã gửi nhiều kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương xem xét giải quyết “theo hướng mới”.

Ông Hòa nói một trong những phương án Bình Thuận đề xuất là dùng những chất được nạo vét để san lấp mặt bằng, hay đắp đê kè ở vùng biển bị xói lở, hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.

Tranh chấp từ giấy phép đổ bùn của Bộ Tài Nguyên Môi trường
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:35 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG