Đường dẫn truy cập

Một năm sau vụ bạo loạn Điện Capitol: Nhiều người Mỹ thấy nền dân chủ đang gặp nguy


Cảnh sát chống bạo động tuần tra gần trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ở thủ đô Washington hôm 18/9/2021 nhân một cuộc tập họp do các đồng minh của cựu Tổng thống Trump tổ chức.
Cảnh sát chống bạo động tuần tra gần trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ở thủ đô Washington hôm 18/9/2021 nhân một cuộc tập họp do các đồng minh của cựu Tổng thống Trump tổ chức.

Chỉ trong chốc lát, ngay sau cuộc tấn công vào Điện Capitol của nước Mỹ ngày 6/1 năm ngoái, có thể thấy rằng những sự kiện của ngày hôm ấy sẽ gây sốc cho nước Mỹ trở lại nền chính trị bình thường.

Trong những giờ phút sau khi đám đông bạo loạn, vốn được khuấy động bởi những cáo buộc sai lạc của cựu Tổng thống Donald Trump về gian lận bầu cử, được đẩy lùi khỏi Điện Capitol, có thể thấy rằng những cảnh tượng bạo động kinh hoàng tại toà nhà nơi chính phủ thực thi quyền hành sẽ khiến nước này đánh giá lại những gì được xem là khung cảnh chính trị chấp nhận được.

Có thể thấy là Lãnh đạo Khối Thiểu số ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell thuộc đảng Cộng hòa, đã đúng khi ông đến phòng họp Thượng viện tối hôm đó và tuyên bố rằng “Nền cộng hòa dân chủ của chúng ta vững mạnh.”

Tuy nhiên, trong những ngày tháng sau cuộc tấn công ấy, tinh thần lạc quan về tình hình dân chủ tại Mỹ ngày càng trở nên khó duy trì.

Những cuộc thăm dò chính trị cho thấy gần hai phần ba người dân Mỹ tin là nền dân chủ Mỹ “đang khủng hoảng và có nguy cơ thất bại.” Đáng báo động hơn, gần một phần ba người dân Mỹ hiện nay cho rằng bạo động chính trị đôi khi là một phản ứng có thể biện minh.

Áp lực chính trị

Trước những tuyên bố sai lầm lặp đi lặp lại của ông Trump rằng cuộc bầu cử gian lận, các giới chức cao cấp trong đảng Cộng hòa từng chỉ trích cuộc tấn công bạo loạn vào Điện Capitol thì im lặng, còn những người dung thứ hay thậm chí biện minh cho hành động của những kẻ bạo loạn lại lớn tiếng khoa trương.

Ngày nay, những cuộc thăm dò ý kiến công luận cho thấy đa số áp đảo những cử tri tự nhận là Cộng hòa tại Mỹ tin, dù có bằng chứng ngược lại, là kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 2020 là gian lận và rằng Tổng thống Joe Biden đắc cử không chính đáng.

Cuộc thăm dò gần đây nhất của Đại học Massachusetts cho thấy tỉ lệ người theo Cộng hòa tin là cuộc bầu cử gian lận chiếm 71%, tức khoảng 33 % dân số nước Mỹ.

Phản ứng của các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang theo Cộng hòa là có thể đoán được, theo bà Susan Stokes, giáo sư khoa học chính trị Đại học Chicago và giám đốc Trung tâm Dân chủ Chicago.

Bà nói với đài VOA “Một khi nền tảng bầu cử của bạn tin là cuộc bầu cử Tổng thống bị đánh cắp, thì bạn sẽ có một khu vực bầu cử rất mạnh thiên về việc thay đổi luật bầu cử.”

Các luật lệ bầu cử hạn chế

Tại cấp độ tiểu bang hồi năm ngoái, các cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát bắt đầu thông qua hàng loạt luật lệ bầu cử mới. Theo Trung tâm vì Công lý Brennan, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington, 19 tiểu bang đã thông qua 33 đạo luật hạn chế việc tiếp cận lá phiếu.

Những tiểu bang khác do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua những đạo luật được soạn ra để tước quyền quản trị bầu cử khỏi tay các tổng thư ký tiểu bang hay các giới chức bầu cử địa phương và đặt vào tay của các nhà lập pháp. Việc này đã xảy ra đặc biệt tại các nơi như Georgia và Arizona, là hai tiểu bang thiên về Cộng hòa nhưng đã bỏ phiếu cho ông Biden vào năm 2020.

Trong cả hai tiểu bang này, các giới chức bầu cử Cộng hòa xác nhận tính trung thực của kết quả bầu cử 2020 trước những tuyên bố sai lầm của ông Trump là cuộc bầu cử gian lận.

Hành động của các cơ quan lập pháp tiểu bang Cộng hòa có thể xoa dịu những quan ngại của một số trong cứ địa chính trị của họ về tính trung thực của kết quả bầu cử, nhưng việc này tạo thêm nghi ngờ ngày càng tăng trong số những người theo đảng Dân chủ.

Việc này đặc biệt cấp thời trong những tiểu bang như Georgia, Arizona, và Texas, nơi đảng Dân chủ đã cải thiện được cục diện bầu cử của họ trong những năm gần đây, nhưng đảng Cộng hòa vẫn còn kiểm soát cơ quan lập pháp tiểu bang. Những tiểu bang này đã thông qua những luật lệ mà Đảng Cộng hòa nói là những chỉnh sửa “hợp lý” cho tiến trình bầu cử, nhưng đảng Dân chủ cho rằng những luật lệ ấy nhằm hạn chế việc tiếp cận lá phiếu và làm suy yếu họ về phương diện chính trị.

Những thay đổi khác ở cấp tiểu bang

Không phải tất cả những thay đổi về luật lệ tiểu bang trong năm nay đều hạn chế quyền bầu cử. Tại nhiều tiểu bang, hầu hết do đảng Dân chủ kiểm soát, các luật mới được thông qua mở rộng việc tiếp cận phiếu bầu.

Những thay đổi này bao gồm gia tăng cơ hội cho các cử tri bỏ phiếu trước ngày bầu cử, tiếp cận nhiều hơn vào việc bỏ phiếu bằng thư, giản dị hóa những quy định ghi danh đi bầu, mở rộng việc sử dụng các thùng bỏ phiếu cho những ai bầu khiếm diện và cải thiện việc trợ giúp các cử tri mà ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh.

Dù các thay đổi này được các cử tri Dân chủ ủng hộ rộng rãi, nhưng hầu hết tất cả những biện pháp ấy đều bị những đảng viên chủ chốt của Cộng hòa chỉ trích là làm cho dễ gian lận bầu cử hơn—đứng đầu là ông Trump. Dù không có bằng chứng là gian lận đóng một vai trò quan trọng trong bất cứ cuộc bầu cử quốc gia nào trong lịch sử gần đây, những thay đổi này có phần chắc sẽ giúp củng cố lòng tin trong nhiều người trong đảng Cộng hòa rằng kết quả bầu cử tại những tiểu bang do đảng Dân chủ kiểm soát không thể tin cậy được.

‘Một vùng nguy hiểm’

“Chúng ta đang ở điểm mà có rất nhiều lý do cho cả hai bên để bác bỏ các kết quả bầu cử ở cấp độ quốc gia,” ông Seth Masket, giám đốc Trung Tâm Chính trị Mỹ tại Đại học Denver, nói.

“Đó là một vùng rất nguy hiểm, một vùng rất mong manh, để dân chủ tự hiện thân,” ông Masket nói với VOA. “Việc này làm cho những nước khác, những nền dân chủ khác, sụp đổ.”

Bà Stoke từ Đại học Chicago đồng ý rằng “kịch bản ác mộng” đối với nước Mỹ là kết cục, dù kết quả bầu cử Tổng thống có như thế nào, bị phần đông dân chúng đánh giá là không chỉ đáng thất vọng mà còn bất hợp pháp.

Đề cập đến dữ liệu thăm dò chứng tỏ ngày càng có nhiều người tin rằng bạo động chính trị có thể chấp nhận được, bà Stokes nói, “Chúng ta có nhiều người trong quần chúng nghĩ rằng bạo động có thể biện minh được, và một con số nhỏ hơn, chắn chắn sẽ hành động như vậy. Tuy nhiên không cần có nhiều người như thế để dẫn tới một tình huống cực kỳ bạo động, và có thể là một tình huống xung đột nội bộ vũ trang.”

Tiếng nói lạc quan

“Tôi nghĩ chúng ta nên quan tâm mỗi khi có những cuộc tấn công vào các hoạt động nội bộ của nền cộng hòa của chúng ta,” bà Mary Frances Berry, giáo sư sử học Đại học Pensyvania, luật sư, và là cựu chủ tịch Ủy ban Dân quyền Mỹ, nói. “Do đó, chúng ta đúng khi quan tâm, nhưng chúng ta không nên sợ hãi, hay quan ngại quá mức.”

Bà Berry nói với VOA rằng Mỹ đã đối mặt với các cuộc khủng hoảng dân chủ trong quá khứ và vẫn tồn tại. Mới nhất vào năm 2000, bà chỉ ra, chính đảng Dân chủ đã khăng khăng cho rằng cựu Tổng thống George W. Bush đắc cử bất hợp pháp.

Các nhà lập pháp Dân chủ, một số nay vẫn còn trong Quốc hội, lúc đó từng yêu cầu Phó Tổng thống Al Gore chớ xác nhận kết quả bầu cử tại Thượng viện. Đó là yêu cầu tương tự mà đám đông bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1 năm ngoái đưa ra với Phó Tổng thống Mike Pence.

Trong cả hai trường hợp, hai Phó Tổng thống vừa kể đã thực thi nhiệm vụ hiến pháp của mình và giám sát việc phê chuẩn kết quả bầu cử mà trong đó họ là phe thất cử.

“Chúng ta có trí nhớ ngắn ngủi,” bà Berry nói. “Nhưng nếu chúng ta nhớ rõ mọi chuyện, sẽ làm chúng ta bớt sợ hãi hơn.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG