Đường dẫn truy cập

Hội thảo về An ninh Biển Ðông tại Hoa Kỳ


Từ trái: Giám Đốc Chương Trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) Ernest Bower, Giám đốc và Chủ Tịch Ban Trung Quốc học thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) Boner Glaser, Tiến sĩ Trần Trường thủy, Giám Đốc Trun
Từ trái: Giám Đốc Chương Trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) Ernest Bower, Giám đốc và Chủ Tịch Ban Trung Quốc học thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) Boner Glaser, Tiến sĩ Trần Trường thủy, Giám Đốc Trun

Tranh chấp Biển Đông đang leo thang theo chiều hướng không thuận lợi và gây nhiều quan ngại đối với các quốc gia trực tiếp có liên quan tới cuộc tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này và cả các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Nhiều học giả và các nhà nghiên cứu có tiếng tăm cùng giới chức các nước đã tề tựu về thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, tham dự buổi hội thảo về an ninh Biển Đông. Đa số những người tham dự đều bày tỏ quan tâm về tình hình tranh chấp đang leo thang. Hoài Hương và Trà Mi của Ban Việt ngữ VOA ghi nhận vài điểm chính trong ngày khai mạc hội nghị hôm 20/6 tại trụ sở Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington.

Tại cuộc hội thảo được tổ chức trong hai ngày, 20 và 21 tháng Sáu, với sự tham dự của một số giới chức từ các nước quan tâm và nhiều chuyên gia quốc tế, bà Bonner Glaser, Giám đốc và Chủ Tịch Ban Trung Quốc học thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), đã điểm qua những sự cố mới đây tại Biển Đông và nêu lên những hành động mà bà cho là gây hấn rõ rệt của Trung Quốc.

Bà Bonner nói Việt Nam khẳng định vụ cắt giây cáp các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam xảy ra trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tức khu vực trước đây chưa hề bị tranh chấp.

Theo bà Bonner, những diễn tiến xảy ra tại Biển Đông có liên hệ tới các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nơi mà chủ nghĩa quốc gia đã đi hơi quá đà, đặt ra một thách thức cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh trong thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền hành cho một êkíp lãnh đạo mới.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên cứu các vấn đề Biển Đông, thuộc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, nhấn mạnh cần phải duy trì sự đoàn kết và nhất trí trong nội bộ ASEAN, cần có sự đầu tư của các thế lực bên ngoài, và Trung Quốc cần phải cải thiện hình ảnh và các quan hệ của nước này với các quốc gia khác trong khu vực. Ông Thủy cũng cho rằng cần có một cơ chế để giúp ổn định tình hình trong bối cảnh thỏa thuận về cách hành xử ở Biển Đông không ngăn chận được sự leo thang tranh chấp.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Đông Nam Á của Trường Đại Học New South Wales và Học Viện Quốc Phòng Australia, tin rằng vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa và không còn chỉ là mối quan tâm của các nước liên hệ trong cuộc tranh chấp.

Ông Thayer nói: “Nền an ninh của vùng Biển Ðông là một vấn đề quốc tế, không còn là một vấn đề địa phương chỉ tác động đến các nước tuyên bố nhận chủ quyền.”

Theo giáo sư Thayer, thỏa thuận về cách hành xử trong vùng Biển Đông vẫn chưa hoàn hảo vì thỏa thuận này không có tính ràng buộc pháp lý.

Giáo sư Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đề cao sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông trước tình hình căng thẳng hiện nay.

Ông Storey cho biết: “Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Ðông. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này sẽ giúp ngăn cản các hành động gây hấn nhưng dĩ nhiên Mỹ cần phải cẩn thận giữ mối quan hệ tốt với Trung Quốc.”

Sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Biển Đông cũng là điểm được nhiều người dự hội thảo nêu ra. Tỷ như thắc mắc về tuyên bố của Mỹ rằng Hoa Kỳ không theo phe nào trong cuộc tranh chấp tại khu vực trong khi gần đây đại sứ Mỹ tại Philippines lại nhấn mạnh rằng Washington hỗ trợ Manila kể cả trong vấn đề Biển Đông và quần đảo Trường Sa.

Trong khi đó, giáo sư Su Hao của trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh thì cho rằng Tây phương không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ ở Châu Á.

Phát biểu với Ban Việt Ngữ đài VOA, giáo sư Su Hao nói: “Những cái gọi là ‘quốc tế hóa’, ‘chủ quyền’, hay ‘luật quốc tế’ là những khái niệm, những định nghĩa của Tây phương và mang tính “cổ truyền” trong thời hiện đại này. Các nước phương Tây lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và họ vẫn muốn duy trì sự thống trị ở vùng Biển Đông tại Châu Á. Tuy nhiên, mọi việc trên thế giới ngày ngay đang vượt ra khỏi các khái niệm của phương Tây. Có lẽ trong tương lai chúng ta nên xét lại, bỏ vấn đề tranh chấp sang một bên và tạo nên ‘vùng biển hợp tác chung'".

Các diễn giả tại Hội thảo An ninh Biển Đông đều nêu bật tầm quan trọng của việc các bên tuyên bố nhận chủ quyền Biển Đông phải minh định tuyên bố chủ quyền của mình một cách rõ ràng, đặc biệt là Trung Quốc. Bà Bonner Glaser cho rằng Trung Quốc cần đáp ứng trước những quan ngại về khu vực họ nhận chủ quyền theo bản đồ được gọi nôm na là bản đồ chữ U, hay bản đồ “lưỡi bò” của Bắc Kinh.

Nhiều học giả tham dự hội nghị cho rằng Hoa Kỳ cần giữ một vai trò trong việc thương thuyết để tìm giải pháp cho tranh chấp tại Biển Đông mà trước tiên là Thượng viện Mỹ phải thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hành động này sẽ đặt Washington trong một vị thế hợp lý và thuận lợi hơn để có thể đóng một vai trò giúp ổn định tình hình tại Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG