Đường dẫn truy cập

Mỹ, EU, Trung Quốc muốn tạo ảnh hưởng tại Đông Âu


Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp của Hội đồng Toàn quốc các Công nhân Mỹ tại Phòng Roosevelt Tòa Bạch Ốc ngày 17/9/2018.
Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp của Hội đồng Toàn quốc các Công nhân Mỹ tại Phòng Roosevelt Tòa Bạch Ốc ngày 17/9/2018.

Tổng thống Donald Trump ngày 17/9 xác nhận sự ủng hộ của Washington đối với hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh nhằm thúc đẩy việc nối kết với Đông Âu và cải thiện các mối quan hệ giữa vùng này với Hoa Kỳ cũng như Liên hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên phương Tây không phải chỉ là đối tác chính yếu duy nhất trong vùng. Một ít lâu sau khi Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jean-Claude Juncker và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đến Bucharest để dự Diễn đàn Sáng kiến Kinh doanh Ba Biển, Thủ tướng Romania Viorica Dancila gặp một giới chức cao cấp của Trung Quốc, nói rằng Romania muốn xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc và thu hút nhiều đầu tư của nước này.

Thời điểm chuyến viếng thăm của bà Thẩm Dược Dược, một giới chức cao cấp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, có thể gây ra quan ngại trong khung cảnh của một trong những hội nghị thượng đỉnh lớn nhất Romania tổ chức trong những năm gần đây. Tuy nhiên việc này cho thấy cách mà Romania và các nước láng giềng sử dụng đòn bẩy vùng này để thu hút những thỏa thuận tốt nhất cho phần kém phát triển nhất của khối này. Đó cũng là điều EU đang quan sát một cách chặt chẽ.

Nhà phân tích khu vực, Radu Magdin, nói các quốc gia Trung và Tây Âu “đủ bạo dạn để biết họ muốn gì và cũng tự nhận thức đủ để sử dụng sự cạnh tranh của các cường quốc nhằm có lợi cho họ.” Ông nói Hungary thích nghi để chơi “nhiều trò chơi liên hệ đến EU, một số giới bảo thủ tại Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc và Nga.”

Romania có truyền thống quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc kể từ kỷ nguyên cộng sản, nhưng thất bại trong việc lợi dụng những lời hứa của Trung Quốc như xây dựng một mạng lưới đường ray, ông Magdin nói. Hậu quả là Trung Quốc giao dịch nhiều hơn với Hungary, Serbia và Ukraine.

Đưa ra chủ đề cho hội nghị thượng đỉnh “Đẩy mạnh sự hợp tác châu Âu và Xuyên Đại Tây Dương,” ngày 17/9, ông Trump gởi thư cho Tổng thống Klaus Iohannis nói rằng 12 thành viên của Sáng kiến Ba Biển có thể mở rộng hạ tầng cơ sở, nối kết kinh doanh, củng cố an ninh năng lượng và giảm bớt rào cản thương mại.

Ông Trump viết “Hoa Kỳ vẫn hãnh diện là một đối tác trong những nỗ lực …trong vùng chiến lược quan trọng này.”

Hội nghị thượng đỉnh Bucharest diễn ra 2 tháng sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu ở Sofia, thủ đô Bulgaria, tại hội nghị thượng đỉnh “16+1” lần thứ 7 trong đó các nước hy vọng thu hút được đầu tư được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ.

Ông Magdin nói “Mọi người đều chú trọng đến những sáng kiến cạnh tranh vùng, nhưng Brussels quan ngại nhiều nhất vì có nguy cơ lớn lao về một EU bị chia rẽ giữa Đông và Tây Âu. Ông nói thêm là EU có thể ra luật cấm những đầu tư quan trọng không thuộc các nước EU trong tương lai.

Trong khi đó tại Bucharest, ông Juncker, ông Perry và Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic cùng các nguyên thủ quốc gia khác thảo luận khoảng 40 dự án được chính phủ chấp thuận nhằm đẩy mạnh sự liên kết vùng về giao thông, năng lượng và lĩnh vực kỹ thuật số.

Cùng với các nhà lãnh đạo này là các giới chức và các chủ ngân hàng thuộc Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng châu Âu về Tái thiết và Phát triển và Ngân hàng Thế giới.

Sáng kiến Ba Biển là sự hợp tác các các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu nằm giữa Biển Adriatic, Biển Baltic và Biển Đen.

Áo là nước thành viên duy nhất không phải là quốc gia cộng sản trước đây.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức vào năm 2016.

Ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh thứ hai năm 2017 tại Warsaw, Balan.

VOA Express

XS
SM
MD
LG