Đường dẫn truy cập

Mùa Xuân Vĩnh Cửu


Học viên Pháp Luân Công tọa thiền. Hình minh họa.
Học viên Pháp Luân Công tọa thiền. Hình minh họa.

Những chuyện buồn đối với Pháp Luân Công, hay những phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Trung Quốc, tại Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng hay Đài Loan, đối kháng với thành phần lãnh đạo Bắc Kinh tại Trung Quốc, thì không bút mực nào tả hết.

Nơi tôi ở đang là mùa xuân lạnh lẽo, buốt giá. Cái lạnh ở đây không phải vì nhiệt độ. Thỉnh thoảng nó mới xuống 0 độ, hoặc vài độ âm. Không thấm gì so với những nơi lạnh lẽo khác. Nhưng cái lạnh đến từ khí trời, và gió, cho tôi có cảm tưởng nó thấm từ trong ra ngoài.

Năm nay mùa đông đã làm gia tăng số người bệnh Covid và bệnh cảm cúm đến độ bệnh viện và khâu khẩn cấp nơi tôi ở không đủ khả năng để đối phó.

Dù sao chỉ còn một tuần nữa thì mùa đông chấm dứt, và mùa xuân lại đến. Xuân đến, khí hậu mát mẽ dễ chịu hơn. Hoa mộc lan, hoa anh đào, và bao nhiêu loại hoa khác, kể cả không phải cây hoa, cũng sẽ trổ hoa. Cũng cho ra hương phấn, và kết nhuỵ, thành hoa quả.

Xuân đến, rồi xuân đi. Hạ đến rồi hạ đi. Thu đến rồi thu đi. Đông đến rồi đông đi. Sự tuần hoàn của giòng thời gian. Của trái đất. Của vũ trụ.

Thế sao lại gọi “Mùa xuân vĩnh cửu!”? (Eternal Spring)

Đây là bộ phim rất đặc biệt, về nội dung, hình thức và kỹ thuật thực hiện. Bộ phim xoay quanh nhân vật Daxiong, một họa sĩ người Hoa từng theo Pháp Luân Công (Falun Gong or Falun Dafa). Daxiong đã từng vẽ cho các phim Disney như Justice League, Star Wars.

Pháp Luân Công, được hình thành đầu thập niên 1990, và đến năm 1999 thì được nhiều người theo và vang tiếng khắp thế giới. Ước đoán có đến 70 triệu tín đồ. Từ giữa thập niên 1990 trở đi, Đảng Cộng Sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân lúc đó, cảm thấy Pháp Luân Công trở thành mối đe dọa vì: một, số lượng người theo; hai, tính độc lập; và ba, triết lý dạy mang tính tôn giáo. Không thể để Pháp Luân Công ngày càng ảnh hưởng và đe dọa, ĐCSTQ bắt đầu tung những chiêu độc hại với giáo phái này, gọi là tà giáo (evil cult), và dùng mọi phương tiện truyền thông nhà nước, và tuyên truyền, để bôi nhọ đả phá và kết tội Pháp Luân Công. Ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10 ngàn tín đồ Pháp Luân Công biểu tình trong im lặng gần tòa nhà chính quyền Bắc Kinh. Sau đó họ bị liệt kê là tà giáo, là gây xáo trộn ổn định và trật tự xã hội, và bị cấm hoạt động hoàn toàn. Từ giữa năm 1999 trở đi, nhà nước Trung Quốc bắt đầu mở những cuộc bắt bớ, đàn áp thẳng tay với những người biểu tình hay những ai lên tiếng bênh vực Pháp Luân Công.

Một nhóm tín đồ Pháp Luân Công, đa số trẻ, cảm thấy bất công và bất mãn. Những gì họ thực tập chủ yếu là sự chân thật, lòng trắc ẩn và tính kiên nhẫn (hay chân, thiện và nhẫn), nhưng nhà nước thì bẻ cong sự thật này. Nhóm này, và tất nhiên nhiều tín đồ khác, đều thấy những tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc thuần túy một chiều và bóp méo. Do đó mục đích của nhóm Pháp Luân Công trẻ này là chỉ muốn trình bày cho người dân biết những gì người ta không hoàn toàn nghe hay thấy trên truyền thông nhà nước hay không gian công cộng. Ban đầu, họ sử dụng nhiều hình thức rất sáng tạo, như bỏ truyền đơn của Pháp Luân Công vào trong bong bóng bay rồi thả ra, bay lên các nóc nhà cư dân. Khi cảnh sát hay nhân viên công quyền đục thủng bong bóng thì truyền đơn tung bay khắp nơi. Dần dần, họ thực hiện các phim ảnh dạng CD để phổ biến theo mạng lưới cá nhân. Nhưng số người tiếp cận cũng giới hạn. Sau đó, táo bạo hơn, họ muốn đột nhập vào những phương tiện truyền thông nhà nước để phát hình từ những đài này. Thế là họ họp mặt nhau kín đáo, vạch ra kế hoạch, và quyết tâm tiến hành.

Ngày 5 tháng 3 năm 2002 là kế hoạch lớn xảy ra. Trước đó cũng có từng chiếm đoạt vài đài ngắn hạn. Ngày hôm đó nhóm này chiếm đoạt (hijack) cùng lúc tám kênh có 300.000 người đăng ký cáp trong thành phố Changchun để phát hai video có tên “Tự thiêu hay đánh lừa?” và “Pháp Luân Công truyền bá trên toàn thế giới” vào giờ cao điểm 7:15 tối. Trong lúc thực hiện thì bị khám phá. Có người bị bắt ngay lúc đó. Thật ra trước đó, người chủ mưu và thủ lãnh của nhóm, Liang Zhenxing, đã bị an ninh bắt. Nhưng dù bị tra tấn dã man, anh đã quyết tâm không khai, để không bị ảnh hưởng đến kế hoạch hành động của nhóm.

Sau sự kiện này, cảnh sát và an ninh Trung Quốc đã truy lùng và bắt nhốt khoảng 2.000 người, mặc dầu chỉ có 18 người liên quan trực tiếp đến kế hoạch này. Một vài người đã bị hành hạ và chết trong tù vài ngày sau đó. Liang bị biệt giam và tra tấn liên tục nhưng kiên trì không khai và không nhận tội. Anh chết vào tháng 5 năm 2010, 46 tuổi.

Những nhân vật đầy khẳng khái khác như Big Truck, có tên nệm như thế vì dáng người vạm vỡ, cũng bị hành hạ và chết trong tù không lâu sau đó. Mr White là nhân vật quan trọng trong kế hoạch này, người duy nhất may mắn sống sốt và hiện đang sống ở Seoul, Nam Hàn. Người cô của một người hoạt động trong nhóm này đã bị án 20 năm tù, nghĩa là năm nay được trả tự do.

Trước sự kiện này xảy ra, những người theo Pháp Luân Công tuy đã bị đàn áp và trù dập nặng nề, nhưng sau sự kiện này họ còn bị sách nhiễu khủng bố liên tục. Daxiong là một trong những người này. Anh phải tìm cách lánh nạn và bỏ nước ra đi vào năm 2002. Anh theo Pháp Luân Công, nhưng không tán thành kế hoạch chiếm đoạt đài và phát sóng như thế để rồi mọi thành viên khác đều bị ảnh hưởng. Cho đến khi anh đi nghiên cứu tìm hiểu từng nhân vật trong câu chuyện, vẽ từng nét mặt, cử chỉ, phong thái, và tính cách của họ, anh hiểu được họ nhiều hơn.

Từ hình vẽ của Daxiong, cuộn phim tài liệu này được dựng thành phim hoạt hình ba chiều, 3D Animation. Cách dựng phim và đạo diễn của Jason Loftus rất mới lạ. Có những lúc nói chuyện với nhân vật còn sống thì như phim tài liệu, trong đó nhân vật được phỏng vấn. Đa số phần phim còn lại được tái tạo câu chuyện xảy ra, đặc biệt với những nhân vật không còn nữa, bằng hoạt hình. Bằng hoạt hình nhưng rất sống động, tạo cảm giác như đang xem phim thật, nhân vật thật. Bộ phim đã thành công trong việc phát họa ra tính cách riêng của từng nhân vật trong đó.

Cái khí tiết của Liang, của Big Truck, của Mr White, của những người có niềm tin mãnh liệt và không hề sợ hãi, dù đe dọa bóng tối và bạo lực luôn bao trùm họ, đã làm cho tất cả những người xem phim ngưỡng mộ, truyền cảm hứng và cảm động vì họ đã dám hy sinh cho những gì cao cả.

Trong lúc thời tiết khắc nghiệt nhất của mùa đông buốt giá, vẫn có nơi hoa nở. Mùa hoa mận (plum blossom or Meihua) tượng tưng cho ý nghĩa rằng ngay cả khi gặp khó khăn hay đau khổ, mùa xuân sẽ không còn lâu lắm; mùa xuân rồi sẽ đến. Nó cho ta hy vọng. Những tinh thần bất khuất của Liang, Big Truck hay bao lòng dũng cảm khác là hy vọng cho sự đổi mới sẽ đến. Đây là lời chia sẻ của Jason Loftus, đạo diễn bộ phim tài liệu Eternal Spring, Mùa xuân Vĩnh Cửu, được trình chiếu năm nay, đánh dấu 20 năm sự kiện trên đã xảy ra. Chỉ trong vòng vài tháng, tuy bộ phim chỉ được chiếu rất giới hạn tại một số rạp chiếu phim chọn lọc, những người phê bình phim đã đánh giá rất cao về phim này. Phim này cho đến đã đoạt được nhiều giảithưởng.

Những chuyện buồn đối với Pháp Luân Công, hay những phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Trung Quốc, tại Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng hay Đài Loan, đối kháng với thành phần lãnh đạo Bắc Kinh tại Trung Quốc, thì không bút mực nào tả hết. Dù sao coi xong phim này, nó cũng cho tôi niềm tin mãnh liệt rằng ở đâu cũng có những người thật can trường. Không dễ gì bẻ gây họ. Họ luôn là tấm gương sáng truyền cảm hứng cho chúng ta.
Tôi cũng mong rằng một ngày nào đó, những câu chuyện của Việt Nam, những nhân vật đã đi vào lịch sử, tuy không thành công mà đã thành nhân, sẽ được dựng lại trên màn ảnh để thế hệ hôm nay và mai sau biết sự thật về họ. Không phải những dối trá từ chế độ cầm quyền hiện nay hay bất cứ thế lực chính trị nào muốn bẻ cong sự thật.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG