Đường dẫn truy cập

Lưu luyến chia tay


Lưu luyến chia tay
Lưu luyến chia tay

Nói lời chia tay không bao giờ là điều dễ dàng, nhưng Bích Huyền ước mong cuộc chia tay giữa chúng ta trong chương trình cuối cùng này chỉ là sự ngọt ngào, thân ái và yên bình.

Phù vân du tử ý
Lạc nhật cố nhân tình
Xin tạm dịch “Ý của người đi như áng mây nổi, tình của người ở lại như mặt trời lặn.”
Trong chương trình Thơ Nhạc cuối cùng của đài VOA đêm nay, Bích Huyền xin gửi đến quý vị và các bạn một vài ca khúc, vần thơ nói về những cuộc chia tay…


Hình như trong kho tàng thơ và nhạc Việt Nam, những câu thơ hay nhất, những bản tình ca đẹp nhất thường là những câu thơ buồn, và là những bản tình ca buồn.

Tại sao lại như thế? Bởi vì tình đẹp nên buồn hay vì tình buồn nên đẹp?

Có thể cả hai ý nghĩa, mà cũng có thể đúng có thể sai. Chúng ta chỉ biết rằng trong những nỗi buồn của con người có lẽ nỗi buồn thương yêu nhau, quý mến nhau mà phải xa nhau, không còn được gần nhau nữa là đớn đau và sâu nặng nhất.

Chia ly cũng thấp thoáng trong những bản tình ca của Tô Vũ, nhưng rõ nét nhất có lẽ là bài hát Tạ Từ. Vâng, Tạ Từ của Tô Vũ là một cuộc chia ly nhưng toàn thể ca khúc lại toát ra một vẻ gì đó giống như một bài kinh cầu nguyện. Mỗi hình ảnh được nhắc tới tựa như dấu vết của hạnh phúc, của ước mơ được thắp sáng và trở thành chính đối tượng của lời cầu nguyện.

Tình yêu như thế vừa có vẻ là vật hiến dâng, vừa là ân sủng được thừa hưởng. Nó có thể mất, có thể còn. Nhưng mất hay còn thì cũng vẫn ở quanh ta, trong cõi trần thế này, và vì chúng ta vẫn còn ở trong trần thế này nên nó không thể mất hẳn. Cho nên, dù có đau thương, mỗi tiếng hát vẫn là một lời ngợi ca hạnh phúc…

Ngày ấy đã xa
nhưng thanh âm còn ngân vang trong trí tưởng
Tiếng chuông của ngôi cổ tự
Rót đầy thinh không
Và trên lối chúng ta đi
Hương thơm còn để lại


Tại sao Bích Huyền lại gửi đến quý vị và các bạn bài hát Tạ Từ? Thưa quý vị và các bạn, vì đây là câu chuyện Thơ Nhạc cuối cùng của Bích Huyền với đài VOA.

Nhớ lại quãng thời gian mười sáu năm về trước, Bích Huyền nhận lời đề nghị của anh Nguyễn Văn để phụ trách ch/trình Thơ Nhạc–mà sau này anh Dương Ngọc Hoán thường giới thiệu là «Câu chuyện Thơ Nhạc»- 16 năm mà như mới đó thôi, thoáng qua như một giấc mộng. Chính trong quãng thời gian này, Bích Huyền nhận được những quan tâm, và đồng cảm của thính giả trong nước qua những lá thư mà ngày đó còn viết tay, phải gửi qua đường bưu điện, và tiền cước phí đối với hoàn cảnh đất nước thời gian đó không phải là nhỏ nhưng mọi người đã cùng chung góp để gửi đến chương trình «Câu chuyện TN».

Yêu thương là món quà vô giá mà ai cũng muốn nhận và ai cũng có thể ban tặng cho nhau. Niềm yêu thương quý giá đó đã mang nhiều ấm áp, khích lệ Bích Huyền rất nhiều. Cho nên bao nhiêu lời cảm ơn cũng không thể đủ.

Vâng, người ta có thể trả nợ dễ dàng. Nhưng trả ơn, nhiều khi rất khó. Nhất là khi ơn mình đã mang, đã được hưởng ơn, đến từ tấm lòng người cho.

Mỗi lần nghĩ đến tình yêu thương ấy, trong khả năng nhỏ nhoi của mình, Bích Huyền cố gắng biên soạn chương trình sao cho mỗi ngày một thêm khởi sắc…

Mười sáu năm qua, biết bao tình.

Văn học nghệ thuật là những gì Bích Huyền yêu thích từ thời đi học, cho nên những năm tháng qua Bích Huyền đã say mê biên soạn và thực hiện. Mỗi đoạn văn trong cuốn sách, cuốn tạp chí, những bài hát, lời thơ... khi Bích Huyền ngồi trước microphone trình bày, như là những tiếng nói đang thầm thì về một hình bóng đã xa, gợi nhớ nhiều đến ngày tháng cũ. Gần một ngàn những chương trình Thơ Nhạc, Bích Huyền để hết tâm hồn chăm chút mỗi tuần, chính là nơi gửi gấm kỷ niệm thương yêu của chính mình. Những ký ức thật xa của một thời mộng mơ lãng mạn, một thuở biết yêu được yêu, một thời hạnh phúc và cả một thời đớn đau trong giông bão của lịch sử dân tộc.

Công việc Bích Huyền làm hàng ngày cho VOA, cho một số đài phát thanh khác vừa là mưu sinh, vừa như làm văn nghệ. Thế cho nên việc biên soạn và thực hiện những chương trình trên các làn sóng là một cách bày tỏ thương yêu và trân trọng với thính giả. Bích Huyền mơ ước được thính giả yêu thương gần gũi, và đã đạt được ước mơ ấy với số thư thính giả mỗi ngày một nhiều, nhất là từ hơn mười năm qua có internet.

Đó là diễm phúc Bích Huyền nhận được.

Từ trên cái nền của những chương trình văn học nghệ thuật ấy, Bích Huyền gửi vào trong đó những tình cảm, về cuộc sống, về con người, về cái sống và cái chết, về người thân, về tình yêu đôi lứa, về quê hương, đồng loại, về lòng nhân ái, về nỗi bao dung, về sự đau khổ, về hạnh phúc, về ý nghĩa của hai chữ "cho" và "nhận"... để hướng lòng mình về nơi chân thiện mỹ, để sống những tháng ngày còn lại sao cho đời sống nhẹ nhàng hơn.

Tất cả rồi sẽ trôi qua. Chỉ có kỷ niệm là còn ở lại.

Bích Huyền đang sắp nói lời từ giã quý vị và các bạn.

Nói lời chia tay không bao giờ là điều dễ dàng, nhưng Bích Huyền ước mong cuộc chia tay giữa chúng ta trong chương trình cuối cùng này chỉ là sự ngọt ngào, thân ái và yên bình.

Rồi đây có một lúc nào đó, chúng ta chỉ thoáng thấy nhau trong một giấc mơ nào. Những giấc mơ hình như bao giờ cũng phảng phất hương hoa ngọc lan trên những hè phố Hà Nội hay phất phới lá me bay trên những con đường Sài Gòn đầy nhạc và thơ…

Hãy khép mắt… khép mắt thật khẽ
Có thấy chúng ta rơi vào giấc ngủ sâu vào những giấc mơ
Hương hoàng lan lẫn mái tóc người yêu

***
Mai tôi đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau


Nghe tiếp Thu Hà hát Biệt Ly của Doãn Mẫn, các bạn nhé!

Vâng, «biệt ly nhớ nhung từ đây», trong nỗi ngậm ngùi ấy, Bích Huyền xin được nói lời quen thuộc «lưu luyến chia tay», xin cảm ơn quý anh chị em đồng nghiệp Ban Việt ngữ đài VOA và xin chúc quý vị và các bạn mọi điều an lành.

Quý thính giả tại Việt Nam muốn tiếp tục nghe Bích Huyền nói về thơ nhạc, xin mời nghe vào mỗi tối chủ nhật từ 8:30 đến 9g tối (giờ Việt Nam) trên làn sóng trung bình 1503 ký lô chu kỳ trong chương trình Một Thoáng Hương Xưa của đài Chân Trời Mới.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG