Đường dẫn truy cập

Lựa Chọn và Nghịch Lý của Lựa Chọn (phần 2)


Quan sát của Barry và lập luận của có vẻ như mới mẻ và thú vị. Tuy nhiên, trước khi bạn quyết định chuyển từ một người ủng hộ tự do lựa chọn sang một kẻ ủng hộ việc cấm đoán, hãy thử nhìn lại xem những quan sát của Barry thực ra là gì?

Ông nêu ra tới 4 điểm tuy nhiên điểm thứ 3 về cơ bản là trùng với điểm thứ 1. Điểm thứ 2 thì mang tính võ đoán nhiều hơn là một quan sát thực nghiệm. Hơn nữa nó dựa trên giả định là khi người ta chọn thì họ so sánh từng lựa chọn thay thế với kỳ vọng mà họ có trong đầu, chứ không phải họ so sánh giữa các lựa chọn thay thế với nhau. Giả định này mặc dù khá thú vị nhưng lại không có cơ sở, và đương nhiên không được kinh tế học ủng hộ. Điểm thứ 4 thì không ăn nhập gì cả vì nó không nói được là trong trường hợp có nhiều lựa chọn thay thế thì làm người ta khó chọn hơn hay là dễ chọn hơn.

Tóm lại Barry chỉ có mỗi một điểm là “nhiều lựa chọn thay thế làm người ta phải hối tiếc/tự trách mình nhiều hơn khi chọn sai”. Nhưng yếu tố này chỉ xảy ra khi giả định rằng người ta có mắc sai lầm trong lựa chọn. Vậy khi nào thì người ta có thể mắc sai lầm? Có hai trường hợp:
  1. Người ta có thể mắc sai lầm trong tính toán. Kinh tế học gọi yếu tố này là “trembling hand effect” – hiệu ứng bàn tay run.
  2. Experience Goods – hàng hóa thể nghiệm: Người ta không thể biết (hoặc không thể biết chắc chắn) được bản chất thực sự của các lựa chọn thay thế. Bản chất này chỉ có thể phát hiện ra khi đã sử dụng. Thí dụ bản chất thật của vợ/chồng nhiều khi chỉ bộc lộ sau khi đã kết hôn. Vì thế, nhiều khi anh em làm đám cưới rồi mới phát hiện ra người đẹp thực ra là một giống quỷ cái, hoặc chị em nhiều khi cưới xong mới phát hiện chồng mình hóa ra là một tay sở khanh.
Thế nhưng ngay cả khi người ta có trembling hand effect hoặc gặp phải experience goods, vẫn không có cơ sở nào để nói là người ta sẽ kém vui hơn. Đúng là có mỗi một lựa chọn thì chẳng có trembling hand effect, cũng chẳng có vấn đề với experience goods, thế nhưng có nhiều hơn 1 để chọn thì không đương nhiên là người ta sẽ kém vui đi. Để tôi nêu ra một thí dụ đơn giản để các bạn hiểu: Trong trường hợp 1, tôi cho bạn 1 cây bút trị giá 2 USD. Trong trường hợp 2, tôi cho bạn chọn giữa 2 cây bút, một cây 1 USD và một cây 3 USD. Giả sử bạn biết cây nào trị giá 3 USD, tuy nhiên lúc đó bạn đã hơi liêng biêng sau một chầu nhậu rồi nên bạn gặp hiệu ứng bàn tay run. Giả sử với xác suất 0,1 bạn sẽ chọn nhầm. Vậy giá trị kỳ vọng mà bạn có trong trường hợp 2 là bao nhiêu? Giá trị đó là 2,8 USD. Như thế, rõ ràng bạn sẽ thích trường hợp 2 hơn, mặc dù có trembling hand effect.

Trong ví dụ trên, tôi đã chọn con số sao cho có lợi cho lập luận của tôi. Bạn có thể đổi con số và giả định trường hợp 2 tôi cho bạn chọn giữa một cây bút 2 USD và một cây 1 USD. Với có trembling hand effect thì bạn sẽ bị thiệt ở trường hợp 2 vì giá trị kỳ vọng giảm chỉ còn 1.9. Tuy nhiên, ví dụ này không khác gì là giả sử rằng ở trường hợp 1 thì bạn chỉ có 1 lựa chọn là người tuyệt vời nhất hành tinh để làm người yêu, và ở trường hợp 2, bạn có khoảng hơn 3 tỉ người để chọn, dĩ nhiên là không có ai tuyệt vời hơn cô gái trong trường hợp một. Tôi cho ví dụ này là một ví dụ ngớ ngẩn để biện minh cho chuyện ít lựa chọn thì tốt hơn là nhiều. Tuy nhiên, vẫn có những người tin vào thứ triết lý rởm đời đời này.

Một trong số những nhóm ủng hộ này là các nhà độc tài khắp nơi trên thế giới. Khi họ cho rằng họ là các lãnh đạo tài ba nhất của đất nước thì việc đó đương nhiên dẫn tới kết luận rằng không cần có những ứng viên khác cho vị trí lãnh đạo quốc gia. Có thêm các ứng viên khác không làm tăng khả năng chọn các lãnh đạo tốt nhất mà có thể giảm đi khi công chúng có hiệu ứng trembling hand effect.

Có một điểm rất quan trọng trong vấn đề lựa chọn mà Barry không nói được là vấn đề chi phí khi lựa chọn. Đây là chi phí thực tế khi thực hiện lựa chọn và nó khác xa với khái niệm chi phí cơ hội trong lập luận của Barry. Bạn mất nhiều chi phí khi bạn phải so sánh các lựa chọn thay thế trong một choice set quá rộng. Chi phí hiển nhiên là bạn sẽ mất thời gian. Ngoài ra nhiều khi bạn có thể còn phải tổn phí nhiều thứ khác, ngay cả tiền bạc (ví dụ bạn phải trả tiền mua tin tức về các đối tác tiềm năng trong kinh doanh để có thể so sánh họ với nhau).

Nếu chi phí để so sánh các lựa chọn thay thế quá cao thì đôi khi bạn không khá khẩm hơn ngay cả khi choice set được nới rộng. Tuy nhiên, thứ nhất là cho dù bạn có thể không khá hơn, việc mở rộng choice set chắc chắn không làm bạn tồi đi. Lý do tại sao? Tại vì bạn luôn luôn có thể giới hạn choice set của bạn cho nhỏ lại tùy ý. Thí dụ, thay vì phải quan tâm chọn 1 trong 100 lựa chọn khác nhau, bạn có thể đơn giản và không tốn kém gì khi gạch khỏi choice set này 90 lựa chọn thay thế và chỉ giữ lại 10 lựa chọn thay thế nếu bạn muốn làm như vậy. Và thứ hai, rất hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa từng có, khi nào chi phí tìm kiếm lại cao tới mức làm bạn không thể khá lên được.
(còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG