Đường dẫn truy cập

Liên hiệp quốc kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền


Cao ủy trưởng nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet, tại lễ kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Cao ủy trưởng nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet, tại lễ kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Ngày 10/12, Liên hiệp quốc kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đây là dịp để nhấn mạnh đến nhiều đột phá quan trọng của tài liệu cột mốc này của Liên hiệp quốc và cũng nhắc nhở thế giới là nhân quyền của hàng triệu người vẫn đang bị vi phạm hàng ngày.

Nhờ bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và các quốc gia cam kết tôn trọng những nguyên tác của tuyên ngôn, phẩm giá của hàng triệu người được nâng cao, những thống khổ không được nói ra của con người được ngăn chặn và nền tảng của một thế giới công bằng được tạo dựng.

Bà Michelle Bachlet, Cao ủy trưởng nhân quyền Liên hiệp quốc, trong một thông cáo được công bố ngày 5/12 nói Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền từ một “hiệp ước nguyện vọng” đã trở thành một bộ tiêu chuẩn “lan tỏa ra mọi lãnh vực trong luật quốc tế.”

Tuyên ngôn cho thấy sự thích ứng ngày hôm nay cũng như mãi mãi về sau, và có thể áp dụng vào những tình hình và kịch bản có thể không được thấy trước như lúc khởi đầu, như là sự cần thiết quản lý trí tuệ nhân tạo và thế giới kỹ thuật số, và chống lại hậu quả của biến đổi khí hậu đối với con người .

Bà Bachelet nói lý tưởng nhân quyền được thiết lập trong Tuyên ngôn là một trong những ý kiến tiến bộ mang tính xây dựng nhất trong lịch sử loài người và là một trong những ý tưởng thành công nhất.

Bà Bachelet nêu rõ phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo tài liệu này. Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt là người đứng đầu ủy ban soạn thảo và phụ nữ từ Đan Mạch, Pakistan, khối Cộng sản và những nước khác trên toàn thế giới cũng góp phần quan trọng. Kết quả là tài liệu này không có những lời lẽ kỳ thị giới tính, hầu hết đề cập đến “mọi người,” “tất cả” hay “không ai” trong toàn bộ 30 Điều.

Kỷ niệm tính kiên cường của hệ thống nhân quyền và sự đóng góp của Tuyên ngôn trong việc đẩy mạnh tiến bộ của con người, hòa bình và phát triển, một toán các chuyên gia độc lập được Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc bổ nhiệm, trong tuyên bố đưa ra ngày 7/12 đã phản ánh nhận xét của bà Bachelet, nói rằng “sự bảo vệ do hệ thống nhân quyền quốc tế tạo ra đã gia tăng bằng cách giải quyết những vấn đề nhân quyền mới và đang nổi lên và chứng tỏ khả năng tiến hóa cũng như đáp ứng với nhu cầu và kỳ vọng của mọi người.”

Tuy nhiên các chuyên gia cũng nêu chi tiết một số vụ vi phạm luật pháp quốc tế và phẩm giá con người xảy ra hàng ngày tại nhiều nước.

Các chuyên gia này cũng nói sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại được thấy tại nhiều nước có người tị nạn, vào thời điểm những vụ di dân gia tăng “đang đảo ngược những thành tựu của hợp tác nhân quyền quốc tế trong 70 năm qua.

Năm nay kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Liên hiệp quốc chuẩn nhận vào ngày 10/12/1948.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được dịch ra 500 thứ tiếng, đặt căn bản trên nguyên tắc “mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền.” Nguyên tắc này vẫn thích ứng đối với mỗi người, mỗi ngày.

Kỷ niệm 70 năm tài liệu có ảnh hưởng đặc biệt này, và để ngăn ngừa những nguyên tắc thiết yếu của tuyên ngôn bị xói mòn, Liên hiệp quốc thúc đẩy mọi người ở mọi nơi “Đứng lên vì nhân quyền”: www.standup4humanrights.org.

(Nguồn UN News/ohchr.org)

VOA Express

XS
SM
MD
LG