Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Quốc cảnh báo chiến tranh ở Ukraine có thể khiến giá lương thực tăng 20%


Một cánh đồng lúa mì gần làng Hrebeni thuộc vùng Kyiv, Ukraine (ảnh tư liệu, tháng 7/2020).
Một cánh đồng lúa mì gần làng Hrebeni thuộc vùng Kyiv, Ukraine (ảnh tư liệu, tháng 7/2020).

Cơ quan chuyên trách lương thực của Liên Hiệp Quốc nói rằng giá lương thực và thực phẩm quốc tế có thể tăng từ 8% đến 20% do cuộc xung đột ở Ukraine, làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn cầu.

Trong một đánh giá sơ bộ về việc Nga xâm lược nước láng giềng, Tổ chức Nông lương (FAO) cho biết không rõ Ukraine có thể thu hoạch mùa màng trong khi diễn ra xung đột kéo dài hay không, bên cạnh đó, FAO cũng không chắc chắn về hoạt động xuất khẩu lương thực của Nga.

FAO cho biết Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine là nước lớn thứ năm. Tính chung, hai nước này chiếm 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

Nga cũng là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu phân bón.

"Khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của hai nước xuất khẩu chủ yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn nhiều", Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu nói trong một tuyên bố.

Chỉ số giá lương thực của FAO đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2 và dường như sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những tháng tới khi hậu quả của cuộc xung đột lan tỏa khắp thế giới.

FAO cho biết từ 20% đến 30% các cánh đồng được sử dụng để trồng ngũ cốc mùa đông, ngô và hướng dương ở Ukraine sẽ không được gieo trồng hoặc sẽ không được thu hoạch trong suốt vụ mùa 2022-23, đồng thời cho biết thêm xuất khẩu của Nga có thể bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.

FAO cho biết 50 quốc gia, bao gồm nhiều quốc gia kém phát triển nhất, phụ thuộc vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì từ 30% trở lên, khiến họ đặc biệt dễ phải chịu tác hại.

FAO tiên liệu: “Số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu có thể tăng thêm từ 8 đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022-23”. FAO nói thêm rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tiếp đến là vùng cận Sahara ở châu Phi có thể sẽ có mức tăng rõ rệt nhất.

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG