Đường dẫn truy cập

LHQ tiến gần tới nghị quyết về vũ khí hóa học của Syria


Các nhà ngoại giao thảo luận về dự thảo nghị quyết đối với Syria
Các nhà ngoại giao thảo luận về dự thảo nghị quyết đối với Syria
Các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ năm đã tiến gần hơn tới chỗ đưa ra nghị quyết đầu tiên về Syria sau khi Hoa Kỳ và Nga đạt được thỏa thuận về cách thức Damascus giao kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế giám sát.

Chỉ trong vòng hơn hai tuần, các cuộc thương thuyết cấp tập giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ đã đưa Hội đồng Bảo an gần tới một bước đột phá.

Dưới sự thúc đẩy của cảm giác cấp bách vì vụ tấn công bằng hơi độc hôm 21/8 mà Hoa Kỳ nói đã giết chết hơn 1.400 người gần Damascus, các nhà ngoại giao đã đạt đồng thuận về một dự thảo nghị quyết mà họ nói rằng sẽ dẫn tới các hậu quả thực sự cho chính phủ của ông Bashar al-Assad nếu ông không tuân thủ.

Tối hôm thứ Năm, Nga và Mỹ đã đệ trình lên toàn thể 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an dự thảo đó.

Đại sứ Mỹ Samantha Power cho biết 98% thế giới cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là điều không thể chấp nhận được:

“Tối nay Hội đồng đã thảo luận dự thảo nghị quyết để duy trì tiêu chuẩn hành xử quốc tế bằng cách áp đặt các nghĩa vụ đối với Syria, đối với chính phủ nước này, để buộc họ phải xóa bỏ chương trình vũ khí hóa học. Nghị quyết này sẽ yêu cầu phải phá hủy một trong những loại vũ khí mà chính phủ Syria đã sử dụng một cách tàn nhẫn và liên tục đối với chính người dân nước mình. Và nghị quyết này sẽ làm rõ là sẽ có các hậu quả nếu không tuân thủ”.

Bà Power cho biết nghị quyết sẽ giúp đáp ứng mục tiêu của Mỹ là loại bỏ vũ khí hóa học của Syria.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói thỏa thuận đạt được phần lớn là nhờ các nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, là những người đã thương lượng với nhau để có được bản dự thảo cuối cùng.

Ông Churkin nói nghị quyết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho công việc của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW), cơ quan sẽ giám sát việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

“Chúng tôi tin rằng đó là điều thực tế và mạnh mẽ nhằm hỗ trợ nỗ lực xóa bỏ vũ khí hóa học ở Syria”.

Các nhà ngoại giao cho biết việc bỏ phiếu đối với dự thảo có thể diễn ra sớm nhất là tối thứ Sáu sau khi Ban chấp hành của OPCW thông qua một kế hoạch giải giới. Kế hoạch này sẽ được đưa vào phần phụ đính của nghị quyết.

Hội đồng Bảo an lần đầu tiên tuyên bố trong một nghị quyết rằng việc sử dụng vũ khí hóa học ở bất cứ nơi nào đều cấu thành một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Hội đồng cũng lên án vụ tấn công hôm 21/8 và cấm Syria sử dụng, sản xuất hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hóa học.

Nếu Syria không hoàn toàn tuân thủ với OPCW và Liên Hiệp Quốc theo các điều khoản của nghị quyết, hội đồng sẽ tìm cách áp đặt các biện pháp theo chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tức điều khoản quy định các biện pháp trừng phạt và hành động quân sự.

Đại sứ Anh Mark Lyall Grant cho biết ông hy vọng Tổng thống Assad nghe được thông điệp mà hội đồng phát đi.

“Nếu Tổng thống Assad cảm thấy rằng ông có thể nấp sau một số thành viên của Hội đồng Bảo an bởi vì không có sự đồng thuận trong Hội đồng Bảo an, thì bây giờ ông ấy cần phải suy nghĩ lại”.

Trước đây, Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn 3 nghị quyết kêu gọi có hành động chống lại Syria.

Dự thảo này cũng nhắm tới mục tiêu đưa chính phủ Syria và phe đối lập tiến gần hơn tới bàn đàm phán.

Đại sứ Anh cho biết, sau khi nghị quyết về vũ khí hóa học được thông qua, Anh sẽ thúc đẩy hết sức để hội đồng phải hành động để cải thiện việc đưa phẩm vật cứu trợ tới các khu vực mà cho tới nay vẫn khó đến.

Cuộc khủng hoảng ở Syria đã làm hơn 100.000 người thiệt mạng và khiến hơn 2 triệu người phải đi tị nạn ở nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG