Đường dẫn truy cập

LHQ: 3,7 triệu trẻ em tị nạn không được tới trường


Trẻ em Syria ở trại tị nạn Azraq, gần thành phố Al Azraq, Jordan, ngày 9/9/2016.
Trẻ em Syria ở trại tị nạn Azraq, gần thành phố Al Azraq, Jordan, ngày 9/9/2016.

Báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 15/9 cho biết 3,7 triệu trẻ em tị nạn có tên trong hồ sơ theo dõi của cơ quan quốc tế này không được cắp sách đến trường.

Bản báo cáo cho biết khi các cuộc xung đột vũ trang và bất ổn chính trị khiến người dân phải trốn chạy khỏi đất nước của họ để tìm đường lánh nạn, thì trẻ em phải rời bỏ không chỉ quê hương của các em, mà trong rất nhiều trường hợp là cả trường lớp nữa, và trở nên thất học.

Tình trạng này càng tồi tệ hơn khi trẻ em lớn lên và tỷ lệ thất học ở tuổi phổ thông cơ sở là 50% và ở trung học là 22%. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, chỉ có 1% người tị nạn vào dc đại học so với 34% trong dân số toàn cầu.

Trưởng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, ông Filippo Grandi, nói công tác giáo dục cho người tị nạn hoàn toàn bị lãng quên. Thách thức đối với việc đưa giáo dục tới người tị nạn càng trở nên khó khăn hơn khi số người tị nạn ngày càng tăng lên trong khi ngân quỹ thì ngày càng thiếu hụt.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, số trẻ em ở độ tuổi đến trường tăng 30% trong năm 2014, điều đó có nghĩa là phải cần thêm 20.000 giáo viên. Các nước tiếp nhận người tị nạn trong nhiều trường hợp đang phải vật lộn để cung cấp những dịch vụ cơ bản cho người tị nạn và cũng phải tìm ra nơi để tổ chức các lớp học cũng như cung ứng nhu yếu phẩm. Thông thường các em học sinh bị tụt lại sau trong các chương trình học sau khi mất một vài năm không đến trường và không nói được ngôn ngữ địa phương.

Người tị nạn từ Syria hiện là một trọng tâm chú ý của thế giới bởi cuộc xung đột ở đó đã kéo dài 6 năm qua, và các nước láng giềng từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước châu Âu đã buộc phải tìm cách đối phó với làn sóng người trốn chạy khỏi đất nước này vì chiến tranh.

Liên Hiệp Quốc nói có khoảng 1,7 triệu người tị nạn Syria cần được tới trường nhưng hơn một nửa trong số đó đang thất học.

Tổ chức này đã kêu gọi các nhà tài trợ toàn cầu đóng góp 4,54 tỷ đô la trong năm nay để cứu trợ người tị nạn Syria. Tài trợ cho giáo dục chiếm tới 662 triệu đô la và cho tới tháng 6, Liên Hiệp Quốc mới nhận được 39% của tổng số tiền mà tổ chức này kêu gọi.

Năm 2015, chương trình này đã nhận được phần lớn ngân quỹ hỗ trợ trong 2 tháng cuối năm, và Liên Hiệp Quốc nói điều này làm cho các quốc gia tiếp nhận người tị nạn không thể lập các kế hoạch hiệu quả lâu dài cho việc học hành của trẻ em tị nạn.

Bản báo cáo công bố hôm 15/9 của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nhà cấp viện cam kết có thể dự báo trước trong nhiều năm để giúp những nước đó lập kế hoạch tốt hơn. Liên Hiệp Quốc cũng thúc giục các chính phủ tiếp nhận người tị nạn đưa họ vào hệ thống giáo dục quốc gia thay vì vào các trường học bổ sung không được giám sát hoặc không được chứng nhận.

Bản báo cáo cũng nêu bật những lợi ích tổng thể của việc giáo dục vì nó giúp các em tránh nạn bóc lộc lao động trẻ em và bị bắt vào cầm súng cho các nhóm vũ trang.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG