Đường dẫn truy cập

Gia tăng quan hệ song phương Mỹ-Lào, đối trọng với Trung Quốc


Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Clinton (phải) và Ngoại trưởng Sisoulith là cuộc họp cấp cao nhất giữa hai quốc gia kể từ thời chiến tranh Việt Nam
Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Clinton (phải) và Ngoại trưởng Sisoulith là cuộc họp cấp cao nhất giữa hai quốc gia kể từ thời chiến tranh Việt Nam

Các nhà phân tích thời cuộc trong vùng đã hoan nghênh hành động của Hoa Kỳ nhắm gia tăng hợp tác song phương với Lào. Hành động này được xem là một lực đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong vùng. Theo thông tín viên Ron Corben từ Bangkok tường trình thì sự cải thiện trong hợp tác song phương đã được đề cập đến trong các cuộc thảo luận tại Washington trong tuần này ở cấp cao nhất kể từ thời chiến tranh Việt nam.

Chủ đề gia tăng hợp tác song phương giữa Lào và Hoa Kỳ đã dược đề cập đến trong các cuộc thảo luận tại Washington trong tuần này, 6 năm sau khi cả hai quốc gia đã thiết lập quan hệ thương mại bình thường cũng như các quan hệ ngoại giao mật thiết hơn.

Các cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith là cuộc họp cấp cao nhất giữa hai quốc gia kể từ thời chiến tranh Việt Nam.

Cả hai quốc gia đã cam kết sẽ gia tăng quan hệ thương mại, đồng ý mở một hiệp định hàng không để cho phép nước này được tiếp cận với các đường bay của nước kia và theo trông đợi sẽ gia tăng ngành du lịch cho nước Lào.

Giáo sư Pradumna, giảng dậy tại trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore, đã hoan nghênh những động thái đã diễn ra vào lúc mà Singapore và 10 quốc gia trong Hiệp Hội các Quốc gia Đông nam Á (ASEAN) đang trông chờ sự can dự của Hoa Kỳ nhiều hơn vào vùng này. Ông nhận định:

“Đây là một hành động được hết sức hoan nghênh và chắc chắn là nó sẽ thăng tiến được vai trò của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và trong khu vực. Singapore vẫn đang đề nghị thành lập khối ASEAN cộng 8. Đó là một khối mới gồm ASEAN và bao gồm cả Hoa Kỳ và Nga, để đón nhận thêm sự can dự của Hoa Kỳ. Singapore rất nhất quán với ý kiến này.”

Phân tích gia về quốc phòng tại Australia, giáo sư Carl Thayer, nói rằng những hành động này phản ánh những bước đi của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ can dự trở lại với châu Á để trở thành một lực đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng.

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm nước Lào trong tháng trước, đưa ra những lời hứa hẹn về những quỹ đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng của Lào hầu giúp gia tăng mức chuyển vận hàng hóa của Trung Quốc trong khu vực.

Giáo sư Thayer nói rằng Tổng thống Obama đã tiếp tục những sáng kiến được đưa ra từ thời của Tổng thống George W. Bush và sẽ hành động như một lực đối trọng với những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhắm gia tăng ảnh hưởng tại châu Á. Ông nói :

“Chính quyền Obama đang suy xét lại mối quan hệ với Đông Nam Á và một phần của chuyện này rõ ràng là để đối trọng với những gì mà Trung Quốc đang gặt hái được tại đó tính cho đến nay. Và người ta thấy là quan hệ giữa nước Lào với Trung Quốc đang gia tăng.”

Giáo sư Thayer nói rằng sự gia tăng hợp tác của Hoa Kỳ với Lào diễn ra sau những sáng kiến mới đây của Hoa Kỳ nhắm gia tăng mối quan hệ song phương với Kampuchea.

Lào đã sẵn có một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Hai nước cũng đã trao đổi tùy viên quân sự để cải thện quan hệ quốc phòng.

Việt Nam cũng đóng một vai trò trong việc khuyến khích Lào gia tăng quan hệ với Hoa Kỳ sau khi Trung Quốc viện trợ quân sự cho Campuchia. giáo sư Carl Thayer giải thích thêm:

“Trung Quốc gia tăng viện trợ quân sự cho Kampuchea khiến Việt Nam lo ngại, và tôi cho đó là một phần trong việc cả Lào và Hoa Kỳ đồng ý nâng mối quan hệ của họ lên tầm mức cao hơn. Quan hệ giữa hai quốc gia này chưa cao lắm và Việt Nam thực sư đang khuyến khích hai nước vì Việt Nam không thể tự đứng ra hỗ trợ cho Lào.”

Hoa Kỳ vẫn đang trợ giúp cho Lào thu dọn những bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh Việt Nam vẫn gây thương tật và giết hại các nạn nhân, 35 năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều vụ oanh tạc các mục tiêu tại Lào trong cuộc chiến.

Bang giao giữa hai quốc gia từng có lúc căng thẳng vì lề lối chính phủ Lào đối xử với người sắc tộc Hmong, những người đã chiến đấu bên cạnh các lực lượng Hoa Kỳ trong thời chiến tranh. Sau đó hàng ngàn người Hmong đã tái định cư tại Hoa Kỳ, nhiều người trong số này đến từ các trại tỵ nạn ở bên trong Thái Lan, quốc gia láng giềng với Lào.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG