Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 55 năm ngày tù binh Mỹ đầu tiên bị Việt Cộng sát hại


Năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một dự luật đặt tên bưu điện tại số 201 B Street in Perryville, Arkansas, theo tên trung sĩ Harold George Bennett, tù binh Hoa Kỳ đầu tiên bị sát hại trong chiến tranh Việt Nam năm 1965. Photo Google Maps and Military Times.
Năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một dự luật đặt tên bưu điện tại số 201 B Street in Perryville, Arkansas, theo tên trung sĩ Harold George Bennett, tù binh Hoa Kỳ đầu tiên bị sát hại trong chiến tranh Việt Nam năm 1965. Photo Google Maps and Military Times.

Cách nay 55 năm, cái chết bi thảm của cố vấn Mỹ Harold Bennett mà Việt Cộng nói là để “trả thù” cho biệt động quân Trần Văn Đang bị Việt Nam Cộng Hòa xử tử đã khiến chính giới Hoa Kỳ càng quyết liệt hơn trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tại Việt Nam.

Người dân Mỹ cũng khó thể quên tội ác mà họ gọi là “khủng bố” “mạng đền mạng” khi một bưu điện ở bang Arkansas của Hoa Kỳ được mang tên của trung sĩ Harold Bennett, binh sĩ Mỹ đầu tiên bị Việt Cộng sát hại trong chiến tranh Việt Nam.

Gia nhập Biệt động quân Hoa Kỳ năm 1963, và một năm sau đó, ông Bennett sang Việt Nam làm cố vấn cho tiểu đoàn 33 Biệt động quân của Việt Nam Cộng Hòa. Trong trận Bình Giã ở tỉnh Tuy Phước vào tháng 12/1964, ông và hai cố vấn Mỹ khác bị mất tích.

Trang POWNetwork cho biết: “Ngày 24/06/1965 Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam tuyên bố trên đài Phát thanh Hà Nội rằng ông Bennett đã bị bắn chết vào ngày 24/06/1965 để trả thù cho việc Việt Nam Cộng Hòa xử tử biệt động quân Trần Văn Đang.”

Trang Valor vinh danh Harold George Bennett, tù binh Mỹ đầu tiên bị Việt Cộng sát hại năm 1965. Photo Military Times.
Trang Valor vinh danh Harold George Bennett, tù binh Mỹ đầu tiên bị Việt Cộng sát hại năm 1965. Photo Military Times.

Chính sự hành quyết ông Bennett cùng với sự kiện Việt Cộng tấn công nhà hàng Mỹ Cảnh ở Sài Gòn ngày 25/06/1965 làm 42 người chết, trong đó có 13 người Mỹ, cho nên ngày 26/06/1965, Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn đề nghị Washington hãy đáp trả Hà Nội mạnh hơn bằng cách “ngay lập tức” ném bom Hà Nội và Hải Phòng.

Bức điện gửi Washington có đoạn: “Thông báo [của Hà Nội] cũng nói rõ rằng Trung sĩ Bennett đã bị xử tử theo mệnh lệnh của Hà Nội dưới danh nghĩa của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, và dường như không có bất kỳ lý do nào để xét xử ông ấy.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngay sau đó đã lên án về cái chết của ông Bennett, gọi đó là “một hành vi giết người bừa bãi,” trong khi đặc công Việt Cộng Trần Văn Đang được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa ra tòa xử công khai tội “khủng bố.”

Nhà nghiên cứu Võ Trung Tín ở California, cựu binh của một tiểu đoàn nhảy dù của Việt Nam Cộng Hòa, nói với VOA rằng các cố vấn Mỹ bị bắt trong trận Bình Giã bị đưa vào khu bí mật để phục vụ cho các âm mưu “bêu xấu” hoặc “trả thù” của phía Việt Cộng.

“Bị bắt làm tù binh có 3 người: 2 ông của tiểu đoàn 4 Thủy quân Lục chiến và 1 ông của tiểu đoàn 33 Biệt động quân. 3 người cố vấn Mỹ này bị bắt và dự trù một tháng sau sẽ bị đem ra diễu hành bêu xấu. Các cố vấn Mỹ bị bắt và bị đưa đi đâu thì không biết được.”

Ông Võ Trung Tín đánh giá cao vai trò của các cố vấn Mỹ trong trận Bình Giã khi họ sát cánh cùng các tiểu đoàn Dù và Thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa để yểm trợ cho lực lượng mỏng và yếu tại địa phương.

Hai cố vấn khác cùng bị bắt là ông Charles Crafts, được phóng thích ba năm sau đó, và ông Donald Cook, chết trong tù vào năm 1967 vì bị sốt rét.

Truyền thông Mỹ trích dẫn tuyên bố của Hà Nội tố cáo ông Bennett: “Một kẻ xâm lược người Mỹ đã phạm nhiều tội ác với người dân miền Nam Việt Nam” và tuyên bố rằng cái chết của ông dùng để “cảnh báo những kẻ xâm lược Hoa Kỳ và tay sai của chúng đã có những hành động hết sức man rợ rằng những kẻ giết người phải đền nợ máu.”

Sau này, tại Hội nghị Paris vào tháng 01/1973, chính phủ Cách Mạng Lâm thời Miền Nam công bố một danh sách tù nhân chết khi bị giam giữ cho phía Mỹ, trong đó có tên ông Harold Bennett, chết vào tháng 06/1965, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cho đến nay, hài cốt của ông Bennett vẫn chưa được tìm thấy.

Truyền thông Việt Nam ca ngợi chiến thắng Bình Giã với phương pháp “tác chiến của bộ đội chủ lực, đặc biệt là nghệ thuật đánh điểm, diệt viện”, đánh dấu sự thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Vào năm 2006, gia đình ông Bennett vinh dự được trao tặng huy chương Bảo vệ Quốc gia, Huân chương Chiến công Việt Nam, Huân chương Chiến binh, Huân chương Ứng xử hay và Qủa cảm của Quân đội Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Blanche Lincoln đã truy tặng Huân chương Ngôi sao Bạc cho liệt sĩ Harold Bennett vào năm 2010. Và vào năm 2016, Bưu điện Perryville được đặt tên để vinh danh ông Harold Bennett.

Gia đình của Harold Bennett tại lễ đặt tên bưu điện ở Perryville, Arkansas. Photo Arkansas Online.
Gia đình của Harold Bennett tại lễ đặt tên bưu điện ở Perryville, Arkansas. Photo Arkansas Online.

Ông Dick Bennett, em trai của ông Harold Bennett, nói với đài THV rằng cái chết của người anh sau hơn 179 ngày đêm bị Việt Cộng bắt giữ “cho thấy anh ấy phục vụ tổ quốc đến hơi thở cuối cùng sau những nỗ lực vượt tù bất thành.”

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mất của ông Bennett, cựu binh Terry Markman viết trên Twitter: “Trung sĩ Harold Bennett là tù binh Mỹ đầu tiên trong Chiến tranh Việt Nam đã bị xử tử khi đang bị giam cầm, và anh ấy đã phải đương đầu với những kẻ bắt giữ anh ấy cho đến ngày họ giết chết anh.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG