Đường dẫn truy cập

Khó thi hành Bộ qui tắc ứng xử Biển Đông


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu với báo chí sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của ASEAN kết thúc tại Manila,ngày 29/4/2017.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu với báo chí sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của ASEAN kết thúc tại Manila,ngày 29/4/2017.

Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc nên bắt đầu bằng một “thỏa thuận danh dự” về vấn đề Biển Đông vì không có cơ chế nào để thi hành bất cứ thỏa thuận nào về mặt pháp lý, Ngoại trưởng Philippines tuyên bố ngày 19/5.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc ngày 18/5 đã hoàn tất dự thảo khung để thương lượng về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông, dù có hoài nghi rằng Trung Quốc không tuân hành các luật lệ hạn chế tham vọng hàng hải của họ.

Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông từ lâu muốn Trung Quốc ký một bộ qui tắc có tính cách ràng buộc pháp lý và thực thi được. Hiện chưa rõ điều này có được đề cập đến trong khung dự thảo hay không vì nội dung chi tiết chưa được công bố.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano hạ giảm tầm quan trọng của một thỏa thuận có tính ràng buộc về phương diện pháp lý.

“Nếu đó là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý, các bên có thể đưa ra tòa án nào? Và những quốc gia không tuân thủ, liệu họ có tôn trọng phán quyết của tòa án đó hay không?” ông Cayetano nêu vấn đề.

Ông nói: “Hãy bắt đầu bằng thỏa thuận danh dự có tính cách ràng buộc. Chúng ta có một cộng đồng các nước ký bản thỏa thuận này.”

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền hầu hết Biển Đông, hải lộ với khoảng 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền ở đây.

Năm ngoái, Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, quyết định vô việu hóa bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc trong một vụ kiện về ranh giới biển mà chính phủ trước của Philippines đệ nạp năm 2013.

Một bộ qui tắc ứng xử là mục tiêu chính yếu của Tuyên bố Ứng xử năm 2002, mà phần lớn tuyên bố này đã bị Trung Quốc phớt lờ, đặc biệt là cam kết không chiếm hay lấy đất lấn biển những vùng không có người ở.

Trung Quốc đã lấp cát trên các vĩa san hô để xây dựng 7 đảo nằm trong quần đảo Trường Sa. Mọi việc chưa hoàn tất và ba bãi đá đã bị Trung Quốc biến thành căn cứ tiền phương, theo nhận xét của các chuyên gia.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 19/5 mô tả các đảo nhân tạo này như là một “loại tiền đồn.”

Khung qui tắc ứng xử có thể bao gồm một đường dây nóng 24/24 và thúc đẩy các giới chức quốc phòng tìm cách thuân thủ qui tắc, ông Chee Wee Kiong thuộc Bộ Ngoại giao Singapore cho biết hôm 18/5.

Một số nhà ngoại giao lo ngại là việc Trung Quốc bất chợt quan tâm đến việc hoàn tất bộ quy tắc có thể là một chiến lược mua thời gian giúp Trung Quốc kết thúc các hoạt động xây dựng.

Các chuyên gia nói Trung Quốc muốn làm ra vẻ như giao tiếp với ASEAN hay ràng buộc các nước đòi chủ quyền với một bộ qui tắc ứng xử ‘mềm’ hơn giữa lúc chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông chưa rõ ràng.

Một nhà ngoại giao ASEAN nói dự thảo cuối cùng không đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp nào hay chế tài những vi phạm, nhưng chú trọng hầu hết vào việc quản lý căng thẳng và xây dựng lòng tin.

“Chúng tôi rất thực tế và rõ ràng,” nguồn tin ẩn danh của Reuters cho biết. “Trước nhất chúng tôi muốn gặt hái những gì trong tầm tay. Nếu chúng tôi đi thẳng vào vấn đề tranh cãi, chúng tôi sẽ không đến nơi chúng tôi đang đứng hiện nay.”

Dự thảo khung là một tiến bộ, nhưng chúng ta cũng nên thực tế trong kỳ vọng của mình, ông Jay Batongbacal, một học giả Philippines và là một chuyên gia về Biển Đông, nhận xét.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG