Đường dẫn truy cập

HRW giục Thủ tướng Nhật nêu vấn đề nhân quyền khi tiếp Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc


Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) tiếp Chủ tịch nước Việt Nam tại Nhà khách Chính phủ, cung điện Akasaka ở Tokyo, Nhật, ngày 26/9/2022.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) tiếp Chủ tịch nước Việt Nam tại Nhà khách Chính phủ, cung điện Akasaka ở Tokyo, Nhật, ngày 26/9/2022.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở New York, Mỹ, vừa gửi thư đến Thủ tướng Nhật Fumio Kishida kêu gọi Toyko nêu vấn đề nhân quyền “tồi tệ” tại Việt Nam khi tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Tại Tokyo hôm 26/9, Thủ tướng Kishida vừa có cuộc gặp với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, người đang đến Nhật dự quốc tang của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, theo Reuters.

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) cho biết Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc ngoài việc dự quốc tang còn có cuộc hội đàm với Thủ tướng Kishida và các chính khách Nhật.

Bức thư của HRW gửi thủ tướng Nhật nói rằng xét thực tế Nhật hiện là quốc gia có nguồn tài trợ và hỗ trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam, “chúng tôi tin rằng chính phủ của Ngài có vị thế rất thuận lợi để thuyết phục Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền”.

Bà Kanae Doi, Giám đốc phụ trách Nhật của HRW, và bà Elaine Pearson, Giám đốc Ban Á châu của tổ chức này, viết trong thư đề ngày 20/9: “Chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế gắt gao các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp ôn hòa, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo”.

Bức thư chỉ ra thực trạng là “Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động”.

HRW cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị.

“Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng, bao gồm cả việc phê phán trên mạng xã hội, phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ tùy tiện và bỏ tù”, thư của HRW có đoạn.

Sau khi trình bày chi tiết các trường hợp vi phạm nhân quyền điển hình trong thời gian qua, HRW hối thúc Thủ tướng Nhật, cả trong các cuộc tiếp xúc riêng lẫn công khai, hãy kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện hàng loạt các biện pháp, trong đó có: phóng thích toàn bộ những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị; hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự 2015; chấm dứt việc tùy tiện hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động và những người phê phán chính quyền; cho phép xuất bản các tờ báo và tạp chí tư nhân, độc lập và không bị kiểm duyệt; cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lâp được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và có quyền tự quản.

VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về bức thư của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay một mực cho rằng nước này luôn đảm bảo quyền con người của mọi công dân được tôn trọng, và chỉ bắt giam, xét xử những ai “vi phạm phát luật”.

Hôm 22/9, trả lời câu hỏi của VOA về việc các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Liên Hiệp Quốc bác tư cách ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ 2023-2025, Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam”.

Bà Hằng nói thêm: “Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG