Đường dẫn truy cập

Hội Họp


Hội Họp
Hội Họp

Ba tôi tên Trịnh Chỉnh. Ông nội tôi tên Trịnh Nghiêm. Thành thử tôi có cái tên là Trịnh Hội âu cũng là điều dễ hiểu. Tôi nghe nói vì ngày xưa ba mẹ tôi gặp nhau trong một buổi họp mặt của các nhà giáo nên ông bà đã lấy chử Hội để đặt tên tôi làm kỷ niệm cho ngày mới quen nhau. Đôi khi tôi nghĩ cũng may là ông bà đã gặp nhau trong một buổi họp chứ không phải là một buổi tiệc để bây giờ có thể không chừng tôi đã trở thành Trịnh Tiệc!

Có lẽ cũng vì cái tên cúng cơm của tôi là Hội nên từ lúc ra trường đến giờ làm công việc gì tôi cũng phải thường xuyên hội họp. Lúc làm việc tỵ nạn thì phải thường họp với Cao Uỷ Tỵ Nạn, Bộ Ngoại Giao, Bộ Di Trú các nước và dĩ nhiên, những người tỵ nạn mà tôi đại diện giúp đỡ. Còn bây giờ thì tôi thường phải họp với những người dân làng và các nhân viên đang làm việc cho cơ quan tôi.

Hoặc tham dự những buổi hội thảo quốc tế chú trọng vào việc cung cấp nước dùng cho những vùng thôn quê trên khắp thế giới như trong tuần vừa qua tôi đã vừa họp mặt xong. Đến bây giờ tôi mới biết là nếu như ở các nước phát triển mức độ những người dân có nước sạch sử dụng (clean water coverage) là trên 99%, ở Á Châu là trên 80% (trong đó có Việt Nam) thì theo cơ quan UNICEF của Liên Hiệp Quốc cho biết ở Phi Châu con số này trung bình luôn ngập ngừng ở giữa hai con số 40% và 50%.

Bởi vấn đề quan trọng ở chỗ không phải chỉ cần đào thêm giếng để cung cấp nước sạch mà hơn thế nữa chúng ta phải làm thế nào để bảo quản những nguồn nước sạch đó. Vì chỉ riêng ở Phi Châu trung bình có khoảng từ 30% cho đến 40% giếng khoan không sử dụng được sau một thời gian hoạt động vì những lý do như đồ bơm nước bị hư không có người thay hoặc tiền thay, hoặc thay đổi thời tiết, v.v… Cũng theo kết quả điều tra và nghiên cứu của UNICEF mỗi năm có đến khoảng 1.2 triệu người (mà phần đông là trẻ em) không phải chết nếu như có nước sạch để uống.

1.2 triệu người. Mỗi năm. Đây là một con số không phải nhỏ, phải không bạn?

Cũng bởi vì 1.2 triệu người này mỗi năm đều chết ở những miền sâu, miền xa, chết trong thầm lặng nên ít có ai được biết và lương tâm chúng ta những người ở các nước phát triển không thường bị nhức nhối. Không như mỗi khi chúng ta thấy cảnh hoang tàn đổ nát, kẻ chết, người bị thương lúc có động đất hay gặp sóng thần và vì thế luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ.

Oái ăm là ở chỗ đó. Các bạn thử làm một bài toán nhẩm và tính lại xem nếu như cơn sóng thần lớn nhất thế kỷ vào năm 2005 đã giết độ khoảng 250 ngàn người ở Đông Nam Á và như thế mỗi năm trên khắp thế giới chúng ta phải trải qua khoảng độ 5 cái tsunami với từng ấy trẻ em phải chết thì chúng ta sẽ xử sự ra sao?

Chắc chắn là chúng ta sẽ không hờ hững như hiện tại.

Riêng đối với tôi sau một tuần tiếp xúc và học hỏi từ nhiều nguồn thông tin khác nhau và những cơ quan thiện nguyện hàng đầu trên thế giới chuyên về việc cung cấp nước sạch tôi đã nhận thức được rằng thật ra chúng ta, những người đang sống ở các quốc gia phát triển như Úc, Mỹ, Canada, Âu Châu cũng đang có những đóng góp rất thiết thực. Vì phần lớn số tiền cần phải có để cung cấp nước sạch ở Phi Châu hay một số nơi ở Châu Á đều đến từ tiền viện trợ hàng năm của các quốc gia mà chúng ta hiện đang sinh sống. Mà số tiền đó từ đâu ra nếu không phải là tiền của chính những người dân bản xứ mỗi năm phải đóng thuế bỏ vào như tôi và bạn.

Một lần nữa mong là bạn và tôi và con cái của chúng ta đều cảm thấy rằng chúng ta thật sự rất may mắn.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG