Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp y học: Đau bụng dưới, bên trái


Đau bụng dưới.
Đau bụng dưới.
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Kim Lê ở Việt Nam email đến câu hỏi như sau:

“Xin chào Bác sĩ,

Cho em hỏi em bị đau bụng dưới, bên trái, ngay đường mổ em bé mà nằm ngay bên trái. Đau âm ỉ,và lâu lâu nhói. Nay đã 4 tháng mà không hết. Mới đầu em tưởng về tử cung nhưng đi pap test và biopsy đều tốt, không có gì. Bây giờ đang chuyển sang bác sĩ ruột.

Xin hỏi Bác sĩ, có phải đau chỗ đó là đại tràng không? Em đi cầu thì bình thường. Khi ăn gì lạ thì sôi bụng, đi cầu hai lần và xì hơi nhiều. Em ăn uống bình thường. Em có đi thử máu, nước tiểu,siêu âm đều không có gì.

Chân thành cám ơn Bác sĩ.”
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:29 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Đau bụng dưới, sôi bụng và sình hơi.

Ở đây tôi chỉ bàn về chứng đau bụng góc dưới bên tay trái (left lower quadrant pain.) Đau vùng này có thể do nhiều nguyên nhân: bón, phân nghẹn ở ruột già, viêm các túi cùng ruột già (đại tràng), bệnh về buồng trứng (ovaries), ống dẫn trứng của đàn bà, u bướu tử cung (làm Pap smear, biopsy cỗ tử cung không phát hiện được một số u bướu tử cung, siêu âm có thể có ích); endometriosis (lạc nội mạc tử cung), thai ngoài tử cung; ở đàn ông có thể do bệnh tuyến tiền liệt, bệnh túi chứa tinh dịch (seminal vesicle); thoát vị ruột (hernia); bệnh liên quan đến niệu quản bên trái (niệu quản/ ureter là ống nối thận với bọng đái), ví dụ như sạn đi qua ống niệu quản có thể làm đau.

1) Bón (constipation) có nghĩa là đi cầu (đại tiện) 2 lần hoặc ít hơn mỗi tuần, đi cầu khó và phải rặn nhiều (excessive straining). Những người bón mạn tính có thể hay đau ở bụng dưới bên trái.

Đa số những trường hợp bón thông thường, phân ứ trong ruột già, làm đau bụng và không có triệu chứng toàn thân (systemic symptoms), cần để ý những biện pháp sau đây:

+ Ăn thức ăn có nhiều sợi xơ (fiber rich diet)(cần 10-12 gram fiber mỗi ngày, nếu cần thì uống những thuốc như metamucil).Ăn nhiều chất sợi hay dùng các thuốc tăng chất sợi có thể không có lợi và làm sình hơi nhiều hơn nếu là IBS (irritable bowel syndrome.)

+ Mỗi bửa ăn phải uống kèm theo 1-2 ly nước (nước lạnh, nước trà,) hoặc nước canh, nước phở.

+ Một số thuốc dễ gây bón, nhất là người già như là thuốc an thần, thuốc đau bụng sẽ làm giảm co thắt ruột nhưng cũng giảm nhu động ruột, gây bón; thuốc hạ huyết áp (ví dụ: calcium channel blockers), thuốc bổ có calcium và chất sắt (calcium and iron supplements), và thuốc lợi tiểu.

+ Xem nơi đi vệ sinh có thoải mái, ngồi ở thế thoải mái hay không, và người bệnh có thể đến phòng vệ sinh một cách dễ dàng, không cần phải nín lâu hay không (ví dụ vì đông người, không kín đáo, chủ nhân không cho công nhân dùng phòng tắm tự do.)

+ Uống thuốc xổ nhiều quá có thể lờn thuốc và gây bón.

+ Phụ nữ do sanh đẻ khó khăn có thể yếu những bắp thịt (cơ) vùng sàng xương chậu (pelvic floor dysfunction), u xơ tử cung lớn cũng có thể đè lên ruột già nằm phía sau tử cung và làm khó đi cầu.

+ Một số trái cây như đu đủ, trái kiwi (nhiều fiber),apricot, cherry, xoài, nho giúp cho đi cầu dễ dàng hơn.

+ Sau đây là những thuốc bán không cần toa ở Mỹ, bệnh nhân cần tham khảo với bác sĩ của mình):

(1) Tăng chất sợi (fiber supplements): Cám (Bran powder) (1-4 muỗng canh, 2 lần/ ngày.) Gạo lứt, bánh làm bằng cám cũng có thể cung cấp nhiều cám hơn.

(2) Psyllium: (metamucil); Methylcellulose (Citrucel.)

(3) Thuốc làm trơn phân (stool surfactant): docusate sodium (Colace.)

(4) Thuốc làm phân ướt và mềm: Magnesium hydroxide (Philip's Milk of magnesia); Polyethylene glycol (Miralax.)

(5) Thuốc kích thích ruột (stimulant laxatives, có thể làm đau quặn ruột): bisacodyl, cascara, senna (Senokot.)

2) Những người bị chứng “irritable bowel syndrome” (IBS hay còn gọi là "Hội chứng ruột nhạy cảm") hay đau không rõ rệt ở bên trái bụng dưới, cảm thấy cần đi cầu ngay sau khi ăn một số thức ăn "không hạp", sau đó thì hết đau, và sức khoẻ vẫn tốt như thường. Có thể sình bụng, trung tiện nhiều (flatus), khi tiêu chảy khi bón, và phân nhiều nhớt (mucus). Thường triệu chứng xuất hiện trên người trẻ (trên dưới 20). Nếu người trên 40-50 tuổi mà có triệu chứng đường ruột dột ngột xuất hiện, nhất là nếu có tiêu chảy về đêm, bón hay tiêu chảy nặng, sụt cân, sốt đi kèm theo đau bụng, phải đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân (như viêm ruột, ung thư, vv), không thể cho là "irritable bowel syndrome" được.

Chữa bệnh "hội chứng ruột nhạy cảm" (IBS):

+ Tránh ăn uống một số chất như đổ mỡ, cà phê.

+ Người hay sình bụng tiêu chảy: xem xét khả năng không chịu chất lactose trong sữa, hay những thức ăn làm từ sữa: bơ, kem, phó mát.

+ Thức ăn, bánh làm bằng bột mì.

+ Một số chất đường (carbohydrate) khó hấp thụ dễ làm sình bụng, tiêu chảy. fructose trong corn syrup (đường trích từ bắp),apples, pear, dưa hấu.

+ Chất fructan (fructose polymer) trong hành, asparagus, artichokes.

+ Chất sorbitol.

+ Chất raffinose (galactose+glucose+fructose) trong giá (brussels sprouts), bắp cải, lentils, legumes (đậu : peas, beans). Ruột người không tiêu hoá các chất đường này. Tuy nhiên các vi khuẩn trong ruột có enzyme alpha-GAL làm cách chất này lên men (fermentation), sinh ra khí methane, carbon dioxide và hydrogen khiến sình bụng và trung tiện ("xì hơi") nhiều.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho dùng thuốc để ruột bớt co thắt,bớt tiêu chảy (như loperamide, Imodium(R)), trị bón, vd: milk of magnesia), hay đôi khi dùng thuốc chống trầm cảm.

3) Viêm đại tràng (colitis), đa số viêm đại tràng làm tiêu chảy hơn là đi cầu khó khăn (bón.)

4) Một số bệnh nhân bị viêm túi cùng ruột già sigma ( acute sigmoid diverticulitis): đau bụng dưới bên trái, sốt nhẹ, đi cầu khó, bón. Bác sĩ chữa diverticulitis bằng thuốc kháng sinh, cho ăn thức ăn lỏng vài ngày thì bớt, thường uống thuốc 7 ngay- 2 tuần. Trường hợp nặng hơn, hoặc theo dõi sau khi bệnh viêm túi cùng nhẹ đã thuyên giảm do chữa bằng kháng sinh, bs cho đi soi ruột (colonoscopy), hoặc định bệnh hình ảnh(imaging) như CT (kỹ thuật số cắt lát) hay MRI (cọng hưởng từ trường), hay siêu âm, hay hiện nay ít dùng hơn bằng cách bơm chất barium (cản quang vào hậu môn) rồi chụp X quang. Có thể thấy các túi cùng, ruột già bị sưng, hoặc chỗ bị lũng, ap xe, và cũng để loại bỏ khả năng u bướu ruột già (colonic neoplasms.)

5) Do đó cần khám bs tổng quát cũng như bs phụ khoa nếu triệu chứng dai dẵng và không có định bệnh dứt khoát.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

********

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG