Đầu tuần này, một cuộc điều tra quốc tế xác định cả chính phủ Philippines lẫn phiến quân Hồi Giáo đều vi phạm thỏa thuận ngưng bắn sau một vụ đột kích vụng về của cảnh sát tại một thị trấn vùng quê miền nam Philippines làm 65 người thiệt mạng. Các nhà thương thuyết hòa bình của cả hai phía đều nói họ tôn trọng kết quả cuộc điều tra và vẫn tiếp tục tiến trình hòa đàm. Thông tín viên Simone Orendain của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Manila.
Trong một bản báo cáo tóm lược do uỷ ban hòa bình của chính phủ công bố, Toán Giám sát Quốc tế kết luận cảnh sát biệt động vi phạm các điều khoản ngưng bắn khi xông vào khu vực riêng của phiến quân mà không phối hợp trước với quân đội, cảnh sát trong khu vực và hai cơ cấu hỗn hợp có nhiệm vụ giám sát những vụ xung đột có thể xảy ra và giúp đưa thường dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Toán giám sát cũng phát giác một vài vụ vi phạm ngưng bắn khác của Lực lượng Hành động Đặc biệt.
Toán giám sát cũng cho rằng phiến quân Hồi Giáo vi phạm ngưng bắn khi họ vào khu vực giao tranh và giao chiến với lực lượng biệt động của cảnh sát sau khi bị bắn.
Cảnh sát thực hiện cuộc bố ráp để bắt hai nghi can khủng bố quốc tế tại thị trấn Mamasapano, một khu vực của phiến quân khi họ đụng độ với các nhóm phiến quân. Vụ xung đột kéo dài một ngày làm cho 44 biệt động cảnh sát, 17 chiến binh Mặt trận Hồi Giáo Giải phóng Moro MILF và 4 thường dân thiệt mạng.
Toán giám sát cũng đề nghị giới hữu trách truy tố các phiến quân, và biệt động cảnh sát về tội vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Trưởng đoàn thương thuyết của MILF ông Mohagher Iqbal nói tổ chức phiến quân này tôn trọng những kết luận và đề nghị trong báo cáo và cảm thấy “hài lòng với báo cáo.”
Vụ việc ngày 25 tháng 1 năm nay đã làm mất lòng tin của cả hai bên và gây nên nghi ngờ đối với việc thông qua Luật Căn bản Bangsamoro BBL để thành lập một vùng tự trị ở miền nam , nơi đa số dân là người Hồi Giáo.
Các nhà lập pháp đã nêu nghi vấn về tính hợp hiến của dự luật, nêu câu hỏi về một vài khía cạnh của văn kiện này căn cứ trên những gì đã xảy ra trong vụ đột kích. Hiện nay các nhà đàm phán đang thúc đẩy mạnh mẽ để làm sáng tỏ điều họ gọi là những thông tin sai lạc đang được loan truyền.
Trưởng đoàn thương thuyết của MILF, ông Iqbal nói dự luật này có 50-50 cơ may được thông qua.
“Tuy nhiên chúng tôi đang làm việc cật lực, đặc biệt là chính phủ, MILF, các tổ chức xã hội dân sự và mọi người đều nỗ lực làm việc. Do đó tôi nghĩ có nhiều cơ hội để thông qua BBL.”
Ông Iqbal nói các nhà thương thuyết đã tiếp xúc với cộng đồng quốc tế, các tổ chức kinh doanh, Công Giáo và Tin lành, quân đội và các tổ chức khác để tìm sự ủng hộ cho luật được thông qua. Ông nói đề nghị phải giữ nguyên vì một “văn bản yếu” không thể theo kịp những thỏa thuận đã được ký trong 17 năm qua, giải quyết nguyện vọng muốn tự trị của phe nổi dậy.
Chủ tịch uỷ ban hòa bình của chính phủ, bà Miriam Coronel-Ferre, nói việc thúc đẩy để luật được thông qua là tránh nhiệm chung đối với đất nước.
“Việc này đòi hỏi tất cả mọi người phải nhập cuộc và chu toàn nhiệm vụ của mình. Đối với cơ quan lập pháp, vai trò của họ là thông qua dự luật. Và đây là mối rủi ro mà MILF đã chấp nhận. Họ tiến vào đấu trường lập pháp này và giao tiếp với quốc hội để có được bộ luật nhằm thành lập một thực thể chính trị Bangsamoro, vì không có con đường nào khác.”
Các nhà thương thuyết hy vọng dự luật sẽ được lưỡng viện quốc hội thông qua vào tháng 6, đủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Một chính quyền chuyển tiếp sẽ giám sát việc thành lập một nghị viện cho khu vực tự trị. Các đại biểu tại nghị viện mới sẽ được bầu sau cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 5 năm 2016.