Đường dẫn truy cập

Hải Dương dỡ bỏ giãn cách, người dân vẫn còn khó khăn


Một cụ bà viếng chùa ở thành phố Chí Linh sau khi tỉnh Hải Dương dỡ bỏ 34 ngày phong tỏa, ngày 3/3/2021.
Một cụ bà viếng chùa ở thành phố Chí Linh sau khi tỉnh Hải Dương dỡ bỏ 34 ngày phong tỏa, ngày 3/3/2021.

Hải Dương vừa tháo bỏ lệnh giãn cách sau khoảng 1 tháng tiến hành phong toả nhiều khu vực và hạn chế người dân ra đường. Cư dân Hải Dương nay có thể tự do đi lại, cuộc sống vì thế cũng thoải mái, đỡ bức bối hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho biết không vì thế mà những khó khăn do đại dịch Covid gây ra giảm bớt đi.

Anh Hoàng Văn Nam, một người chuyên lái xe cho thuê ở huyện Gia Lộc, cho biết từ sau khi lệnh giãn cách được tháo bỏ đến nay anh hoàn toàn không có một người khách nào. Từ trước Tết Nguyên đán, do dịch bùng phát, anh vừa không có khách, vừa không thể đi lại. Do đó, suốt hơn tháng qua, gia đình anh hoàn toàn không có thu nhập. Ra Tết, một vài khách hàng quen muốn đi chỗ này chỗ kia, nhưng anh không thể có được 3 lần xét nghiệm âm tính với Covid theo yêu cầu của nhà chức trách do giá thành quá cao (700 nghìn đồng/lần xét nghiệm) và thời gian chờ đợi quá dài để có kết quả (nhanh nhất cỡ 1 tháng) nên anh đành từ chối. Hiện tại, gia đình anh chắt chiu hết mức có thể để tạm sống qua ngày.

“Năm nay lễ hội huỷ bỏ hết do Covid nên dù đã dỡ bỏ lệnh giãn cách nhưng cũng không có ai đi đâu cả. Mọi năm thì đây là mùa kiếm tiền của mình vì người ta đi chơi nhiều. Nhưng năm nay thì chịu rồi, đành tằn tiện làm sao gia đình mỗi ngày có được 2 bữa ăn là được rồi,” anh Nam than thở.

Cùng hoàn cảnh với gia đình anh Nam, chị Dương Thị Hồng, một cư dân khác tại huyện Gia Lộc, cho biết mấy người em trai trong gia đình chị kể từ khi dịch bùng phát trước Tết đến nay, chủ yếu ở nhà, không có việc làm. Trước đây, do hàng hóa không thể thông thương sang các tỉnh vì lệnh phong toả nên chẳng ai thuê mướn lao động. Giờ tình hình cũng không khá hơn.

“Bây giờ không có việc gì làm, ngủ muộn để đỡ tốn bữa sáng, rồi ăn trưa sớm, ăn chiều sớm, rồi đi ngủ thôi. Chứ ngày ăn 3 bữa như trước kia thì lấy đâu ra. Việc không có, thu nhập không thì đành chịu cảnh này chứ biết làm sao?” chị Hồng chia sẻ.

Tuy vậy, cũng theo chị Hồng, dù sao cuộc sống cũng thoải mái hơn so với thời điểm bị phong toả. Trước và trong Tết, mỗi ngày gia đình chị chỉ được phát 1 ‘giấy phép’ ra đường để cho một người duy nhất trong nhà đi mua đồ ăn thức uống và những đồ dùng cần thiết. Loại ‘giấy phép’ này được thay đổi mỗi ngày, nên không thể dùng lại vào ngày hôm sau. Nếu ai ra đường mà không có giấy sẽ bị phạt nặng nên cuộc sống cả nhà thật sự tù túng, quanh quẩn trong 4 bức tường chật chội.

Người dân tại các tỉnh khu vực phía Bắc nói chung, và Hải Dương nói riêng, lâu nay phần lớn không sống được nếu chỉ dựa vào làm nông vì đất đai ít mà giá thành nông sản cũng quá rẻ. Ruộng đất của họ chỉ canh tác lấy đủ gạo để ăn. Họ chủ yếu sống nhờ vào các công việc lao động tự do, làm thuê làm mướn, hoặc khá hơn là kinh doanh nhỏ. Vì thế, việc phong toả phòng chống Covid đã tạo ra rất nhiều khó khăn.

Họ cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những khó khăn kế tiếp khi đại dịch vẫn còn kéo dài. Lượng vaccine chống Covid mà Việt Nam có được hiện quá ít ỏi và những gia đình như anh Nam, chị Hồng thừa biết còn lâu lắm họ mới có thể tiếp cận được. Hiện tại, họ cố gắng tằn tiện, gắng gượng để trông chờ đến ngày cơn đại dịch thực sự qua đi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG