Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc cấm rải truyền đơn chống Triều Tiên


Một nhà hoạt động Hàn Quốc dùng bong bóng để rải truyền đơn sang Triều Tiên.
Một nhà hoạt động Hàn Quốc dùng bong bóng để rải truyền đơn sang Triều Tiên.

Hàn Quốc hôm 14/12 vừa có quyết định cấm rải tờ rơi tuyên truyền vào Triều Tiên, khiến các nhà hoạt động nhân quyền lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và một người đào tị nổi tiếng Triều Tiên tuyên bố sẽ không ngừng việc gửi thông điệp về quê hương.

Trong nhiều thập niên qua, những người đào tị và các nhà vận động ở Hàn Quốc thường dùng khinh khí cầu hoặc chai lọ thả trên sông để thả truyền đơn chống Triều Tiên qua khu vực biên giới được canh gác chặt chẽ. Họ cũng gửi thực phẩm, thuốc men, tiền bạc, radio mini và USB chứa tin tức và phim truyền hình Hàn Quốc.

Triều Tiên bị cô lập lâu nay đã lên án việc này và gần đây tăng cường chỉ trích, trước dấu hiệu về việc chính phủ Hàn Quốc có ý định cải thiện quan hệ trên bán đảo bị chia cắt.

Quốc hội Hàn Quốc hôm 14/12 đã bỏ phiếu để sửa đổi Đạo luật Phát triển Quan hệ Liên Triều nhằm ngăn chặn bất kỳ việc phân tán tài liệu in, hàng hóa, tiền và các mặt hàng có giá trị khác tại khu vực biên giới.

Quyết định này cũng hạn chế các chương trình phát thanh tuyên truyền trên loa, mà quân đội miền Nam từng sử dụng như một phần của chiến tranh tâm lý chống miền Bắc cho đến khi rút đi các thiết bị sau hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa hai miền Triều Tiên.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau ba tháng và những người vi phạm phải đối mặt với ba năm tù giam hoặc 30 triệu won (27.400 USD) tiền phạt.

Sự thay đổi này đã được thông qua bất chấp nỗ lực của các nhà lập pháp đối lập nhằm ngăn chặn siêu đa số trong đảng cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in, người đang muốn cải thiện quan hệ xuyên biên giới.

Dự luật được đưa ra vào tháng 6, sau khi Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nói rằng Hàn Quốc nên cấm việc rải truyền đơn, nếu không sẽ đối mặt với “giai đoạn tồi tệ nhất” của mối quan hệ liên Triều.

“Họ đang cố gắng đưa lệnh của Kim Yo Jong vào luật chỉ vì một lời nói của cô ấy”, Reuters dẫn lời Tae Yong-ho, một nhà lập pháp đối lập và là cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên, nói trong một bài phát biểu dài 10 giờ. Nhà lập pháp này nói thêm rằng dự luật sẽ chỉ giúp ích cho chính phủ của ông Kim tiếp tục “nô lệ hóa” người dân của họ.

Park Sang-hak, một người đào tị mà nhóm phát tờ rơi của ông đã bị tước giấy phép hoạt động và hiện đang đối mặt với cuộc điều tra truy tố, tuyên bố ông sẽ không từ bỏ chiến dịch kéo dài 15 năm của mình.

Ông nói với Reuters: “Tôi sẽ tiếp tục gửi các tờ rơi để nói lên sự thật vì người dân Triều Tiên có quyền được biết. Tôi không sợ bị bỏ tù”.

Park và 20 nhóm nhân quyền khác ở Hàn Quốc cam kết sẽ thách thức tính hợp hiến của luật, trong khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gọi lệnh cấm là một “chiến lược sai lầm” của Hàn Quốc nhằm lấy lòng ông Kim.

Shin Hee-seok, thành viên Nhóm Công tác Tư pháp Chuyển tiếp, nói: “Nó hình sự hoá việc gửi tiền cho các gia đình ở Triều Tiên và từ chối quyền của họ đối với thông tin bên ngoài”.

“Những nỗ lực xoa dịu như vậy chỉ có nguy cơ dẫn đến các hành động khiêu khích và đòi hỏi hơn nữa của Triều Tiên”.

Ông Chris Smith, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ và đồng chủ tịch một ủy ban nhân quyền lưỡng đảng, đưa ra tuyên bố chỉ trích việc sửa đổi là “viển vông, đáng sợ” vì tạo điều kiện bỏ tù những người chỉ đơn giản chia sẻ thông tin.

Khi được hỏi về tuyên bố của Nghị sĩ Smith, Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các mối quan hệ với Triều Tiên, nói dự luật là một “nỗ lực tối thiểu để bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của cư dân ở các vùng biên giới”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG