Đường dẫn truy cập

Gói cứu trợ kỷ lục 2.200 tỉ đô la không giúp Mỹ tránh được suy thoái?


Quảng trường Thời Đại, New York, gần như trống trơn vì dịch Covid-19
Quảng trường Thời Đại, New York, gần như trống trơn vì dịch Covid-19

Thượng viện Mỹ hôm 25/3 thông qua gói cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỉ đô la dành cho nền kinh tế, lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Hạ viện dự kiến sẽ sớm thông qua và Tổng thống Trump nóng lòng đợi ký để chuẩn y gói này.

Số tiền hơn 2 nghìn tỉ đô la này lớn hơn một nửa tổng tiền thuế - 3,5 nghìn tỉ đô la - mà chính phủ liên bang Mỹ dự kiến thu được trong năm 2020.

Tin tốt lành là phần lớn số tiền trong gói này sẽ dành cho những người lao động bị mất việc, các chủ doanh nghiệp nhỏ, các bệnh viện, chính quyền các bang và chính quyền các địa phương.

Nhưng tin xấu là gói này sẽ không đủ để ngăn chặn suy thoái, theo ông James McCann, nhà kinh tế học toàn cầu kỳ cựu tại hãng đầu tư Aberdeen Standard Investments.

Trong khuôn khổ gói cứu trợ sắp có hiệu lực, mỗi người Mỹ trung lưu và thu nhập thấp sẽ được nhận séc 1.200 đô la, người có con nhỏ sẽ được nhận thêm 500 đô la cho mỗi con.

Về phần các doanh nghiệp nhỏ, họ sẽ được tiếp cận với 367 tỉ đô la, thông qua nộp hồ sơ xin tài trợ khẩn cấp 10.000 đô la, và được vay hàng triệu đô la.

Ngoài ra, gói còn có tiền để trợ giúp người thất nghiệp. Chỉ có khoảng 1/4 số tiền trong gói cứu trợ, tương đương 500 tỉ đô la, được dành cho các công ty lớn, bao gồm tiền cấp cho Boeing và các hãng hàng không.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, nói cần có gói cứu trợ này, không chỉ để củng cố nền kinh tế và ổn định thị trường tài chính lúc này, mà còn để tạo bàn đạp cho sự phục hồi kinh tế trong thời gian còn lại của năm nay.

Hai vấn đề cần giải quyết

Các nhà kinh tế nói hiện cần phải giải quyết hai vấn đề: xử lý cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra, và chuyển tiền đến người dân kịp thời.

Đối với vấn đề thứ nhất, gói cứu trợ cung cấp 100 tỉ đô la cho các bệnh viện và hệ thống chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, gói cũng bao gồm khoản tiền 50 tỉ đô la để chi cho trang thiết bị bảo hộ dành cho nhân viên y tế, đồ xét nghiệm, huấn luyện, xây dựng các khu chữa trị mới, và tài trợ nghiên cứu về Covid-19.

Về vấn đề thứ hai, bà Constance Hunter, kinh tế gia trưởng tại hãng KPMG chuyên về tư vấn-tài chính-thuế, dự báo rằng sẽ mất ít nhất 6 đến 10 tuần để chính phủ Mỹ giải ngân được một lượng tiền đáng kể từ gói cứu trợ.

Khoảng thời gian như vậy là khá dài đối với những người mất việc và các chủ doanh nghiệp nhỏ không có sẵn tiền trong tay. Vì vậy, họ sẽ khó phục hồi nhanh chóng.

“Không có nút bấm kỳ diệu để tái khởi động nền kinh tế”, bà Hunter nói. “Trước khi tiền đến tay mọi người, sẽ có nhiều thiệt hại không mong muốn đối với nền kinh tế. Điều đó làm cho việc tái khởi động trở nên khó khăn”, bà nói thêm.

Ông James Bullard, một kinh tế gia có tiếng và hiện đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, đưa ra dự báo lạnh người rằng 46 triệu người Mỹ sẽ thất nghiệp, tương đương 30% lực lượng lao động, và sản lượng kinh tế sẽ giảm 50%, mức chưa từng có.

Môt bệnh nhân Covid-19 được đưa đi cấp cứu ở New York, Mỹ
Môt bệnh nhân Covid-19 được đưa đi cấp cứu ở New York, Mỹ

Dừng nền kinh tế để cứu nhân mạng

Nhưng giới nghiên cứu cho rằng suy thoái kinh tế lại là điều cần thiết để chống dịch Covid-19. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (CEPR) có trụ sở ở London ước tính rằng việc Mỹ lựa chọn biện pháp dừng phần lớn các hoạt động kinh tế có thể cứu được hàng trăm ngàn mạng sống.

“Có một mục tiêu, thực sự là chúng ta muốn có suy thoái vì chúng ta muốn mọi người dừng những việc họ thường làm. Chúng ta cần chấp nhận là kinh tế sẽ sụt giảm mạnh, chúng ta cần chấp nhận là điều đó sắp xảy ra. Đó là điều chúng ta cần vì chúng ta muốn có sự giãn cách xã hội để giảm thiệt hại nhân mạng”, ông Julian Jessop, nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Các Vấn đề Kinh tế ở London, nói.

Ông Jessop lưu ý rằng không nên xem khoản tiền 2,2 nghìn tỉ đô la là gói kích thích kinh tế: “Đây là việc đưa kinh tế vào ngủ đông để khi các biện pháp y tế kết thúc, các hoạt động kinh tế có thể quay trở lại bình thường. Đây là việc bảo đảm là các doanh nghiệp và công ăn việc làm vẫn tiếp tục tồn tại, không phải là kích thích kinh tế, mà là giữ gìn các bộ phận chính trong cơ thể”.

Điều kể trên cũng đã được Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (đảng Cộng hòa), tuyên bố hôm 25/3: “Đây thậm chí chẳng phải là gói kích thích, nó là gói cứu trợ khẩn cấp”.

Dưới con mắt các nhà kinh tế, gói này bù đắp phần nào cho những mất mát, thiết hại về việc làm và tiền lương có thể lên đến 2,5 nghìn tỉ đô la trong những tuần tới, và đó còn là một kịch bản tốt. Tình hình sẽ tệ hơn nếu đại dịch kéo dài sang mùa hè.

Mặc dù vậy, ở thời điểm này, ông Bullard, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, tỏ ra lạc quan rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Ông đưa so sánh với hình ảnh một chiếc xe hơi đang phóng hơn 100 kilomet/h trên đường cao tốc chuyển sang đi như rùa bò khi gặp công trường. Ông hy vọng chiếc xe sẽ tăng tốc nhanh chóng trở lại sau khi qua khỏi công trường.

Nhưng theo ông, vẫn chưa đủ khi quốc hội thông qua một biện pháp và Ngân hàng Dự trữ Liên bang đặt ra một chương trình, mà điều quan trọng là thực thi các chương trình đó trên thực tế.

Không hề có cuốn sách giáo khao nào dạy cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đã có bước đi đầu tiên về cứu trợ, nhưng nhiều nhà kinh tế tiên liệu rằng còn cần nhiều hơn thế. Và điều duy nhất có thể thực sự làm xoay chuyển tình hình là phải chấm dứt được đại dịch Covid-19.

(Washington Post, Newsweek, USA Today)

VOA Express

XS
SM
MD
LG