Đường dẫn truy cập

Thái Lan bỏ cáo buộc với tác giả báo cáo nhân quyền


Bản đồ Thái Lan.
Bản đồ Thái Lan.

Các nhà hoạt động và các nhóm vì nhân quyền đang hoan nghênh quyết định của chính phủ Thái Lan từ bỏ các vụ kiện chống lại ba nhà hoạt động nhân quyền, những người đã viết báo cáo hồi năm ngoái cáo buộc các lực lượng an ninh Thái Lan ngược đãi và tra tấn ở các tỉnh miền nam Thái Lan.

Vào đầu năm 2016, các luật sư nhân quyền Somchai Homlaor, Pornpen Khongkachonkie và Anchana Heemmina đã công bố một báo cáo trích về 54 trường hợp tra tấn và ngược đãi tù nhân bị quân đội giam giữ.

Ba tỉnh có đa số dân là người Hồi giáo Mã Lai đã là tâm điểm của một cuộc nổi dậy kéo dài 12 năm làm hơn 6.000 người mất mạng, và các nỗ lực nhằm đi đến một giải pháp hòa bình đã đạt được ít tiến bộ.

Sau khi báo cáo được công bố, các quan chức Bộ Tư lệnh Hoạt động An ninh Nội địa Thái Lan (ISOC) đã có đơn kiện hình sự đối với các nhà hoạt động, cáo buộc họ đã phỉ báng và vi phạm Đạo luật về Tội phạm Máy tính. Họ phải đối mặt với án tù lên đến 5 năm và khoản tiền phạt 2.800 đô la.

Quyết định hủy bỏ các cáo buộc được đưa ra hôm thứ Ba tiếp sau các cuộc đàm phán và các nhà hoạt động đồng ý trong tương lai sẽ đưa ra các bằng chứng với ISOC trước khi công bố bất kỳ báo cáo nào.

Angkhana Neelapaichit, thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, cho biết một khi có bất cứ cáo buộc nào, ISOC nên tiến hành điều tra.

Bà Angkhana nói với đài VOA: "Đối với tôi, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia và nhiệm vụ của tôi là viết về các nhà bảo vệ nhân quyền. Tôi thực sự không đồng ý là chính phủ cần phải cố gắng đe doạ các nhà bảo vệ nhân quyền”.

Bà nói: "Nếu ISOC không đồng ý với bản báo cáo, họ có thể tự điều tra và nói với công chúng, nhưng đối với những người bảo vệ nhân quyền, chính phủ phải tôn trọng công việc của các nhà bảo vệ nhân quyền".

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ở New York hôm thứ Tư nói quyết định này "cần phải là bước đầu tiên để chấm dứt tình trạng chính phủ hăm dọa, kiểm duyệt và trả đũa các nhà bảo vệ nhân quyền ở Thái Lan".

Brad Adams, giám đốc HRW châu Á, cho biết quyết định này sẽ "nhanh chóng bị lãng quên nếu quân đội tiếp tục can thiệp vào việc giám sát nhân quyền ở các tỉnh biên giới phía nam của Thái Lan".

Phó giám đốc của Ân xá Quốc tế tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Josef Benedict, cũng hoan nghênh quyết định này.

Nhưng ông Benedict nói vụ việc này là mang tính đặc trưng về việc các quy định về tội phỉ báng và các luật lệ đàn áp khác được sử dụng ra sao để nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà báo, và các thành viên khác của xã hội dân sự Thái Lan trong khuôn khổ cuộc trấn áp có hệ thống đối với những người chỉ trích chính phủ.

Luật sư nhân quyền Thái Lan, Sirikan Charoensiri, người đang bào chữa cho những người biểu tình chống chính phủ, đã bị nhà chức trách sách nhiễu. Sirikan đang phải đối mặt với bản án 15 năm tù về tội phản quốc và tội vi phạm lệnh cấm "tụ tập chính trị" từ 5 người trở lên.

Đại diện Văn phòng Nhân quyền LHQ, ông Laurent Meillan, đã góp tiếng nói ủng hộ, ông nói rằng cần phải khích lệ chính phủ "tiến hành thêm các bước đi để tăng cường các biện pháp để bảo vệ các nhà hoạt động thực hiện việc báo cáo và giám sát nhân quyền".

Các nguồn tin chính phủ Thái Lan nói với VOA rằng quyết định của quân đội bỏ đi những cáo buộc có cơ sở là thỏa thuận của các nhân viên ISOC sẽ thảo luận với các nhà hoạt động nhân quyền về những nghi ngờ là có những vi phạm nhân quyền ở các tỉnh biên giới phía nam.

Somchai Homalor nói với truyền thông địa phương rằng ông đã đồng ý gửi các báo cáo trong tương lai để "phối kiểm các dữ kiện trước khi công bố chi tiết cho công chúng và sẽ làm việc chặt chẽ hơn với các quan chức an ninh". VOA không tiếp xúc trực tiếp được với ông.

Một phát ngôn viên của ISOC, Shinawat Maendech, nói rằng thỏa thuận này không phải là một nỗ lực nhằm kiểm duyệt các báo cáo như vậy, mà chỉ tạo ra một cơ chế để điều tra các vụ việc như vậy sao cho những kẻ làm sai có thể bị đưa ra công lý và các nạn nhân được bồi thường”.

Trong một dấu hiệu tiến bộ nữa, Chính phủ Thái Lan năm ngoái tuyên bố ủng hộ một dự luật lập pháp nhằm vào các vụ tra tấn và mất tích do bị ép buộc. Theo LHQ, kể từ năm 1980 tổ chức này đã ghi lại có 82 vụ mất tích vì bị ép buộc ở Thái Lan.

Tuần này Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong bản đánh giá hàng năm về nhân quyền toàn cầu, đã nêu quan ngại đối với các báo cáo về xâm hại do các lực lượng an ninh của chính phủ gây ra ở miền nam Thái Lan. Các vấn đề khác bao gồm việc bắt giữ và giam cầm tùy tiện, điều kiện trại giam tồi tàn, và không bảo vệ đầy đủ đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

Trong một báo cáo riêng rẽ, tổ chức giám sát nhân quyền ở Mỹ, Fortify Rights, đã kêu gọi chính phủ Thái Lan đưa ra "các cam kết cụ thể và thành thật" đối với việc giải quyết các vụ vi phạm nhân quyền trước khi Ủy ban Nhân quyền LHQ sắp tới đây xem xét việc Thái Lan tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của LHQ.

Uỷ ban Nhân quyền LHQ sẽ đánh giá việc Thái Lan tuân thủ Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị vào tuần tới tại Geneva.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG