Đường dẫn truy cập

Giới chuyên gia quan ngại việc máy bay Trung Quốc trình diễn ở Việt Nam


Máy bay Comac C919 của Trung Quốc. (Photo by Roslan RAHMAN / AFP)
Máy bay Comac C919 của Trung Quốc. (Photo by Roslan RAHMAN / AFP)

Các chuyên gia cho rằng việc 2 máy bay do Trung Quốc sản xuất đang trình diễn tại sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có thể gây phương hại đến an ninh quốc phòng của Việt Nam, dù đây chỉ là các máy bay thương mại.

Hôm 26/2, tập đoàn Máy bay Thương Mại Trung Quốc (Comac) đưa 1 chiếc C919 và 1 chiếc ARJ21 đến trưng bày và bay trình diễn tại Việt Nam và được phía Việt Nam đón tiếp trọng thị.

“Người Việt Nam nhạy cảm trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc liên quan đến an ninh, quốc phòng, hàng không. Việc đó tôi thấy rất không hay và nguy hiểm cho vấn đề an ninh của Việt Nam về mặt quốc phòng”, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, cựu Chủ nhiệm sáng lập Bộ môn Kỹ thuật Hàng không ở trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận định với VOA.

Hôm 27/2, tập đoàn Comac trình diễn 2 máy bay chở khách thân hẹp C919 và ARJ21 tại Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, mở đầu các hoạt động kéo dài trong 3 ngày bao gồm các màn trình diễn cất và hạ cánh của máy bay, trải nghiệm bay thử và buổi tiếp xúc riêng về các nội dung tăng cường phát triển đường bay Trung Quốc tới Vân Đồn.

“Chúng ta có vấn đề tranh chấp về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa... mà để cho một nước láng giềng mà chúng ta rất e ngại từng làm những việc không có lợi cho dân tộc Việt Nam mà sang trình diễn ở đó. Điều này rất bất lợi cho Việt Nam”, tiến sĩ Tống bày tỏ ý kiến cá nhân. “Gần đây người dân Việt Nam ý thức được chuyện này cho nên họ không tán thành và cũng bất bình chuyện để cho sân bay Vân Đồn làm như vậy”.

Truyền thông Việt Nam tường thuật lễ khai mạc Comac Airshow với sự hiện diện của ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải; ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đại diện các hãng hàng không đang khai thác đường bay trên lãnh thổ Việt Nam.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Đàm Vạn Canh, Chủ tịch Tập đoàn Comac, phát biểu tại phiên khai mạc hôm 27/2: “Việc máy bay thương mại của Trung Quốc bay đến Quảng Ninh, Việt Nam, là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy việc quốc tế hóa máy bay dân dụng của Trung Quốc, cũng là một ví dụ điển hình nữa về sự hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam”.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm đến và điểm trung chuyển của khu vực và thế giới, hơn nữa nơi đây là một trong những cửa ngõ cho thị trường Trung Quốc đến với các nước ASEAN và ngược lại”.

Trong thời gian lưu lại Việt Nam, 2 máy bay sẽ được trưng bày tĩnh tại sân bay Vân Đồn, đồng thời có lịch trình di chuyển tới Côn Đảo, Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, theo đài VTC.

Một giảng viên đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, người theo dõi các dòng máy bay thương mại tiên tiến trên thế giới nhưng yêu cầu không tiết lộ danh tính vì lý do an toàn, chia sẻ với VOA rằng hiện có khá ít dữ liệu về độ bay an toàn của máy bay C919 và ARJ21 nên khó đưa nhận định chính xác về mức độ an toàn của hai dòng máy bay này.

“Tuy nhiên khi nào 70-80 % dân Trung Quốc đi du lịch dám leo lên hai chiếc này và phải bay an toàn trong vòng ít nhất 5 năm thì mới tính!”, vị giảng viên này bình luận thêm.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng “Trung Quốc học hỏi và sao chép công nghệ khá nhanh, từ tàu cao tốc, điện thoại, và vũ khí như tàu sân bay, tên lửa..., nên thị phần máy bay hàng không trong tương lai chắc sẽ có thay đổi, nhất là ở các nước Nga-Trung và liên minh của họ!”.

Ông cho rằng sẽ có sự e dè về cặp máy bay này của Comac, giống như đã thấy khi Trung Quốc tung ra vaccine Vero Cell trước đây. “Sẽ ít người dám chọn leo lên nếu họ có khả năng lựa chọn khác, như Airbus hay Boeing”, ông dự báo.

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống đưa ra nhận xét về khả năng liệu các hãng hàng không Việt Nam sẽ sử dụng máy bay của Comac.

“Hiện nay, các hãng hàng không dân dụng Việt Nam khai thác, mua của hai hãng máy bay lớn trên thế giới mà các nước đều mua là Airbus và Boeing. Cho nên thêm một hãng nữa cung cấp máy bay thì không có lợi trong bảo dưỡng và các thứ khác. Nếu tôi là một hãng hàng không thì tôi không dại gì mua nhiều dòng máy bay của nhiều công ty khác nhau”.

Ở một góc nhìn khác, ông Lưu Quang Huy, một kỹ sư ở Hà Nội, nhận định với VOA rằng sự có mặt hai máy bay của Trung Quốc tại Việt Nam là một điều tuyệt vời.

Phát biểu tại buổi lễ trình diễn, ông Đàm Vạn Canh nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, việc máy bay bay đến Vân Đồn đánh dấu sự hợp tác hóa toàn cầu trong lĩnh vực hàng không. “Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng và có kinh nghiệm quản lý Hàng không phong phú”, ông Canh phát biểu.

Cả đơn vị tổ chức và quản lý sân bay Vân Đồn đều kỳ vọng rằng sân bay này sẽ là nơi mở đầu cho triển vọng 2 dòng máy bay C919 và ARJ21 chở khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, trong đó chiếc ARJ21 thuộc loại máy bay phản lực hai động cơ và chiếc C919 có cấu trúc của máy bay chở khách thân hẹp.

Hôm 27/2, Comac cho biết sau triển lãm ở Việt Nam, hai máy bay của họ sẽ tiếp tục hành trình triển lãm tại Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia, theo Reuters.

“Mục đích chính của những chuyến bay này là để giới thiệu hiệu suất hoạt động tốt của máy bay và đặt nền móng cho việc mở rộng thị trường trong tương lai ở Đông Nam Á”, tập đoàn hàng không Trung Quốc nói thêm.

Trang Global Times của Trung Quốc hôm 27/2 dẫn lời các chuyên gia của nước này cho rằng các chuyến bay trình diễn của Comac “có ý nghĩa quan trọng” đối với việc máy bay Trung Quốc bay ra nước ngoài, và những chuyến bay như vậy có thể thúc đẩy khách hàng quốc tế và công chúng xem xét kỹ hơn về máy bay thương mại của Trung Quốc, giúp ích rất nhiều cho hình ảnh thương hiệu của ngành công nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả hàng không.

Hãng tin Reuters nói rằng thiết kế của C919 mới chỉ được Trung Quốc chứng nhận và cơ quan hàng không Trung Quốc cho hay họ sẽ quảng bá máy bay này trên phạm vi quốc tế trong năm nay và nộp hồ sơ xin chứng nhận của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA).

Tạp chí Forbes của Mỹ hôm 28/2 nhận định rằng việc đạt được chứng nhận máy bay C919 bên ngoài Trung Quốc của Comac có thể là một quá trình kéo dài.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG