Đường dẫn truy cập

Gibraltar sợ bị cô lập, kinh tế sụp đổ, nếu Anh rút khỏi EU


Cờ Anh và cờ EU được xếp đặt trước chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron tới Ủy ban châu Âu ở Brussels ngày 29/1/2016. Nhiều người lo ngại việc Anh rời bỏ EU có thể sẽ có tác động vượt ra ngoài biên giới nước Anh.
Cờ Anh và cờ EU được xếp đặt trước chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron tới Ủy ban châu Âu ở Brussels ngày 29/1/2016. Nhiều người lo ngại việc Anh rời bỏ EU có thể sẽ có tác động vượt ra ngoài biên giới nước Anh.

Trong lúc Anh quốc chuẩn bị bỏ phiếu trưng cầu dân ý có tiếp tục làm thành viên của Liên hiệp Âu châu hay không, người dân tại Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh, cảm thấy dễ bị nguy hiểm đe dọa.

Đảo đá nhỏ nằm sát mũi nam của Tây Ban Nha là nơi thường là nguồn cơn của những tranh chấp liên tục giữa London và Madrid. Một bộ trưởng chính phủ Tây Ban Nha hồi gần đây gợi ý rằng Anh quốc rút khỏi EU có thể dẫn đến việc mở lại vấn đề chia sẻ chủ quyền Gibraltar, bất chấp điều đó đã bị Gibraltar bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2002.

Hiện nay hình vẽ trên các buồng điện thoại màu đỏ, các xe buýt hai tầng, các quán rượu và các nhà hàng bán món cá tẩm bột chiên và khoai tây chiên truyền thống của Anh đều cho thấy Gibraltar là một tiền đồn không thể nào nhầm lẫn được của Anh quốc tại miền nam Âu châu.

Ông Alasdair Pinkerton của trường Royal Holloway, thuộc Viện đại học London, nói rằng lãnh thổ này được Tây Ban Nha nhượng cho Anh vào năm 1713, nhưng một cuộc bỏ phiếu của Anh quyết định rút khỏi EU có thể sẽ làm cho Madrid tăng thêm hy vọng đòi lại chủ quyền của Gibraltar.

Ông Pinkerton nói: “Nó nằm trong hệ thống hiệp ước Âu châu không cho phép nỗ lực theo đuổi việc đòi chủ quyền đối với Gibraltar, trong lúc Anh quốc là một thành viên của Liên hiệp Âu châu. Do đó, theo cách đó, Liên hiệp Âu châu bảo vệ Gibraltar.”

Trong quá khứ, Tây Ban Nha đã có những lần thắt chặt kiểm soát biên giới khi căng thẳng tăng cao, gây ra ách tắc giao thông lớn. Madrid cáo buộc người Gibraltar buôn lậu rượu và thuốc lá xuyên biên giới, và điều đó có thể được sử dụng làm lý do để đóng cửa biên giới, cô lập 30.000 cư dân trên đảo đá Gibraltar.

Ông Pinkerton nói: “Giống như bất cứ nhà nước có chủ quyền nào mà không ràng buộc bởi hiệp ước, Tây Ban Nha tuyệt đối có quyền đóng cửa biên giới đối với một lãnh thổ không còn trực thuộc Liên hiệp Âu châu nữa.”

Kinh tế Gibraltar tăng trưởng hơn 10% trong năm vừa qua, nhờ môi trường thuế khóa hấp dẫn và có thể tiếp cận với thị trường chung Âu châu. Lãnh đạo của Gibraltar, ông Fabian Picardo lo sợ về hậu quả của việc Anh quốc rút khỏi EU.

Các cuộc thăm dò dư luận tại Anh cho thấy bên theo chủ trương rút khỏi EU thắng thế, nhưng tại Gibraltar, đa số cư dân nói họ bỏ phiếu ở lại Liên hiệp Âu châu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG